Chuyện chưa kể về những người phía sau sự an toàn của chuyến tàu đường sắt

VOV.VN - Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 2 tuyến đường sắt là Hà Nội - Đồng Đăng và Mai Pha – Na Dương với chiều dài khoảng 123 km. Những tuyến đường ray này phần lớn đều chạy qua những khu vực hoang vắng và cả những cánh rừng rậm rạp.

Công việc canh giữ hầm xuyên núi, hay tuần đường, gác chắn càng trở nên vô cùng quan trọng để đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu.

Đều đặn vào 5h30 sáng hằng ngày, anh Trần Văn Tam nhân viên gác hầm đường sắt lại gửi nhờ chiếc xe máy cũ tại một nhà dân ven quốc lộ 1A, sau đó đi bộ theo con đường nhỏ ngoằn ngèo để lên ban gác. Khô ráo còn đỡ, cực nhất là khi trời mưa, con đường đất nhão nhẹt, dính bết giày dép... Độ 2km, khi mũi miệng tranh nhau thở, căn nhà nhỏ màu vàng cũng hiện ra trước mắt.

Khu vực anh Tam làm nhiệm vụ là hầm Pắc Khánh (thuộc xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng) dài 1.069m, là một trong những hầm đường sắt xuyên núi có chiều dài nhất cả nước.

Nhiệm vụ của anh Tam là kiểm tra, bảo đảm trạng thái kỹ thuật đường sắt, trạng thái hầm; kịp thời phát hiện những bất thường của đoạn tuyến đường sắt này. Trước và sau mỗi chuyến tàu, anh Tam đều phải vào hầm kiểm tra từng thanh tà vẹt, từng đoạn ray và hệ thống thông tin liên lạc giữa các ga...

Gia đình ở xa, phải thuê nhà trọ nên gần 3 chục năm gắn bó với nghề gác hầm đường sắt cũng là gần 3 chục năm anh Tam làm bạn với núi rừng, với cỏ cây. Nơi đây không có nguồn nước sạch, phải xin nước từ nhà dân gánh về, bữa trưa khi là hộp cơm nguội ngắt mua từ sáng sớm hay gói mỳ tôm "không người lái", sóng điện thoại cũng chập chờn lúc có lúc không... Anh Trần Văn Tam tâm sự: Dù điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn nhưng so với mấy năm trước thì cũng khá hơn nhiều rồi.

“Nước sinh hoạt là phải tự túc mang từ nhà, hoặc xuống suối lấy, hay mượn nhờ nhà người dân. 27 năm trong ngành rồi, nói chung là phải yêu ngành, yêu nghề mới có thể làm được. Chúng tôi luôn đặt sự an toàn tuyệt đối lên hàng đầu. Như đã đi lên ban gác thì không được uống rượu chè, không được ngủ trong giờ làm việc, phải nắm được lịch tàu chạy… Mỗi chuyến tàu qua, bên tổ gác chúng tôi ai cũng thế thôi, đã vào ca kíp của mình thì phải làm hết trách nhiệm của mình để tàu xuôi, tàu ngược được đảm bảo an toàn nên mặc dù còn nhiều khó khăn vẫn phải khắc phục dần thôi.”

Làm nhiệm vụ giữa rừng đối diện với sự vắng vẻ, thiếu thốn về cơ sở vật chất, vậy nhưng nhân viên gác chắn nơi đô thị cũng vất vả không kém. Thoạt nhìn, việc đóng, mở barie khi tàu qua đường ngang vô cùng dễ dàng, nhưng đằng sau công việc tưởng chừng nhưng đơn giản ấy lại ẩn chứa biết bao nỗi niềm.

Chị Triệu Thị Hằng, nhân viên gác đường ngang tại Km0+214 thuộc Cung đường sắt Yên Trạch, chia sẻ: “Do là phụ nữ nhiều khi phải trông con nhỏ, lấn bấn việc gia đình, nhiều lúc phải trực ca tối nữa nên có thiệt thòi hơn 1 chút so với nam giới. Mỗi người chọn một nghề mà, đã chọn nghề này rồi thì phải cố gắng nỗ lực thôi, và phải yêu nghề, gắn bó với nghề. Gia đình cũng động viên em nhiều để vượt qua khó khăn. Để đảm bảo được an toàn cho mỗi chuyến tàu qua thì cũng thật sự nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với chị em phụ nữ".

Theo ông Trần Trọng Đoàn, Đội trưởng Đội quản lý kỹ thuật an toàn 3, Công ty Cổ phần Đường sắt Hà – Lạng: Hiện nay, có hơn 120 nhân viên làm việc trên tuyến đường sắt Hà Nội –Đồng Đăng đoạn qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Họ có nhiệm vụ bảo trì, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường sắt, đảm bảo an toàn giao thông tại các vị trí đường ngang và các cung hầm, cầu. Công việc của đội ngũ những người gác hầm, gác chắn hay tuần đường đều vất vả, bởi họ làm việc cả ngày nắng cũng như mưa, ngày lễ cũng như ngày thường. Nhiều điểm công tác xa khu dân cư, đường đi khó khăn; thu nhập hàng tháng chỉ từ 4- 6 triệu đồng nên để giữ chân người lao động, Công ty hết sức quan tâm đến chế độ khen thưởng, động viên và ưu tiên bố trí cho người lao động nghỉ bù vào thời điểm thuận lợi.

Ông Trần Trọng Đoàn cho biết thêm: “Công ty đã quan tâm đến những vị trí công tác còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, đặc biệt là về chế độ đãi ngộ và có sự ưu ái hơn tại những khu vực còn khó khăn. Cùng với đó là thăm hỏi, động viên kịp thời anh em trong công tác, tạo điều kiện về cơ sở vật chất thêm khang trang, sạch sẽ hơn. Thông qua các đơn vị phụ trách, tổ chức công đoàn, Đoàn thanh niên, chúng  tôi cũng thường xuyên quan tâm anh về mặt đời sống, tâm tư tình cảm để kịp thời động viên, chia sẻ để khích lệ anh em hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tất cả vì mục tiêu lớn nhất là đảm bảo an toàn cho tất cả những chuyến tàu..."

Hàng chục năm gắn bó với đường sắt, tiếng còi tàu, mùi hăng hắc của khói dầu và cả những cái vẫy tay  từ hành khách đã trở nên vô cùng thân thuộc với những người gác chắn, canh hầm. Dù công việc không quá nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự trách nhiệm, tập trung và nỗ lực rất lớn của bản thân để vượt qua những khó khăn của cuộc sống thường ngày. Tất cả, để đảm bảo cho những chuyến tàu an toàn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhân viên gác chắn nhanh trí ngăn tai nạn giữa tàu hỏa và xe tải
Nhân viên gác chắn nhanh trí ngăn tai nạn giữa tàu hỏa và xe tải

VOV.VN -Chiếc xe tải mắc kẹt trên đường sắt khi sắp có đoàn tàu sắp tới, nhân viên gác chắn nhanh trí báo hiệu đoàn tàu dừng lại để tránh tai nạn kinh hoàng.

Nhân viên gác chắn nhanh trí ngăn tai nạn giữa tàu hỏa và xe tải

Nhân viên gác chắn nhanh trí ngăn tai nạn giữa tàu hỏa và xe tải

VOV.VN -Chiếc xe tải mắc kẹt trên đường sắt khi sắp có đoàn tàu sắp tới, nhân viên gác chắn nhanh trí báo hiệu đoàn tàu dừng lại để tránh tai nạn kinh hoàng.

Nhân viên gác chắn bị tàu tông tử vong
Nhân viên gác chắn bị tàu tông tử vong

VOV.VN - Khi ông H băng qua đường sắt để về nhà thì bất ngờ bị tàu lao đến tông phải, nạn nhân tử vong khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Nhân viên gác chắn bị tàu tông tử vong

Nhân viên gác chắn bị tàu tông tử vong

VOV.VN - Khi ông H băng qua đường sắt để về nhà thì bất ngờ bị tàu lao đến tông phải, nạn nhân tử vong khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Khen thưởng 2 nữ nhân viên gác chắn tàu dũng cảm cứu người
Khen thưởng 2 nữ nhân viên gác chắn tàu dũng cảm cứu người

VOV.VN - Dũng cảm cứu bà cụ thoát nạn trên đường ray ở Đồng Nai, chị Nguyễn Thị Minh, Đỗ Thị Lan được Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia khen thưởng.

Khen thưởng 2 nữ nhân viên gác chắn tàu dũng cảm cứu người

Khen thưởng 2 nữ nhân viên gác chắn tàu dũng cảm cứu người

VOV.VN - Dũng cảm cứu bà cụ thoát nạn trên đường ray ở Đồng Nai, chị Nguyễn Thị Minh, Đỗ Thị Lan được Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia khen thưởng.