Chương trình hỗ trợ hộ nghèo nhà ở về đích sớm

Hơn 507.000 hộ, khoảng 2 triệu nhân khẩu đã có nhà ở an toàn, ổn định để yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, nhiều hộ đã thoát nghèo…

Sáng 19/7, tại Bắc Ninh, Ủy ban Chỉ đạo Trung ương về Chính sách nhà ở và thị trường bất động sản tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ.

Vui mừng và đánh giá cao kết quả Chương trình hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Chương trình này là một điểm sáng trong tiến trình xây dựng đất nước, phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH và phát triển bền vững đất nước. 

Chương trình phù hợp với lòng dân, thiết thực với đời sống nhân dân và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Chăm lo cho đời sống của nhân dân, đặc biệt là về nhà ở, luôn là một nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Biểu hiện là thời gian qua, mặc dù trong bối cảnh chung của nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhiều hạng mục đầu tư công phải cắt giảm để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng các chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội không hề bị cắt giảm, thậm chí còn gia tăng. Đây là một cố gắng, nỗ lực chung đáng tự hào của Đảng, Nhà nước và toàn dân". 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị (Ảnh: Thành Chung)

Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: "Chương trình đã khơi dậy truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta, đó là tinh thần tương thân, tương ái, đùm bọc người nghèo, biết ơn người có công; xây dựng tình cảm gắn bó, đoàn kết anh em, dòng họ, “tình làng, nghĩa xóm” trong cộng đồng dân cư và tăng cường tình đoàn kết quân – dân, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân và thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ".

Đồng thời, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương và toàn dân cần rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế của Chương trình ở giai đoạn I để sang giai đoạn II triển khai hiệu quả hơn.

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện quyết liệt, đến nay Chương trình đã hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu đề ra. Trong số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước thì có 59 tỉnh, thành phố triển khai thực hiện hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định 167; còn lại 4 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Bình Dương) thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo tiêu chí và chuẩn nghèo riêng của địa phương hoặc không có đối tượng theo quy định tại Quyết định 167.

Trong đó, có 9 tỉnh hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn sớm trước 2 năm, trong đó có những tỉnh có số lượng phải hỗ trợ nhiều như Thái Nguyên, Phú Thọ… Hầu hết các tỉnh khác đã hoàn thành chương trình sớm trước 1 năm. Nhiều tỉnh có số lượng phải hỗ trợ rất lớn, nhưng đến nay đã hoàn thành hoặc đạt được kết quả tốt, như: Thanh Hóa, Trà Vinh, Sóc Trăng.

Thủ tướng tặng quà các hộ gia đình (Ảnh: Thành Chung)

Cụ thể, đến nay các địa phương đã hỗ trợ nhà ở cho 507.143 hộ, đạt tỷ lệ 102, 2% so với số hộ phê duyệt ban đầu, đạt 94% so với số hộ thực tế phải hỗ trợ sau khi rà soát, bổ sung;

Ngày 12/12/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 167/2008/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo tại khu vực nông thôn, tiếp đó ngày 29/10/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 67/QĐ-TTg để bổ sung thêm đối tượng là các hộ nghèo, có khó khăn về nhà ở, đang cư trú tại các thôn, bản trực thuộc phường, thị trấn, thị xã, thành phố sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, lâm, ngư nghiệp.

Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách (Trung ương và địa phương) mỗi hộ gia đình 7,2-8,4 triệu đồng, cho vay với lãi suất ưu đãi (3%/năm) từ Ngân hàng chính sách xã hội 8 triệu đồng và huy động sự giúp đỡ của cộng đồng, dòng họ và đóng góp của bản thân hộ gia đình để xây dựng được một ngôi nhà diện tích khoảng 24m2, với 3 cứng, có tuổi thọ tối thiểu là 10 năm. Ban đầu, Chương trình dự tính, trong thời gian 4 năm (2009-2012) thực hiện hỗ trợ nhà ở cho khoảng 500.000 hộ nghèo có khó khăn về nhà ở đang cư trú tại khu vực nông thôn.

Chương trình đã huy động được 12.653 tỷ đồng; tổng số vốn đã  giải ngân 11.945 tỷ đồng, chiếm 94,4% số vốn đã huy động; hầu hết các căn nhà đều vượt diện tích (đa số 28-32m2, nhiều căn có diện tích 50-60 m2) và chất lượng quy định; giá thành căn hộ đa số 25-28 triệu đồng, nhiều căn tới 60 triệu đồng.

Đạt được kết quả trên, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, nhờ Chương trình được thiết kế với những cơ chế, chính sách phù hợp, sát với thực tế; sự quan tâm của Đảng, Quốc hội và sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản; Chương trình được tổ chức triển khai quyết liệt, có hiệu quả của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị- xã hội của các địa phương.

Tuy nhiên, vẫn còn có những địa phương chưa hoàn thành chương trình là do chưa nhận thức đầy đủ về mục đích, yêu cầu và ý nghĩa của Chương trình nên chưa có sự quan tâm đúng mức trong chỉ đạo thực hiện; công tác bình xét đối tượng vẫn có nơi làm chưa tốt; việc bố trí nguồn vốn chưa đồng bộ, nhiều khi có vốn ngân sách thì thiếu vốn vay hoặc ngược lại…

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: “Chương trình 167 là một chương trình hỗ trợ nhà ở lớn nhất, hiệu quả nhất từ trước đến nay; thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước, chứng tỏ tính ưu việt của chế độ XHCN. Nếu tính bình quân 4 người/hộ thì trên 2 triệu người đã có nhà ở an toàn, ổn định. Nhờ có nhà ở, đời sống vật chất, tinh thần của các hộ nghèo đã tốt hơn, ổn định hơn, vì vậy họ đã yên tâm tập trung lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, nhiều hộ đã thoát nghèo”.

Để đảm bảo sự công bằng, công khai, dân chủ và đúng đối tượng được hỗ trợ trong giai đoạn II, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương rút kinh nghiệm trong quá trình bình xét; kiên quyết không giao cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở, trừ các đối tượng là người neo đơn hoặc chủ hộ trực tiếp ký hợp đồng xây dựng với doanh nghiệp; tuân thủ các quy định về sử dụng ngân sách, huy động các nguồn lực; đồng thời tiếp tục rà soát đối tượng, lập đề án giai đoạn 2 và chuẩn bị các điều kiện để triển khai ngay sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ; đối với các địa phương chưa hoàn thành giai đoạn I cần có kế hoạch cụ thể, chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành trong Quý III/2012./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên