Chuyên gia hiến kế giúp Hà Nội chống ngập
VOV.VN - Các chuyên gia cho rằng cần phải áp dụng đồng bộ các giải pháp trong phòng chống ngập úng ở Hà Nội, trong đó chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa, phối hợp với các địa phương lân cận trong tiêu thoát nước...
Cần tăng trách nhiệm chủ đầu tư khu đô thị với hạ tầng thoát nước
Đề cập về giải phóng phòng chống ngập úng tại Hà Nội, GS.TS Nguyễn Việt Anh, Trưởng Bộ môn Cấp thoát nước, Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường – Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội cấp thoát nước Việt Nam cho rằng, giải pháp dài hạn phòng chống ngập lụt ở khu vực ngoại thành Hà Nội là cần quy hoạch khu dân cư cho phù hợp. Cần phải xây nhà cộng đồng cho người dân có chỗ tránh trú nếu xảy ra ngập úng. Kiểm soát dịch bệnh của người dân. Đưa ra cảnh báo sớm, để người dân có biện pháp thích ứng,…
“Áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, các triển khai đầu tư xây dựng cơ bản nhưng vẫn chậm so với quy hoạch của Hà Nội. Cần ưu tiên thực hiện xây dựng các công trình đầu mối lớn. Áp dụng chuyển đổi số trong việc thoát nước để người dân biết thông tin để thích ứng kịp thời cho gia đình mình để phòng tránh…Bên cạnh việc Hà Nội đang làm, quy hoạch thoát nước Hà Nội hiện nay vẫn lạc hậu so với bối cảnh đô thị phát triển. Vì vậy cần rà soát lại quy hoạch, lập ra mô phỏng thủy lực để rút ra kinh nghiệm trong quá trình ra quyết định. Khi xây dựng khu đô thị mới phải chạy thử, mô phỏng mô hình thủy lực để xem áp lực tạo ra thêm cho hệ thống thoát nước của thành phố là bao nhiêu qua biện pháp đánh giá tác động môi trường. “Các khu đô thị xây dựng từ đất ruộng lên thành khối nhà với diện tịch mặt bê tông, sau đó đấu nối vào hạ tầng thoát nước của thành phố làm gia tăng áp lực lên hệ thống. Chỉ ra được nhà đầu tư khu đô thị đấy sẽ phải có trách nhiệm như thế nào? Vì vậy cần tăng trách nhiệm và sự đóng góp của chủ đầu tư khu đô thị với hạ tầng của thành phố để giảm thiểu úng ngập chung cho khu vực”, GS.TS Nguyễn Việt Anh nhấn mạnh.
Theo quan điểm của GS.TS Nguyễn Việt Anh, Hà Nội cần thực hiện đồng bộ giải pháp 8T - đây là kinh nghiệm nhiều quốc gia đang thực hiện. Bao gồm 5 giải pháp công trình (Tách, Thấm, Trữ, Thoát, Trung chuyển) và 3 giải pháp phi công trình (Thông tin, Thích ứng, Tiền) để xây dựng hệ thống thoát nước bền vững, hiệu quả.
“Tách là àm sao chia tách các lưu vực thành tiểu lưu vực nhỏ; Thấm là để tối đa cho nước mưa thấm xuống đất bằng bề mặt che phủ xanh trong quy hoạch thành phố; Trữ là chúng ta làm các hồ điều hòa, bể ngầm trữ nước; Thoát là xây dựng cống, kênh, mương, kết nối liên hoàn; Trung chuyển tức là cần có các trạm bơm đủ công suất để thoát nước cưỡng bức khi các hệ thống kia không thoát kịp. Thông tin nghĩa là áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để dự báo, đưa ra kịch bản, sử dụng ứng dụng phần mềm hỗ trợ ra quyết định đúng; Thích ứng là người dân phải đồng hành, chủ động ứng phó, chia sẻ với thành phố; Tiền tức là đủ nguồn lực thực hiện giải pháp công trình và phi công trình”, GS.TS Nguyễn Việt Anh giải thích
Hà Nội cần phối hợp với các địa phương lân cận trong tiêu thoát nước
Ông Tạ Quang Vinh - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho rằng, trước mắt cần chuẩn bị phương án xử lý tại các vị trí, tuyến đường dự báo khả năng xuất hiện ngập. Chủ động duy tu, sửa chữa các vị trí xuống cấp, khơi thông cửa thu, thoát, nạo vét cống rãnh, kênh, rạch để đảm bảo 100% khả năng thoát nước. Tổ chức kiểm tra, rà soát vận hành các cống kiểm soát triều và trạm bơm thoát nước để tăng khả năng thoát nước. Cần sớm công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp. Lập bản đồ cảnh báo các điểm ngập úng và thông báo tới người dân; cần ưu tiên xử lý các điểm ngập úng cục bộ khu vực đô thị trung tâm, các khu dân cư có hệ thống thoát nước cũ đã xuống cấp.
Về lâu dài, cần rà soát, điều chỉnh, cập nhật quy hoạch thoát nước, tính toán lại hệ thống thoát nước. Cập nhật danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp vào quy hoạch. Quy hoạch đô thị, công trình không được tạo ra vùng ngập úng cục bộ, chấp nhận một số khu vực bị ngập nhưng mức độ chấp nhận được, trang bị kịch bản ứng phó với nội dung đơn giản, có bản đồ ngập úng để dễ thực hiện. Ưu tiên nguồn vốn, kêu gọi, thu hút nguồn lực Nhà nước, xã hội đầu tư vào lĩnh vực thoát nước. Tập trung nguồn lực, xây dựng đồng bộ hệ thống các công trình thoát nước theo quy hoạch, kế hoạch.
Ông Trần Công Tuyên, Trưởng phòng Quản lý đê điều (Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, Bộ NN&PTNT) nêu quan điểm: “Về lâu dài, Hà Nội cần có nghiên cứu, tính toán tổng thể và thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống lũ sông Bùi, sông Tích, sông Đáy, lũ rừng ngang từ vùng núi Lương Sơn, Kim Bôi - tỉnh Hòa Bình đổ về để giảm thiểu ngập lụt, ổn định đời sống người dân trong khu vực. Trong đó, có thể kể đến một số giải pháp như tu bổ, nâng cấp hệ thống đê điều; xây dựng, nâng cấp các trạm bơm tiêu, trục tiêu thoát lũ; cải tạo, nạo vét, khơi thông dòng chảy sông Bùi, sông Tích, nhất là khu vực sông Bùi để tăng khả năng thoát lũ ra sông Đáy… Đồng thời, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cho các khu vực thường xuyên bị ngập lũ để nâng cao khả năng chống chịu, hạn chế thiệt hại, kết hợp sơ tán, di dời dân cư tại chỗ”.
Ngoài ra, theo ông Trần Công Tuyên, Hà Nội cần nghiên cứu tổ chức sắp xếp lại sản xuất, bố trí lại dân cư cho phù hợp với đặc điểm địa hình, điều kiện tự nhiên, thích ứng với vùng thấp, trũng thường xuyên ngập úng, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra. Khi xảy ra mưa lũ, Hà Nội cần có phương án vận hành hệ thống bơm tiêu phù hợp; trong đó cần sự phối hợp giữa thành phố và các địa phương lân cận như Hà Nam để vận hành các công trình thủy lợi, các trạm bơm tiêu, cống qua đê để hạ thấp mực nước sông Đáy, sông Nhuệ nhằm tăng khả năng rút nước cho sông Bùi, sông Tích.
Hà Nội cần thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong thoát nước
GS.TS Nguyễn Việt Anh cho rằng, hững thiệt hại do úng ngập hoàn toàn có thể được giảm thiểu, người dân có thể chủ động hơn trong ứng phó nếu thành phố Hà Nội thực hiện chuyển đổi số thoát nước. Sử dụng công nghệ số để phục vụ cho công tác cảnh báo sớm, dự báo về nguy cơ úng ngập. Thông qua việc ứng dụng công nghệ vào công tác thiết kế, quy hoạch hệ thống thoát nước, trạm bơm, kênh rạch, các nhà hoạch định tính toán được lượng mưa diễn biến, thời lượng, chu kỳ lặp lại: “Ứng dụng mô hình số để mô phỏng hệ thống thoát nước, mô phỏng trận mưa, tính toán được quá trình thoát nước và các kịch bản ngập lụt là ứng dụng đầu tiên mà chúng ta có thể thực hiện khá khả thi trong công tác quy hoạch và cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước. Chúng ta có thể đưa ra kịch bản chọn trận mưa tính toán phù hợp và xem với kịch bản này, chúng ta sử dụng hết bao nhiêu tiền và lúc đó sắp xếp thứ tự ưu tiên cho phù hợp".
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia và chuyển đổi số thoát nước là nhu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên để thực hiện được hiệu quả, chính quyền các địa phương, trong đó có Hà Nội xác định rõ mục tiêu cần phải kiểm soát úng ngập, ô nhiễm đem lại cho đời sống của người dân tại các đô thị được tốt hơn, từ đó có sự ưu tiên về nguồn lực cho chuyển đổi số của thoát nước.
