Chuyển đổi số trong giáo dục cần những điều kiện nào?
VOV.VN - Mục tiêu của ngành giáo dục là phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, tuy nhiên để đạt được mục tiêu đề ra thì cần vượt qua không ít những khó khăn.
Thời gian qua, ngành giáo dục đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy – học, nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành giáo dục đã chuyển đổi mạnh mẽ từ dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến, đảm bảo chương trình năm học của học sinh, sinh viên. Thời gian tới, mục tiêu của ngành giáo dục là phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Vậy, để chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo cần những điều kiện gì?
Trong khoảng thời gian dịch Covid -19 diễn biến phức tạp tại nước ta, từ tháng 3 đến tháng 10 năm nay, các sinh viên Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chuyển từ học trực tiếp sang học trực tuyến qua các nền tảng công nghệ, đảm bảo tiến độ chương trình đào tạo.
Em Nguyễn Hồng Nhung, sinh viên năm thứ 2 chia sẻ: "Em cảm thấy rất thuận tiện mặc dù dịch bệnh nhưng sinh viên vẫn có thể cập nhật học các bài giảng qua zoom. Mới đầu cũng chưa quen việc học trực tuyến, và còn có chút vướng mắc trong việc tải phần mềm học và mạng internet nữa, nhưng một thời gian là ổn định. Em thấy có thể ngồi học ở bất cứ đâu…..Hiện bên cạnh học trực tiếp ở trường thì vẫn có một số môn em được học trực tuyến hoặc làm bài kiểm tra trực tuyến".
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đã có 80% trường phổ thông, 240 cơ sở đào tạo tổ chức dạy học trực tuyến, trong đó có 79 cơ sở tổ chức quản lý dạy - học hoàn toàn qua mạng. Là một trong những cơ sở giáo dục xây dựng được có nền tảng hỗ trợ đào tạo trực tuyến mạnh, Trường Đại học Giáo dục đã huy động cán bộ giảng viên tham gia xây dựng học liệu số đa dạng, phương thức dạy học được chuyển hóa linh hoạt giữa đào tạo trực tuyến và trực tiếp.
TS. Tôn Quang Cường, Trưởng khoa công nghệ giáo dục, Trường Đại học giáo dục cho rằng, một trong những khó khăn của quá trình chuyển đổi sang dạy và học trực tuyến là thay đổi tư duy, thói quen làm việc tại các cơ sở đào tạo.
"Tôi cho rằng hiện cơ sở vật chất hạ tầng của các đơn vị hoàn toàn có thể sẵn sàng chuyển đổi số. Tuy nhiên, có cái khó khăn lớn nhất là sự do dự, chưa hiểu chuyển như thế nào thường có tâm lý e dè. Bên cạnh đó, câu chuyện chuyển đổi số đòi hỏi cả một hệ thống. Trong khi chúng ta một số khâu thì làm trước, một số khâu chưa kịp làm thì hệ thống trực tuyến khó đạt hiệu quả. Ba là vấn đề về chính sách, vì làm chuyển đổi số sẽ có những hy sinh, có những cái phải đóng góp mà chúng ta thiếu cơ chế tạo động lực thì đôi khi sẽ tạo sự cản trở trong quá trình chuyển đổi số", TS. Cường cho hay.
Giáo dục là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên triển khai trong chương trình chuyển đổi số quốc gia. Với quy mô hơn 53.000 cơ sở giáo dục đào tạo, 24 triệu học sinh, sinh viên và 1,4 triệu giáo viên, ngành Giáo dục và Đào tạo xác định chuyển đổi số có vai trò quan trọng để triển khai đổi mới căn bản, toàn diện công tác giáo dục và đào tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả các hoạt động giáo dục, phấn đấu Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: "Trước hết phải có nền tảng công nghệ quốc gia thống nhất để các tổ chức, cá nhân trong ngành giáo dục đào tạo đều có thể tham gia. Thời gian qua, ngành đã xây dựng được cơ sở dữ liệu mã số định danh tất cả cơ sở giáo dục, học sinh, sinh viên… Đây có thể coi là bước tiến, những cơ sở dữ liệu này vẫn cần được xây dựng trên nền tảng công nghệ chung của quốc gia để hiệu quả tăng cao. Việc xây dựng tài nguyên số, học thuật số cũng cần thực hiện trên nền tảng công nghệ thống nhất thì công cuộc học tập, nghiên cứu, giảng dạy và chia sẻ tri thức, đặc biệt là học tập từ xa, học tập suốt đời sẽ hiệu quả thiết thực, mang lại giá trị gia tăng lớn".
Chủ trương về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo đã được xây dựng nhưng còn phụ thuộc nhiều vào sự quyết tâm của người trong cuộc và một số khó khăn phát sinh trong thực tiễn. Theo đại diện nhiều trường đại học, hiện vẫn còn thiếu hành lang pháp lý, quy định về chương trình học trực tuyến; thời lượng học, kiểm tra đánh giá, kiểm định chất lượng và công nhận kết quả học trực tuyến. Đồng thời, chú trọng quy định về điều kiện tổ chức lớp học, trường học trên môi trường mạng đảm bảo chất lượng, quy định tính pháp lý của hồ sơ điện tử liên quan đến học tập.
GS. TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban đào tạo Đại học và sau đại học, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng cần ưu tiên phát triển nhân lực chất lượng cao cho chuyển đổi số của ngành giáo dục.
"Tôi cho rằng phải có đội ngũ hỗ trợ về kỹ thuật, bên cạnh đó cần đào tạo nguồn nhân lực tại các trường đại học để thích ứng cho cả đất nước. Vì vậy, chúng tôi đã phải nghiên cứu những lĩnh vực hàng đầu mở những ngành đào tạo mới, mở những hệ đào tạo tài năng", GS.TS Nguyễn Đình Đức chia sẻ.
Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo cần một nền tảng công nghệ chung của quốc gia, được coi là bệ phóng để ngành giáo dục bứt phá, vươn lên. Đồng hành với quyết tâm này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cam kết chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ số ở Việt Nam xây dựng nền tảng cho chuyển đổi số ngành giáo dục và đào tạo trong thời gian tới./.