Chuyện về những thương binh “tàn nhưng không phế”

VOV.VN - Chiến tranh đã đi qua hơn nhiều thập kỷ nhưng đến nay những di chứng của nó vẫn hiện hữu trong cơ thể các thương, bệnh binh, dày vò họ hàng ngày, hàng giờ. Tuy vậy, họ vẫn luôn nỗ lực trong cuộc sống để chứng minh một điều: thương binh “tàn nhưng không phế”.

Trong thời tiết oi bức của những ngày giữa tháng 7, tại góc sân rợp bóng mát của Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh), chúng tôi gặp những thương, bệnh binh ngồi trên những chiếc xe lăn cùng hóng mát, chuyện trò.

Những thương, bệnh binh nặng sinh sống ở đây họ luôn chứng minh một điều "tàn nhưng không phế". Dù mất đi 2 cánh tay, cụt 2 chân, mất đi 1 mắt, liệt nửa cơ thể nhưng họ luôn nỗ lực để thích nghi, làm quen với hoàn cảnh. Nhiều người có thể tự sinh hoạt cá nhân, tự đi chợ, nấu cơm, dọn dẹp không gian ở của mình.

95 con người là 95 hoàn cảnh khác nhau nhưng họ có chung một điều là luôn lạc quan, vươn lên mạnh mẽ trong cuộc sống. Đặc biệt, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, nụ cười luôn thường trực trên môi của những người lính già ấy. Với họ, sau chiến tranh, được trở về và sống đến ngày hôm nay đã là một may mắn rất lớn rồi. Do vậy, mọi khó khăn trong cuộc sống hàng ngày đều không khiến họ nản lòng.

Là một trong 5 nữ thương binh nặng ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành, bà Mai Thị Hường (quê ở Hương Khê, Hà Tĩnh) gắn bó với trung tâm từ năm 1970. Năm 1965, bà đi thanh niên xung phong, trong một lần đang làm đường thì bị địch thả bom, bà bị thương nặng và liệt hoàn toàn 2 chân. Từ đó đến nay, cuộc sống và mọi sinh hoạt của bà phải gắn liền trên chiếc xe lăn.  

Những khi trở trời, vết thương trên cơ thể bà lại trở đau nhức nhối. Một mình trong căn phòng nhỏ, bà Hường phải gò lưng, tự xoa vào vết thương để làm giảm cơn đau. Lúc nào đau quá không thể chịu được, bà phải dùng thuốc ngủ để thiếp đi một chút.

Là người lính trở về sau chiến tranh với cơ thể không còn lành lặn, bà Hường không dám mơ tưởng tới một mái ấm gia đình. Nhưng khi đau ốm, bà cũng ao ước có được một người đàn ông bên cạnh để chăm sóc, yêu thương, vỗ về, nhưng mơ ước mãi chỉ là ước mơ. Bà chấp nhận cuộc sống độc thân và đã gắn bó hơn 50 năm với Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành.

Bà Hường coi đây là mái nhà, là quê hương thứ 2 của mình. Bà coi các đồng đội ở trung tâm như là anh em.

“Ở đây mọi người đối xử với nhau tốt lắm, coi nhau như anh em trong một gia đình. Đã quen với việc mất đi một phần cơ thể nên tôi cũng phải làm quen với việc tự chăm sóc mình. Hạnh phúc của chúng tôi là nấu ăn được, tắm rửa được, đi chợ được và tự làm mọi thứ được”, bà Hường chia sẻ.

Vừa nói chuyện, bà Hường vừa lựa đẩy chiếc xe lăn vào bếp, vo gạo, thái thịt, nhặt rau chuẩn bị cho bữa cơm trưa. Những động tác thuần thục khi điều khiển chiếc xe lăn trong căn phòng nhỏ hẹp để làm mọi việc mới thấy hết được những nỗ lực vượt khó của bà Hường. Với người cựu thanh niên xung phong này, được trở về, được nhìn thấy mặt trời mọc mỗi ngày đã là niềm vui, sự may mắn và niềm hạnh phúc lớn nhất rồi.

