Chương trình mục tiêu quốc gia giúp giảm nhanh hộ nghèo tại Sóc Trăng
VOV.VN - Ngày 9/10, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia do Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Huỳnh Văn Thuận làm Trưởng đoàn đã đến giám sát việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại tỉnh Sóc Trăng.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh, Sóc Trăng là tỉnh còn nhiều khó khăn, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với trên 35% dân số của tỉnh. Từ khi triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, mức sống của người dân, nhất là đồng bào dân tộc ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, vùng nông thôn từng bước thay da đổi thịt.
Gia đình chị Danh Thị Sóc Kha ở ấp Sóc Xoài, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, không có tư liệu sản xuất nên đời sống lâu nay luôn chật vật từ năm này qua năm khác. Khi được nhà nước, địa phương xét hỗ trợ được ngôi nhà cùng 1 cặp bò sinh sản từ chương trình mục tiêu quốc gia, chị rất phấn khởi vì có sinh kế cải thiện đời sống.
“Được nhà nước hỗ trợ cất nhà cho rồi 2 vợ chồng mừng lắm, không còn lo lắng như trước đây nữa. Mấy năm trước, mùa mưa như vậy là dột khắp nơi, rất là vất vả, bây giờ không còn lo nữa”, chị Sóc Kha cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, các chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần giúp tỉnh Sóc Trăng giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 2-3%; trong đó, giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer từ 3-4%. Tính đến cuối năm 2023, tỉnh còn khoảng 30.000 hộ nghèo và cận nghèo và sẽ tiếp tục giảm trong năm nay.
Cũng theo ông Khởi, toàn tỉnh có 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, có 70/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 20 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Riêng chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tính đến nay, Sóc Trăng đã hỗ trợ đất ở cho 272 hộ, hỗ trợ nhà ở cho hơn 2.600 hộ, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho hơn 5.200 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho hơn 1.200 hộ; xây dựng 4 công trình cấp nước tập trung với khoảng 1.536 hộ thụ hưởng; triển khai 75 mô hình hỗ trợ…
“Về vốn giải ngân thì vốn đầu tư của Trung ương theo báo cáo mới nhất thì được khoảng 64%, tỷ lệ cũng rất khá. Về vốn phát triển, vốn sự nghiệp của địa phương thì theo báo cáo mới nhất đạt gần 49%. Từ nay đến cuối năm, nâng vốn sự nghiệp lên và vốn đầu tư phát triển đạt trên 95%”, ông Nguyễn Văn Khởi cho biết thêm.
Cùng với các chính sách tổng thể thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đến nay, tổng dư nợ tín dụng chính sách tỉnh Sóc Trăng đạt hơn 5.600 tỷ đồng với hơn 159.000 khách hàng, đạt tỷ lệ hơn 47% số hộ dân sinh sống trên địa bàn tỉnh. Trong đó, dư nợ cho vay đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo góp phần thực hiện Chương trình đạt hơn 2.600 tỷ đồng, chiếm hơn 46% tổng dư nợ với hơn 79.000 hộ còn dư nợ.
Tại buổi làm việc, qua ý kiến đóng góp của đoàn giám sát, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng Hồ Thị Cẩm Đào đề nghị các sở ngành địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia với tinh thần quyết tâm chính trị cao nhất.
“Từ nay đến cuối năm công việc còn rất nhiều, nhưng thời gian rất ngắn, rất ít, do đó, tôi cũng đề nghị các đồng chí phải hết là quan tâm, đặc biệt là các đồng chí sở ngành phụ trách từng chương trình mục tiêu quốc phải rất quan tâm, rồi sở Kế hoạch và đầu tư là đầu mối cũng nắm tham mưu kịp thời cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh trong chỉ đạo thực hiện”, bà Hồ Thị Cẩm Đào nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận tại buổi giám sát, ông Huỳnh Văn Thuận, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội ghi nhận những nỗ lực của tỉnh Sóc Trăng trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Qua đó, tạo động lực mới, năng lực mới cho địa phương phát triển, đời sống nhân dân ngày càng cải thiện.
Ông Huỳnh Văn Thuận cũng đề nghị Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Sóc Trăng tiếp tục phát huy thành quả đạt được; trong đó, chú trọng xem xét, nhân rộng các mô hình triển khai hiệu quả để làm sao giảm tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số; Tiếp tục rà soát các dự án, tiểu dự án sắp xếp theo thứ tự ưu tiên và khả năng giải ngân để điều chỉnh kịp thời; Đẩy mạnh công tác phối hợp, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc nâng vốn đầu tư công…
Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đề nghị, Sóc Trăng tiếp tục phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội để triển khai các tín dụng chính sách góp phần triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương. Đồng thời cho biết, các kiến nghị của tỉnh, đoàn sẽ tổng hợp và trình Ban Chỉ đạo Trung ương sớm tháo gỡ khó khăn, giúp Sóc Trăng thực hiện thành công các Chương trình mục tiêu quốc gia tại tỉnh Sóc Trăng.