Chuyện của “già làng” làm công tác dân tộc

“Ở vị trí nào, chúng ta cũng cần một lòng hướng về vùng đồng bào. Bởi với mỗi vùng đất, con người, chỉ khi chúng ta thực sự tâm huyết, gắn bó, hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của đồng bào thì những khó khăn, trăn trở tại vùng đó mới dần được tháo gỡ, giải quyết”.

Tại Đại hội Đại biểu các Dân tộc thiểu số Việt Nam, có một đại biểu dân tộc Mông tiêu biểu được nhiều người chờ đón, bởi ông được coi là một trong những “cây đại thụ” lớn của lĩnh vực công tác dân tộc. Những ý kiến đóng góp của ông luôn được những cán bộ làm công tác dân tộc ghi nhận. Và chuyện của “già làng” Cư Hoà Vần, dân tộc Mông thường bắt đầu từ vùng đất Si Ma Cai xa xôi (thuộc tỉnh Lào Cai) - nơi ông sinh thành và hoạt động Cách mạng.

“Già làng” Cư Hoà Vần sinh ra ở xã xa xôi nhất thuộc huyện Si Ma Cai - huyện mà thời đó muốn đi từ tỉnh Lào Cai xuống thì cũng phải mất vài ngày đường. Nhờ sự dẫn dắt của cha, ông đã theo học tiếng phổ thông, trở thành cán bộ của Đội Thiếu niên Tiền phong và tham gia hoạt động Cách mạng từ năm 15 tuổi.

Trong suốt những năm công tác, ông đã trải qua nhiều nhiệm vụ gắn với vùng đồng bào dân tộc. Từ năm 1978 đến năm 1989, ông được Trung ương giao phụ trách công tác định canh định cư. Ở vị trí công tác này, ông nhận thấy: “Đồng bào các dân tộc lao động rất cần cù nhưng đời sống còn vất vả. Khi đến với đồng bào, thấy cảnh sống của họ, chúng tôi chỉ mong muốn làm sao để đồng bào sớm thoát khỏi cuộc sống du canh du cư”.

Ông Cư Hòa Vần

Là cuộc vận động lớn nhưng do tiềm lực kinh tế của đất nước còn hạn chế nên ông Cư Hòa Vần cùng các cán bộ vận động nhân dân tự nguyện, tự giác định canh định cư là chính, nhà nước chỉ hỗ trợ một phần nhỏ. Ở Tây Nguyên khi mới giải phóng, đồng bào chủ yếu sống du canh du cư, tự cấp tự túc, nhờ cuộc vận động (trong đó có nội dung tách hộ lập vườn) mà đồng bào đã tách hộ, phát triển vườn cà phê, vườn tiêu, điều… rồi hình thành những vùng nông nghiệp lớn. Ở các tỉnh miền núi phía Bắc, cuộc vận động định canh định cư mang đến cho đồng bào các giống cây, khoa học kỹ thuật, hình thành vùng cây ăn quả, vùng trồng chè, quế… cho đến tận hôm nay.

Ông Cư Hòa Vần nhớ lại, thời kỳ đó, đến với vùng đồng bào dân tộc chủ yếu đi bộ, rồi cùng ăn, ở với họ. Tuy gian khổ, nhưng tình cảm giữa cán bộ và đồng bào rất sâu sắc. Đồng bào coi cán bộ định canh định cư như những người thân thiết trong gia đình. Về là đón, chia tay là bịn rịn. Thậm chí ngay cả khi có các thế lực xấu rình rập, gây nguy hiểm, đồng bào vẫn che chở, đón tiếp các cán bộ định canh định cư rất nhiệt tình. Tình cảm đó chính là nguồn động viên lớn cho những người làm công tác định canh định cư vùng đồng bào dân tộc.

Khi Bộ Chính trị chuẩn bị ra Nghị quyết 22 về phát triển kinh tế, xã hội miền núi và giao cho Chính phủ tổ chức thực hiện, Trung ương đã điều ông sang làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Miền núi và Dân tộc (nay là Uỷ ban Dân tộc). Trong thời gian này, ông cùng các đồng nghiệp đã nghiên cứu và đưa ra tiêu chí miền núi, vùng cao để từ đó làm cơ sở, tiêu chí triển khai, thực hiện các chính sách lớn nhằm phát triển kinh tế, xã hội miền núi.  

Sau này, ông chuyển sang công tác tại Hội đồng Dân tộc Quốc hội. Thời gian đó, Hội đồng Dân tộc Quốc hội đã tiến hành nhiều cuộc giám sát, trong đó có giám sát về hiệu quả đầu tư của Nhà nước vào vùng đồng bào và mức chênh lệch thực tế đời sống các vùng đồng bào dân tộc. Kết quả giám sát cho thấy, ngân sách đầu tư vào vùng đồng bào rất lớn nhưng hiệu quả chưa cao vì sự phân tán, dàn trải cùng lúc nhiều chương trình. Thứ hai là khoảng cách chênh lệch giữa các dân tộc lớn, có dân tộc đói nghèo 4%, có dân tộc lên đến 93%. Từ đó, ông cùng anh em tiếp tục kiến nghị Nhà nước cần đầu tư tập trung và tìm cách xoá đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc. Sau đó, Chính phủ đã ban hành Quyết định 135 (chúng ta vẫn gọi tắt là Chương trình 135) và giao cho Uỷ ban Dân tộc chủ trì cho đến nay.

Từ một cán bộ phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh của huyện Bắc Hà (Lào Cai), trong suốt những năm công tác sau này, ông Cư Hoà Vần đã được giao nắm giữ các trọng trách lãnh đạo tỉnh Lào Cai, Hoàng Liên Sơn (Phó Chủ tịch, Chủ tịch, Phó Bí thư Tỉnh uỷ); rồi đảm đương các chức vụ ở Trung ương (Trưởng ban Định canh định cư Trung ương, Phó Văn phòng Dân tộc và Miền núi, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội). Ông đã được bầu là đại biểu Quốc hội các khoá VI, IX, X. Từ năm 2004 đến nay, ông là Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Những đóng góp của ông đã được đồng bào các dân tộc đánh giá cao, được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý như: Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhì...

Nhờ sự đầu tư hiệu quả từ Chương trình mà vùng đồng bào đã đổi thay rất nhiều. Tuy nhiên, điều mà ông Cư Hòa Vần cũng như nhiều cán bộ làm công tác dân tộc còn trăn trở là dù đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, đầu tư nhiều mặt nhưng đời sống vật chất và tinh thần vùng đồng bào vẫn còn nhiều khó khăn, thiệt thòi. Điều này cũng đặt ra những thử thách mới cho người làm công tác dân tộc.

Đến với Đại hội Đại biểu các Dân tộc thiểu số Việt Nam, bên những đồng nghiệp trẻ làm công tác dân tộc đến từ các tỉnh, thành trong cả nước, ông Cư Hòa Vần chia sẻ: “Thế hệ những người công tác dân tộc hiện nay có ưu thế và điều kiện hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, ở vị trí nào, chúng ta cũng cần một lòng hướng về vùng đồng bào. Bởi đối với mỗi vùng đất, con người, chỉ khi chúng ta thực sự tâm huyết, gắn bó, hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của đồng bào thì những khó khăn, trăn trở tại vùng đó mới dần được tháo gỡ, giải quyết”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên