Chương trình mục tiêu quốc gia giúp cải thiện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
VOV.VN - Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, chiếm tỷ lệ hơn 30% dân số của tỉnh, triển khai phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị Dự án 3 trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 đã góp phần giúp đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng phát triển kinh tế
Một buổi sáng của những ngày trung tuần tháng 11 ở vùng nông thôn khóm Soài Côn, Phường 2, thị xã Vĩnh Châu, không khí lao động sản xuất khá tất bật. Bà con ở đây chủ yếu trồng màu, một số thì nuôi trồng thuỷ sản. Khóm Soài Côn cũng là nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.
Tranh thủ hoàn thành sớm công việc đồng áng, đến 3 giờ chiều, 16 chị em phụ nữ ở khóm này có mặt tại gia đình chị Kim Thị Chanh Ly để tham lớp học đan giỏ do Trung tâm giáo dục thường xuyên-giáo dục nghề nghiệp thị xã Vĩnh Châu tổ chức trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Dù mới học được hơn nửa tháng, nhưng phần lớn các chị đều đan rất giỏi. Ngoài ra, việc tổ chức lớp học ngay tại khóm, đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia. Đặc biệt, vừa được học nghề, các chị còn được hỗ trợ tiền 30.000 đồng/ngày.
Bà Tăng Thị Sà Vol, chia sẻ: "Thời gian học thì Trung tâm cũng tạo điều kiện, buổi chiều mới học, nên khi xong việc rồi tôi mới tranh thủ học đan giỏ. Học cũng khá đơn giản, hiện nay đa số các chị em đều biết đan".
Thời gian qua, Sóc Trăng đã tập trung đẩy nhanh việc triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án… trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 -2030, trong đó, có việc hỗ trợ chuyển đổi nghề, dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó, từng bước giúp bà con có thêm điều kiện làm ăn, tăng thêm thu nhập, từng bước vươn lên để ổn định đời sống gia đình.
Gia đình ông Sơn Cường ở xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên được chính quyền địa phương xét hỗ trợ 10 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Ông đã giành số tiền đó để đầu tư mua một chiếc vỏ lãi và máy xăng để làm phương tiện vận chuyển cỏ cho bò ăn.
Ông Cường cho biết, từ lúc có chiếc xuồng, anh đi cắt cỏ thuận lợi, tiết kiệm được thời gian và tranh thủ làm được thêm nhiều việc khác cho gia đình: "Gia đình cảm ơn sự hỗ trợ nhà nước trong chuyển đổi ngành nghề, tôi mua xuồng đi cắt cỏ cho bò, thuận tiện hơn. Giờ tôi nuôi được 1 con, sắp tới cố gắng nhân đàn thêm".
Tính đến cuối tháng 9 vừa qua, Sóc Trăng đã giải ngân được hơn 359,4 tỷ đồng, không bao gồm vốn huy động để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đạt tỷ lệ gần 67%. Qua đó, tỉnh có 18/42 mục tiêu, chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, tỉnh đã triển khai hỗ trợ đất ở cho 41 hộ; nhà ở cho 1.433 hộ; chuyển đổi nghề cho 3.489 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 859 hộ; xây dựng 04 công trình nước tập trung; triển khai trên 60 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng… và sửa chữa, xây dựng nhiều công trình khác.
Nói về việc triển khai chương trình này tại địa phương, ông Trương Quốc Điền, chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng cho biết: "Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 huyện đã tập trung nhiều dự án, nhiều hợp phần để hỗ trợ cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ về nhà ở, đất ở, đất sản xuất. Đến thời điểm hiện nay, huyện Châu Thành đã thực hiện rất tốt các dự án, nhất chuyển đổi ngành nghề, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế. Tỷ lệ giải ngân vốn đối với dự án này cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện hầu như là đạt 100% kế hoạch vốn được giao".
Với sự hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều gia đình đồng bào dân tộc Khmer tại tỉnh Sóc Trăng hiện đã có sinh kế ổn định, giúp gia đình tăng thêm thu nhập, có cơ hội vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống. Cùng với các chương trình, chính sách dân tộc, dự án khác của Đảng, Nhà nước và địa phương, giúp tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào Khmer của tỉnh giảm hàng năm trên 3%. Tỉnh Sóc Trăng cũng phấn đấu, đến cuối năm nay, tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh sẽ giảm xuống chỉ còn dưới 8.500 hộ.
Việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của tỉnh Sóc Trăng, hiện ngày càng lan tỏa đến từng cán bộ, người dân với các phong trào thi đua sôi nổi, qua đó đã góp phần hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung có giá trị kinh tế cao, thu nhập và điều kiện sống của người dân nông thôn tiếp tục nâng cao.
Tổ hợp tác nông nghiệp Đại Ân, xã Đại Tâm huyện Mỹ Xuyên là một trong những điểm sáng trong thực hiện mô hình kinh tế tập thể. Ông Hứa Thành Nghĩa, tổ trưởng tổ hợp tác chia sẻ, nhiều năm nay, hơn 30 thành viên tổ hợp tác với hơn 100 ha diện tích trồng lúa đều chọn phương pháp trồng, nhân giống lúa đặc sản ST24, ST25, ứng dụng phương pháp gieo mạ cấy máy, nhằm giảm chi phí, nâng cao năng suất và tăng giá trị, hướng tới sản xuất an toàn, bền vững. Tổ còn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm hiệu quả và bền vững với doanh nghiệp Hồ Quang Trí, nên đảm bảo lợi nhuận khá. Ước tính lợi nhuận bình quân mỗi năm đạt từ 40-50 triệu đồng/ha.
Ông Nghĩa cho biết thêm: "Về phát triển nông thôn mới kiểu mẫu, hiện nay đã ứng dụng cơ giới hoá toàn bộ. Hướng tới đây, chúng tôi còn được sự quan tâm hỗ trợ từ địa phương về máy phun thuốc, có được máy phun thuốc càng giúp bà con nông dân giảm được chi phí cho sản xuất".
Không những vậy, các thành viên tổ hợp tác còn tận dụng lợi thế thổ nhưỡng thích hợp cho việc trồng màu, chăn nuôi, nên đã phát triển khá hiệu quả 2 mô hình này.
Ông Trương Tấn Lâm, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên thông tin: "Đối với Đại Tâm hiện nay các mô hình xã có một hợp tác xã sản xuất lúa, 14 tổ hợp tác, trong đó, có 6 tổ hợp tác sản xuất lúa, 1 tổ hợp tác rau còn lại 7 tổ hợp tác chăn nuôi bò. Qua thống kê trong tháng, bình quân thu nhập đầu người là trên 79 triệu đồng/năm".
Theo báo cáo của tỉnh Sóc Trăng, đến ngày 30/9, tỉnh đã giải ngân được hơn 274 tỷ đồng trong hai năm 2022 và 2023, đạt hơn 78% để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nếu tính từ năm 2021 đến nay, Sóc Trăng đã huy động hơn 8.300 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Hiện tỉnh đã có 64 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 80% tổng số xã của tỉnh; 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Sóc Trăng đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025, có thêm ít nhất 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 8 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đối với đơn vị cấp huyện, có thêm 3 đơn vị đạt chuẩn nông thôn mới và có thêm 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Qua 3 năm thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã mang lại những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, diện mạo nông thôn mới khởi sắc.