Việc thành lập một Trung tâm dữ liệu về hạ tầng đô thị của thành phố là một giải pháp căn cơ cho quá trình phát triển đô thị thông minh. Các Sở ban ngành cũng sớm đẩy nhanh việc số hóa dữ liệu, đồng thời chuyển đổi số trong quản lý, vận hành và kết nối liên thông giữa các ngành liên quan. Trong đó khâu quy hoạch và phát triển đô thị cần phải gắn kết với phát triển hạ tầng thoát nước. Về phía các doanh nghiệp, bên cạnh đầu tư về công nghệ hiện đại, cũng cần nâng cao trình độ nhân lực trong quản lý, vận hành hệ thống thoát nước theo công nghệ mới để từ đó đưa ra những giải pháp, biện pháp ứng phó kịp thời.
Theo các chuyên gia, trong hạ tầng đô thị, các vấn đề về cấp nước, thoát nước, giao thông, môi trường, rác thải có mối quan hệ mật thiết với nhau. Phát triển đô thị thông minh nói chung và hệ thống thoát nước thông minh không nên làm từ từng sở, ban ngành, từng doanh nghiệp mà tổ chức liên ngành. Thành lập Tổ hạ tầng thông minh khi xây dựng thành phố thông minh là điều cần làm. Từ dữ liệu chung của thành phố về điện, nước, chiếu sáng, Tổ hạ tầng thông minh liên ngành sẽ cùng đưa ra những những giải pháp của dịch vụ hạ tầng. Chỉ khi có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các ngành quy hoạch đô thị, cấp thoát nước, giao thông, có những dự báo kịp thời mới có thể giúp thành phố chủ động ứng phó, người dân được cảnh báo kịp thời, hạn chế những thiệt hại do úng ngập gây ra.
Tăng tỷ lệ diện tích cây xanh, không gian mặt nước trong thoát nước
Theo nghiên cứu gần đây của Viện Khoa học Thuỷ lợi, hiện nay để ứng phó với vấn đề ngập lụt đô thị, nhiều thành phố trên thế giới đã và đang áp dụng các biện pháp bao gồm: Tăng tỷ lệ diện tích cây xanh, không gian mặt nước, giảm mức độ bê-tông hóa bề mặt, tăng cường khả năng tham gia tự điều tiết của hệ thống sinh thái tự nhiên, thích nghi để sống chung hòa bình và thân thiện với tự nhiên.
Các chuyên gia cho rằng, ở Hà Nội, cần rà soát, lập mới, điều chỉnh quy hoạch đô thị theo hướng lợi dụng ưu thế tự nhiên để tăng mức độ thích nghi, giảm bớt rủi ro, tôn trọng không gian dành cho nước; quy hoạch thoát nước đô thị cần kết hợp với quy hoạch tiêu thoát nước nông nghiệp theo hướng thoát nước bền vững thích ứng biến đổi khí hậu.
Ông Tạ Quang Vinh - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết, vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 129/2024/QH15 ngày 08/6/2024, đưa Luật Cấp, thoát nước vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).
Đối với vấn đề ngập úng, trong dự thảo Luật Cấp, thoát nước đã đưa ra quy định mới cụ thể, các giải pháp đồng bộ từ xây dựng cơ sở dữ liệu, quy hoạch, kế hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý vận hành, trách nhiệm phân công, phân cấp quản lý đối với lĩnh vực thoát nước trong đó chú trọng giảm thiểu ngập úng. Đặc biệt, nội dung dự thảo bổ sung quy định nhằm tháo gỡ khó khăn, quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và của các đơn vị, xử lý linh hoạt để thực hiện các giải pháp giảm thiểu tại khu vực nội đô các thành phố lớn cụ thể: Tổng hợp, xây dựng thông tin cơ sở dữ liệu trong đó có thông tin về ngập úng (quy định tại khoản 2, Điều 20); Ưu tiên áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, vận hành, bảo trì, bảo vệ hệ thống cấp, thoát nước; nâng cao chất lượng dịch vụ cấp, thoát nước và kiểm soát rủi ro, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng (quy định tại Điều 10)...
Giải pháp xử lý linh hoạt, kịp thời vấn đề ngập úng cục bộ tại các khu vực nội đô các thành phố lớn, sẽ bổ sung “Giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh chủ động tổ chức lập phê duyệt, triển khai đầu tư xây dựng công trình chống ngập cục bộ, có quy mô nhỏ, tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ...” như đầu tư hệ thống thu gom, lưu trữ/lưu chứa/điều hòa nước mưa, cập nhật điều chỉnh bổ sung dự án chống ngập cục bộ trong quy hoạch thoát nước, ưu tiên tận dụng các khu đất công cộng trong nội đô (như công viên, vườn hoa, trường học,...), đây là điểm mới, các địa phương sẽ chủ động, giải quyết linh hoạt các vấn đề ngập úng trên địa bàn quản lý.