Chuyển đổi số báo chí: Phát triển bền vững từ phân tích dữ liệu người dùng
VOV.VN - Xu thế thời đại thúc ép các tòa soạn phải chuyển đổi số, chủ động doanh thu. Để làm được điều đó các tòa soạn phải xử lý được bài toán dữ liệu: dữ liệu người dùng, dữ liệu tin, bài sản xuất…
Dữ liệu – trọng tâm phát triển của tòa soạn
Chia sẻ tại Chương trình đào tạo “Chuyển đổi số báo chí” diễn ra mới đây, nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus (TTXVN) cho rằng điều quan trọng nhất với một cơ quan báo chí hiện nay là cần “giữ chân” được lượng độc giả trung thành. Để giữ chân được lượng độc giả này, tòa soạn phải có dữ liệu về thói quen, mối quan tâm hay nói cách khác là hiểu họ.
“Để hiểu độc giả cần phụ thuộc công nghệ và dữ liệu. Ví như những nền tảng như YouTube, Facebook, Spotify hay Tiktok còn hiểu sở thích của chúng ta hơn chính chúng ta. Các ứng dụng còn gợi ý cho người dùng dựa trên chính hành vi của người dùng trong quá khứ. Cả một chuỗi hành vi được phân tích tỉ mỉ và đó cũng là điều mà báo chí cần làm với độc giả của mình. Có hiểu độc giả thì mới có thể thuyết phục họ móc hầu bao”, nhà báo Hoàng Nhật bày tỏ.
Theo nhà báo Hoàng Nhật, hầu hết các cơ quan báo chí tại Việt Nam vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp. Chiến lược phát triển thường dựa trên nhận định chủ quan trong khi nếu có và dựa trên số liệu cụ thể sẽ đem đến hiệu quả tối ưu hơn.
“Các con số thì không biết nói dối. Trong khi hầu hết các tòa soạn báo nổi tiếng và lâu đời trên thế giới hiện đã có thêm chức danh chuyên viên phân tích dữ liệu, còn tại Việt Nam gần đây tôi thấy mới có VnExpress tuyển dụng chuyên viên phân tích dữ liệu trong cơ cấu tòa soạn mới của họ. Chúng ta có thể thấy được câu chuyện vì sao họ có thể đứng đầu thị trường thì không thể thiếu vai trò của chuyên viên phân tích dữ liệu”, nhà báo Hoàng Nhật nêu ý kiến.
“Với các dữ liệu, bảng biểu, con số do chuyên viên phân tích dữ liệu hàng ngày đưa lên ban biên tập. Từ đó, ban biên tập có thể xây dựng chiến lược nội dung, tuyên truyền khoa học và có định lượng. Từ dữ liệu phân tích, xử lý được, tòa soạn cũng có thể cá nhân hóa, tự động hóa trải nghiệm người dùng để tăng cường kết nối, giữ chân độc giả trung thành”.
Dữ liệu giúp phát triển kinh tế từ độc giả
Theo Google Analytics, trung bình mỗi ngày, một trang báo điện tử sản xuất khoảng 100-130 tin, bài trong khi trung bình mỗi người dùng chỉ tiếp cận 1-3 tin, bài/trang/ngày. Do đó, nếu không chú trọng dữ liệu cũng như xử lý tốt lượng dữ liệu tài nguyên sẵn có, sẽ gây lãng phí nguồn lực.
“Các tòa soạn hiện nay chủ yếu căn cứ vào lượt truy cập (page view) để đánh giá sự tăng trưởng của một tờ báo mà không biết độc giả của mình là ai, trong khi muốn phát triển bền vững phải dựa vào tiêu chí “time on site”, nghĩa là khoảng thời gian người đọc lưu lại ở một trang báo. Để tận dụng tối đa nguồn lực, tránh việc dư thừa tin tức và giữ chân độc giả thì cần dữ liệu để cá nhân hóa và tự động hóa giúp độc giả cá nhân hóa trang tin”, nhà báo Hoàng Nhật nêu ý kiến.
Theo Phó Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus, có 2 nguồn doanh thu quan trọng với một tờ báo, đó là doanh thu từ độc giả và doanh thu quảng cáo.
“Doanh thu từ độc giả đến từ độc giả trung thành, còn độc giả vãng lai đến với tờ báo thông qua các công cụ, mạng xã hội thì thường không gắn bó và có chỉ số ở lại trang rất thấp. Đó là kinh nghiệm từ The Washington Post – tờ báo điện tử sử dụng học máy (machine learning) đầu tiên trên thế giới để phân tích dữ liệu hành vi người dùng – để đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp. Năm 2017, tờ báo này đã đạt mốc 1 triệu người dùng trả phí đọc báo”, nhà báo Hoàng Nhật nêu ví dụ.
Phân phối trực tiếp tới khách hàng và doanh thu đến từ người đọc đang được các tòa soạn trên khắp thế giới hướng tới. Theo Google, năm 2020, chỉ có khoảng 50% đơn vị báo chí trên toàn cầu coi doanh thu từ người đọc là trọng tâm phát triển. Năm 2021, con số này đã tăng lên 76%. Xu hướng này cũng diễn ra tại châu Á. Độc giả quan tâm đến nguồn chính thống, đáng tin cậy đang tăng lên. Đây là cơ hội cho tất cả các đơn vị báo chí./.