Chuyện thú vị của Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh
“Khi lên chức, các đồng chí phải nghĩ rằng khi về hưu người dân sẽ nhớ đến mình đã làm được cái gì cho dân chứ không phải dân sẽ nhớ mình đã giữ được chức vụ gì”.
- Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh: “Đà Nẵng không có chuyện chạy chọt”
- Nghị quyết Trung ương 4: "Bí quyết thành công là đã nói là làm"
- "Làm được 60% Nghị quyết Trung ương 4 đã là tốt lắm rồi!"
Ngày cuối tuần, khắp các quán cà phê ở Đà Nẵng người ta râm ran bàn tán về sự kiện ông Nguyễn Bá Thanh - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - nói chuyện với gần 4.500 cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của Đà Nẵng.
Buổi nói chuyện được truyền hình trực tiếp cho dân xem trong suốt 3 giờ 30 phút vào sáng 24/2.
Người dân Đà Nẵng khá là thích thú khi xem và nghe người lãnh đạo cao nhất của thành phố mình đang sống nói về những chuyện được coi là “khá nhạy cảm” trong việc kỷ luật và sắp xếp, bố trí cán bộ lãnh đạo các cấp bằng cách nói dân dã, gần gũi và tự nhiên.
Ông Nguyễn Bá Thanh - Ảnh: Đăng Nam. |
Ông Bí thư kể chuyện thực của mình: “Hồi tôi còn trẻ chưa vợ, làm chủ nhiệm HTX nông nghiệp, đêm ngủ lại trên cái bàn của hợp tác, chìa cái chân ra ngoài. 5 giờ sáng đã có người túm chân lay dậy, vừa rửa mặt vừa huýt sáo, xong thì đi phát phân bón, lúa giống cho dân rất thoải mái, vui vẻ.
Được ít lâu, tôi được bổ nhiệm làm phó Chủ tịch huyện Hòa Vang. Một bữa sáng mới hơn 6 giờ, tôi vừa ngủ dậy đã có một cụ già chạy vào cổng cơ quan chìa lá đơn xin mua gỗ làm nhà. Tôi liền quát ông mới mở mắt chưa kịp ăn sáng đã bị làm phiền. Thấy tôi lớn giọng, cụ già sợ, khép nép ngồi ở một góc chờ cơ quan mở cửa.
Sau đó tôi ra ăn sáng nhưng sao cảm thấy không ngon như mọi bữa. Tôi kêu ly cà phê, ngồi châm điếu thuốc rồi nghĩ: Mới ngày nào xã viên đánh thức mình dậy vui vẻ mà giờ mới mò lên chức phó Chủ tịch huyện đã lớn tiếng với dân. Nghĩ vậy tôi bỏ dở ly cà phê chạy vào tìm cụ già rồi ký vào đơn xin mua 4m3 gỗ sửa lại nhà chính sách. Câu chuyện ấy làm tôi hối hận lắm...”.
Và ông Thanh nhắc nhở: “Khi lên chức, các đồng chí phải nghĩ rằng khi về hưu người dân sẽ nhớ đến mình đã làm được cái gì cho dân chứ không phải dân sẽ nhớ mình đã giữ được chức vụ gì”.
Ông Thanh cũng thẳng thắn: “Cán bộ mà có được cái gì đã mới làm thì khác gì con cá heo cho ăn mới nhảy múa. Làm lãnh đạo phải có khát vọng chứ không tự bằng lòng với vị trí của mình, rồi ngó lên ngó xuống coi mình sẽ lên đâu, phải làm cái gì đó cho dân. Làm tổ chức thì phải đi tìm cán bộ, đừng để ai muốn làm cán bộ thì tìm mình. Phải suy nghĩ, cải tiến, đừng có họp quá nhiều”.
Trong những lời bàn tán râm ran ở các quán cà phê trong suốt hai ngày qua, người ủng hộ cách làm của ông Bí thư rất nhiều, nhưng không phải không có những ý kiến tỏ ra nghi hoặc. Có người nói ông Bí thư nói rứa chứ chưa chắc cán bộ đã nghe và làm theo.
Bởi theo họ, mặc dù ông Nguyễn Bá Thanh đã tuyên chiến với cán bộ nhũng nhiễu dân, nhưng lâu nay nhiều cán bộ, đặc biệt là các ban quản lý dự án giải tỏa đền bù, sách nhiễu dân, làm khó cho dân tái định cư rồi chung chi, mua đi bán lại đất dự án... liệu ông có biết? Mà ông biết thì chưa chắc đã dễ xử lý.
Dẫu sao thì buổi nói chuyện của ông Thanh với cán bộ để cho dân nghe cũng có ích. Chí ít những gì ông nói là đột thẳng vào câu chuyện buồn hiện nay là mối quan hệ của người dân với cán bộ đang ngày càng lợt lạt, xa cách. Còn hơn đứng trước thực trạng đáng buồn nhưng vẫn cứ cố tô hồng, cho rằng chỉ là vài con sâu mà thôi.
Tuy nhiên, dù sao thì nói hay kèm theo làm cũng hay thì mới là hoàn hảo./.