Nghị lực của người thương binh còn 9% sức khỏe

Với tinh thần “thương binh tàn nhưng không phế”, những người lính năm xưa không chỉ vượt khó vươn lên lo phát triển kinh tế gia đình mà còn tham gia công tác xã hội, làm đẹp thêm hình ảnh người lính Cụ Hồ.

Thương binh Phạm Hồng Tư (quê ở Đoan Hùng, Phú Thọ) là một người như vậy. Năm 20 tuổi, ông nhập ngũ tham gia bảo vệ biên giới phía Tây Nam. Năm 1979, trong một buổi hành quân, đồng đội đi phía sau bị dính mìn, ông đi trước, bị mìn găm vào cột sống, ảnh hưởng đến thần kinh và tủy, dẫn đến bị liệt cả 2 chân. Vết thương của ông đau nhức quanh năm, đặc biệt mỗi khi trở trời, cơn đau lại hành hạ ông khổ sở vô cùng.

Với giám định thương tật 91%, ông Tư hiện là thương binh 1/4 và về sống tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành từ năm 1981 đến nay. Trong thời gian điều dưỡng tại trung tâm, ông đã may mắn gặp điều dưỡng Nguyễn Thị Thanh Phương, sau một thời gian tìm hiểu, tình yêu đã nảy nở giữa 2 người và đơm hoa kết trái bằng 1 đám cưới. Sự ra đời của cậu con trai đã khiến cho tình yêu của họ thêm đậm sâu. Suốt hơn 40 năm chung sống, người vợ tào khang đã trở thành “đôi chân thứ hai”, sánh bước và đồng hành cùng ông vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

Năm 1985, khi sức khỏe đã ổn định, để gia tăng thu nhập và giảm gánh nặng về kinh tế cho người vợ của mình và để minh chứng cho câu nói “thương binh tàn nhưng không phế”, ông Tư đã vận dụng kiến thức được học khi còn trong quân ngũ để sửa chữa đồ điện gia dụng tại nhà. Vốn là người lính công binh, bằng sự khéo léo, tỉ mỉ, cẩn thận, ông đã thành công với nghề sửa chữa điện tử và nghề này đã theo ông gần 40 năm nay. Ông Tư tạo được uy tín với khách hàng và lượng khách đến với ông mỗi ngày một đông. Đến nay, đã gần 60 tuổi, khi khỏe mạnh, hàng ngày ông vẫn cần mẫn sửa chữa đồ gia dụng để kiếm đồng ra, đồng vào. Khi trở trời, vết thương cũ tái phát thì ông mới chịu nghỉ ngơi.

“Hai vợ chồng tôi chỉ có một đôi chân, vì cả 2 chân tôi liệt rồi, tất cả mọi việc tôi phải làm trên xe lăn. Trước đây, tôi làm việc suốt ngày đêm còn bây giờ có tuổi rồi và vết thương đau nhức hơn nên tôi chỉ làm túc tắc khi khỏe mạnh. Tuy vậy, tôi vẫn cố gắng giúp đỡ vợ nấu cơm hay làm những việc nhỏ khi vợ bận. Tôi luôn tự nhủ rằng, chiến tranh kết thúc, được sống, được trở về như thế này là hạnh phúc lắm rồi. Cuộc sống còn nhiều khó khăn thì phải nỗ lực và vươn lên không ngừng”, ông Tư thổ lộ.

Chiến tranh đã qua đi nhưng những dấu tích của nó vẫn còn đó, vết thương về thể xác vẫn dày vò ông hàng ngày, hàng giờ. Tuy vậy, như các đồng nghiệp của mình, ông vẫn luôn sống lạc quan và suy nghĩ về những tiều tích cực. Người thương binh già luôn đau đáu một ước nguyện dành cho bản thân và những thương bệnh binh khác, đó là được truy tặng danh hiệu liệt sỹ sau khi từ trần.

“95 bệnh binh đang điều trị tại trung tâm đều bị thương tật lớn. Có 4 đồng chí đã từ trần mà vẫn chưa được suy tôn liệt sỹ theo đúng quy định của Nhà nước. Chúng tôi rất mong Nhà nước xem xét việc này để những người thương binh nặng như chúng tôi được toại nguyện sau khi về với đất mẹ”, ông Tư nói.

Lạc quan hình ảnh người thương binh cụt tay, hỏng mắt

Hình ảnh người thương binh cụt 2 tay, hỏng 1 con mắt lụi cụi trong căn phòng nhỏ, nấu cơm, luộc rau, kho cá chuẩn bị cho bữa trưa khiến chúng tôi xúc động mạnh.

Đó là thương binh 1/4 Đỗ Đăng Khuê (quê ở Quỳnh Phụ, Thái Bình). Ông Khuê nhập ngũ năm 1967. Ông chiến đấu cùng đồng đội ở Đường 9 (Quảng Trị) rồi chuyển sang Khe Sanh. Năm 1971- 1972, ông bị thương ở trận đánh Chiến dịch đường 9 Nam Lào. Khi đó ông Khuê được giao nhiệm vụ là trinh sát.

Nhớ lại quá trình chiến đấu, bị thương của mình, ông Khuê kể, trong một chuyến đi trinh sát vào buổi tối, không may ông bị mìn vướng, loại mìn này chỉ cần chạm là nổ. Khi ấy, tôi chỉ kịp nghe một tiếng “bụp” nhỏ sau đó ngất lịm. Khi tỉnh dậy, 2 bàn tay chảy rất nhiều máu và đã nát hết. Sau đó, khi được đưa về trạm y tế để chữa trị, ông Khuê lại nhận được tin sét đánh là mình đã mất đi một con mắt.

Tất cả mọi thứ như đổ sụp dưới chân của cậu thanh niên chỉ mới 23 tuổi. Nằm trên giường bệnh, hai tay bị băng cứng, chỉ cần chạm nhẹ vào cũng đau. Ông bị sốc nặng và cảm thấy lo lắng cho tương lai của mình bởi người ta nói “giàu 2 con mắt, khó 2 bàn tay”.

“Khi bị thương tật như thế này, tôi phải nỗ lực rèn luyện không ngừng để chung sống với thương tật. Khi còn ở trong quân ngũ, đơn vị phát cho chiếc áo bông để mặc vào trời rét. Tôi mặc vào và tập đi xe đạp, cứ ngã là lại đứng dậy, đầu gối bị trầy xước liên tục. Tôi nghĩ, cơ thể mình đã khiếm khuyết như vậy rồi, phải nghị lực thì mới làm chủ được cuộc sống. Tôi coi đó là sự rèn luyện”, thương binh Đỗ Đăng Khuê chia sẻ.

Sau nhiều năm luyện tập và chiến đấu với bệnh tật, hạnh phúc cũng mỉm cười với ông. Năm 1974, ông về quê và gặp người vợ của mình bây giờ, vượt qua bao rào cản, mặc cảm, hai người đã xây dựng hạnh phúc với nhau và có 2 người con, 1 trai, 1 gái.

Do là thương binh nặng nên ông đã có 48 năm gắn bó với Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành, cũng như bao thương bệnh binh khác, ông luôn coi trung tâm như là ngôi nhà thứ hai của mình. Từ cán bộ công chức đến thương bệnh binh, tất cả như anh em một nhà, cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống.

Vừa nói chuyện với chúng tôi, ông Khuê vừa thoăn thoắt cắm cơm, rửa rau bằng hai cùi trỏ. Ông Khuê cho biết, hàng ngày, ông đi bộ 2km đi chợ, mua thức ăn. Về nhà ông tự nấu ăn, rửa bát, dọn dẹp.

Bữa cơm trưa hôm ấy có rau muống luộc và cá kho, ông ăn rất ngon miệng vì được nấu ăn theo khẩu vị, sở thích của mình. Chứng kiến người thương binh cụt tay, chỉ còn 2 cùi trỏ và 1 con mắt làm mọi việc một cách thuần thục, chúng tôi thật khâm phục sự nỗ lực và vượt khó của ông. Mỗi khi thấy việc gì khó, ngỏ ý muốn giúp thì ông lại nói “bình thường mà cô ơi, tôi làm được hết, không có gì là khó cả”.

“Bây giờ tuổi cao, sức yếu. Tôi phải luyện tập mỗi ngày để nâng cao sức khỏe. Tôi chơi cờ tướng để giải trí. Tôi tham gia Hội Cựu chiến binh, tham gia Hội đồng thương binh và các hoạt động xã hội cho vui. Tôi mong đất nước ngày càng phát triển, để đời sống của anh em thương bệnh binh được tốt hơn”, ông Khuê cho hay.

Chiến tranh đã lùi xa, một phần xương máu của ông đã nằm lại chiến trường khốc liệt, dẫu vậy, ông chưa bao giờ ân hận vì quyết định nhập ngũ của mình.

“Nếu cho tôi chọn lại, tôi vẫn chọn đi lính, dù có phải chết trên chiến trường. Ngày xưa thấy người lớn mặc quần áo bộ đội tôi thích lắm. Khi còn học THPT, Tổ quốc gọi là tôi đi luôn. Ngày đăng ký nhập ngũ tôi đã giấu mẹ. Đến khi có giấy gọi mới thông báo cho mẹ biết vì sợ bị ngăn cản. Tôi nói với mẹ, nếu may mắn thì con trở về, còn nếu không may thì con sẽ nằm lại chiến trường. Nhà có 6 anh em trai, chỉ một mình tôi nhập ngũ”, ông Khuê xúc động cho hay.

Với những người lính ra trận, cái chết luôn cận kề, chiến tranh kết thúc, dù trở về với cơ thể không lành lặn nhưng được sống thì đã là may mắn lắm rồi. Trong suốt câu chuyện, ông Khuê luôn miệng nói: “Tôi được sống, được trở về như thế này là may mắn hơn nhiều đồng đội đã ngã xuống. Tôi còn đi được, còn làm mọi việc được, không phải ngồi trên xe lăn như nhiều thương bệnh binh khác ở trung tâm. Vào sinh, ra tử, có trải qua chiến tranh gian khổ thì mới biết được cuộc sống quý giá đến nhường nào”.

Những người hy sinh thầm lặng

Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành hiện có 42 thương binh, bệnh binh nhiễm chất độc da cam, nhiều người mắc thêm các chứng bệnh: tiểu đường, huyết áp cao, suy thận, viêm gan, viêm đường tiết niệu, loét lưng, ụ ngồi, cá biệt, có thương binh nặng nhiễm chất độc da cam, sinh con ra bị khuyết tật, có người lấy vợ nhưng không có khả năng sinh con. Một số người còn mảnh đạn, viên bi nằm trong cột sống, trong đầu. Mỗi khi trái gió trở trời, thời tiết thay đổi thì các vết thương cũ lại đau nhức nhối ở hốc mắt, mỏm cụt; bỏng buốt dây thần kinh, tê buốt tận xương tủy, tạo những cơn co giật, gây đau đớn, ảnh hưởng đến bữa ăn, giấc ngủ.

Để đảm bảo duy trì sức khỏe cho các thương bệnh binh, Trung tâm thường xuyên chỉ đạo các bác sỹ, y tá, hộ lý theo dõi hàng ngày về tình trạng sức khỏe, thương tật và các biến chứng của thương bệnh binh để điều trị kịp thời.

Những người như: bác sĩ Hương, bác sĩ Phô, bác sĩ Pha đã trở nên gắn bó, quen thuộc, thân thương với các thương, bệnh binh nơi đây.

Gần 20 năm làm việc tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành, bác sỹ Phạm Thị Pha không chỉ tận tâm chăm sóc, điều trị chu đáo cho các thương, bệnh binh nặng bằng cả tấm lòng, mà chị còn chia sẻ với họ những nỗi đau, mất mát trong cuộc sống. Chị luôn nghĩ rằng, những người thương bệnh binh ở đây đã phải chịu nhiều thiệt thòi rồi nên hãy coi họ như bố mẹ, ông, bà, như người thân trong gia đình để mà chăm sóc, bù đắp phần nào sự thiệt thòi cho họ.

“Bố tôi cũng là thương binh nên tôi thấu hiểu sự nỗi đau đớn, sự chịu đựng của các bác, các chú, các cô ở đây… Mỗi khi trở trời hay thời tiết thay đổi đột ngột, vết thương cũ lại tái phát. Do vậy, việc chăm sóc thương, bệnh binh không chỉ đơn thuần là kê đơn thuốc, mà điều quan trọng hơn cả là phải sẻ chia, coi họ như những người ruột thịt của mình”, bác sĩ Pha chia sẻ.

Cũng theo bác sĩ Pha, các thương binh ở đây phần lớn liệt hoàn toàn 2 chi dưới nên việc đi lại phải phụ thuộc vào xe lăn. Khi bước chân vào trung tâm, các bác sĩ phải nỗ lực rèn luyện từ những việc đơn giản nhất đến khó nhất để giúp đỡ các thương, bệnh binh. Do ảnh hưởng của di chứng chiến tranh, nhiều người phải nằm trên giường đã 40-50 năm nên khá khó tính, các bác sĩ phải lựa theo tính cách của từng người để chăm sóc và làm hài lòng người bệnh.

Lời nói nhẹ nhàng, cử chỉ chăm sóc ân cần, tận tình của chị cũng giúp chúng tôi hiểu được phần nào cái nghĩa, cái tình của các cán bộ, y bác sỹ nơi đây dành cho những người có công với cách mạng. Ngoài vết thương gây đau đớn về thể xác, các thương, bệnh binh còn đối mặt với nỗi cô đơn. Bởi có người đã gắn bó với trung tâm này suốt mấy chục năm trời, không có gia đình, vợ con.

“Bản thân tôi và các bác sĩ “trụ” được ở đây hơn 20 năm thì phải có lòng bao dung, sự độ lượng và y đức. 95 thương bệnh binh mà chỉ có 3 bác sĩ, áp lực công việc là rất lớn. Chúng tôi rất mong, có thêm đội ngũ y bác sĩ có trình độ về đây làm việc và cùng chúng tôi điều trị, chăm sóc cho các thương, bệnh binh. Trước đó cũng có một số bác sĩ đến làm việc nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì lại chuyển đi nơi khác, vừa do áp lực công việc, vừa do chế độ đãi ngộ chưa tương xứng”, bác sĩ Pha trải lòng.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành cho hay: “Chiến tranh đã qua đi nhưng đến tận hôm nay những hậu quả mà nó để lại vẫn rất nặng nề. Giờ đây, những thương, bệnh binh nặng đã trở về hòa nhập với cuộc sống đời thường nhưng những vết thương của chiến tranh vẫn còn đó, vẫn ngày đêm gặm nhấm thể xác và tinh thần”.

Thấu hiểu nỗi đau, sự thiệt thòi và những cống hiến cho đất nước của các thương, bệnh binh, các bác sĩ ở đây luôn nỗ lực để bù đắp cho những mất mát của họ. Giữa người phục vụ và người được phục vụ không hề có khoảng cách, tất cả đều coi trung tâm là gia đình. Các thương, bệnh binh nương tựa lẫn nhau, sống với nhau như anh em một nhà.

Bao nhiêu năm đi qua, cuộc sống của những người thương bệnh binh ở Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành vẫn nồng ấm, đầy ắp tiếng cười và hy vọng. Sự chăm sóc, sẻ chia, tri ân của cán bộ, y bác sỹ ở Trung tâm và cộng đồng xã hội đã tiếp thêm nghị lực giúp họ vững tâm sống lạc quan tin tưởng vào tương lai. Tình yêu thương ấy đã giúp họ vượt qua nỗi đau bệnh tật, sống lạc quan, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Các thương, bệnh binh là tấm gương sáng về ý chí, nghị lực kiên cường, về lý tưởng sống cao đẹp cả trong thời chiến và trong thời bình để thế hệ trẻ noi theo.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ký ức về những năm tháng “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” của cựu binh Lào
Ký ức về những năm tháng “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” của cựu binh Lào

VOV.VN - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về những năm tháng “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” vẫn mãi sâu đậm trong trái tim các cựu chiến binh Lào. Đó là những tình cảm thiêng liêng, cao quý, là minh chứng cho tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt – Lào

Ký ức về những năm tháng “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” của cựu binh Lào

Ký ức về những năm tháng “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” của cựu binh Lào

VOV.VN - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về những năm tháng “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” vẫn mãi sâu đậm trong trái tim các cựu chiến binh Lào. Đó là những tình cảm thiêng liêng, cao quý, là minh chứng cho tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt – Lào

Những chủ doanh nghiệp thương binh đang viết tiếp bài ca người lính
Những chủ doanh nghiệp thương binh đang viết tiếp bài ca người lính

VOV.VN - Họ là những chủ doanh nghiệp thương binh tiêu biểu tại TP Hải Phòng không chịu khuất phục khó khăn, vươn lên làm giàu bằng tinh thần của những người lính thương binh “tàn nhưng không phế”.

Những chủ doanh nghiệp thương binh đang viết tiếp bài ca người lính

Những chủ doanh nghiệp thương binh đang viết tiếp bài ca người lính

VOV.VN - Họ là những chủ doanh nghiệp thương binh tiêu biểu tại TP Hải Phòng không chịu khuất phục khó khăn, vươn lên làm giàu bằng tinh thần của những người lính thương binh “tàn nhưng không phế”.

Cuộc sống thường nhật của người thương binh cụt hai tay, hỏng một mắt
Cuộc sống thường nhật của người thương binh cụt hai tay, hỏng một mắt

VOV.VN - Mất đi đôi tay và một mắt khi mới tròn 23 tuổi, thương binh Đỗ Đăng Khuê (quê Thái Bình) vẫn giữ nếp sống lạc quan, tích cực, là tấm gương người lính “tàn mà không phế”.

Cuộc sống thường nhật của người thương binh cụt hai tay, hỏng một mắt

Cuộc sống thường nhật của người thương binh cụt hai tay, hỏng một mắt

VOV.VN - Mất đi đôi tay và một mắt khi mới tròn 23 tuổi, thương binh Đỗ Đăng Khuê (quê Thái Bình) vẫn giữ nếp sống lạc quan, tích cực, là tấm gương người lính “tàn mà không phế”.

Trao 112 suất hỗ trợ học tập nhân kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ
Trao 112 suất hỗ trợ học tập nhân kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ

VOV.VN - Chiều nay (24/7), tại TP.HCM, Ủy ban MTTQ TP tổ chức lễ trao kinh phí hỗ trợ học tập cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; trẻ mồ côi do dịch COVID-19 thuộc diện gia đình chính sách nhân kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7).

Trao 112 suất hỗ trợ học tập nhân kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ

Trao 112 suất hỗ trợ học tập nhân kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ

VOV.VN - Chiều nay (24/7), tại TP.HCM, Ủy ban MTTQ TP tổ chức lễ trao kinh phí hỗ trợ học tập cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; trẻ mồ côi do dịch COVID-19 thuộc diện gia đình chính sách nhân kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7).