Chuyện về ông “Thu râu’’
VOV.VN - Chẳng hiểu sao lại tồn tại được ở ông hai đức tính gần như trái ngược nhau: sự hài hước, thích bông đùa và tinh thần trách nhiệm, tính kỉ luật của một anh bộ đội Cụ Hồ.
Suốt chặng đường gần 70 năm qua, cùng với Đài Tiếng nói Việt Nam (Đài TNVN), phát thanh đối ngoại đã góp phần không nhỏ vào công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Công lao đó thuộc về tất cả các thế hệ đã và đang công tác tại Ban Biên tập đối ngoại, nay là Hệ phát thanh đối ngoại quốc gia-VOV5. Tôi xin được viết về một người mà tôi được biết, người đã từng tham gia chương trình tiếng Pháp, nơi tôi từng công tác và đã để lại cho tôi những ấn tượng khó phai: Ông Nguyễn Văn Thu hay còn gọi là ông “Thu râu’’.
Những người làm phát thanh đối ngoại trạc tuổi tôi chắc không quên ông với biệt danh là “Thu râu”. Mọi người gọi ông một cách trìu mến như vậy vì ông có bộ râu quai nón và cũng để phân biệt với một ông Thu khác cũng làm to như ông trong Đài TNVN, nhưng phụ trách Ban đối nội. Tên thật của ông là Nguyễn Văn Bàng, ông từ quân đội chuyển sang, đã từng sống nhiều năm ở Pháp và rất giỏi tiếng Pháp. Nhiều người còn nhớ và khâm phục ông tường thuật bóng đá, mà lại tường thuật bóng đá bằng tiếng Pháp. Niềm say mê đó truyền cho cậu con trai, anh Xuân Bách, cũng lại mắc phải nghiệp của cha nối nghề làm bình luận viên bóng đá của Đài TNVN.
Ông Thu "râu" sinh ngày 22 tháng 3 năm 1922 trong một gia đình đông anh em. Ông là con thứ 4. Mấy anh em ông đều mang tên các loài chim như Quy, Thước, Nhạn, Bàng, Ly, Anh, Thảo... Chắc đó cũng là mong ước của cha mẹ ông muốn các con sau này phương trưởng trở thành những cánh chim bay cao, bay xa, giúp ích cho đời.
Ông Thu "râu" có một thời tuổi trẻ sống xa nhà đầy biến động. Do hoàn cảnh đặc biệt, năm 12 tuổi, ông được một gia đình người Pháp nuôi dạy và đưa sang Pháp ăn học. Khi phát xít Đức phát động chiến tranh thế giới lần thứ 2, chiếm đóng Pháp, ông đang theo học Học viện báo chí tại Paris, đành phải bỏ học đi làm tại các đài phát thanh để kiếm sống và tham gia kháng chiến cùng nhân dân Pháp.
Năm 1948, khi cuộc kháng chiến của nhân dân ta ở Nam Bộ bùng nổ, theo tiếng gọi của Bác Hồ, chàng thanh niên Nguyễn Văn Thu và nhiều trí thức khác rời chốn phồn hoa của kinh thành Paris hoa lệ, về Sài Gòn, rồi ra bưng biền tham gia kháng chiến. Ở Pháp, khi làm ở đài phát thanh, ông đã từng tham gia tổ tường thuật bóng đá. Sau này, khi về làm ở Đài TNVN, ông cũng là người đầu tiên tổ chức tường thuật bóng đá ở Đài. Đó là buổi tường thuật trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Campuchia nhân khánh thành sân Hàng Đẫy vừa được xây lại vào năm 1957.
Khi đó ông Trần Lâm, Tổng Biên tập Đài TNVN lo lắng hỏi ông có làm được không? Ông trả lời là được. Ông Trần Lâm tin tưởng giao cho ông cùng một nhóm trong đó có cả trọng tài Nguyễn Quang Hiệp thực hiện. Ông được ông Trần Lâm tín nhiệm như vậy vì trước đó ông đã tổ chức tường thuật nhiều sự kiện quan trọng, mà là tường thuật bằng tiếng Pháp cho chương trình phát thanh tiếng Pháp của Đài TNVN.
Còn nhớ lần đầu tiên được cử đi nước ngoài công tác, ông suýt bị gạch tên vì không ai lúc đó xác minh được lý lịch hồi ông ở bên Pháp. Nhưng may cho ông là Tổng Biên tập Trần Lâm đứng ra bảo lãnh cho ông đi. Thời đó, chuyện lý lịch còn nặng nề lắm. Với lý lịch là con một ông cai đội, lại còn là con nuôi của một gia đình Pháp, từng lấy vợ đầm, thế mà ông vẫn được bổ nhiệm làm cán bộ cấp cao, kể ra khi đó lãnh đạo Đài TNVN, đặc biệt là Tổng Biên tập Trần Lâm, phải nói rất có bản lĩnh, dám dùng nhiều người có đức, có tài, trong đó phải kể đến ông “Thu râu” và nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Ông Thu "râu" cũng là một người cha chu đáo, tận tình và trách nhiệm với vợ con. Tính ông xuề xòa, ăn uống dễ dãi, sà vào mâm chưa ăn đã khen ngon dù có lúc chẳng có gì cả, làm cả nhà cứ rộn ràng hết cả lên. Món khoái khẩu của ông là thịt chó. May mà ông không còn ở Pháp, nếu còn sống bên đó chắc ông khó được hưởng cái thú này. Bên đó, đối xử với con chó tệ bạc đã nguy rồi, nay lại còn cắt tiết, thui rơm cho bốc mùi ngậy lên, rồi xẻ thịt, rồi riềng mẻ, luộc, rựa mận, say sưa đánh chén chắc gay go to.
Hồi tôi bên Pháp có nghe chuyện kể một ông Việt kiều rất sành rượu vang. Ông có thể chỉ ngửi và nhâm nhi một chút rượu vang là đoán được rượu này sản xuất ở vùng nào, đóng chai ở lâu đài nào hay sản xuất năm nào. Tôi chưa được gặp mặt ông Việt Kiều đó nhưng ông Thu "râu" thì đúng là rất sành rượu, ông đoán rượu vang cũng chẳng kém ai, rượu nào ngon, sản xuất năm nào ông biết cả.
Ông là người thích đọc sách, dịch sách, chịu khó kiếm tiền. Anh Xuân Bách, con trai ông kể lại: “Tiền đám cưới ông chủ yếu do ông kiếm ra, mà cưới hoành tráng lắm, ở khách sạn Phú Gia hẳn hoi. Hồi đó như thế là sang lắm. Đến dự đám cưới ông còn có mấy ca sĩ nổi tiếng ở Đài TNVN như Trần Khánh, Quốc Hương... đến hát góp vui’’.
Tôi biết đến ông “Thu râu” lúc ông đã vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống. Khi ra Hà Nội, ông thường qua Ban Biên tập đối ngoại hỏi thăm anh chị em trong Ban. Vào phòng tiếng Pháp, ông khoe đang tham gia Câu lạc bộ Pháp ngữ ở thành phố Hồ Chí Minh, được bầu làm Chủ tịch, oai lắm nhưng chẳng có ngân sách hay nguồn thu nào hết, chỉ có tâm huyết và nhiệt tình thôi.
Thời gian gần trước năm 1997, phong trào thành lập các câu lạc bộ Pháp ngữ đang thịnh hành lắm, chẳng gì cuối năm ấy Việt Nam đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ. Nhiều nơi có người biết tiếng Pháp hay có công việc gì đó liên quan đến tiếng Pháp là lập các Câu lạc bộ Pháp ngữ. Đài cũng có một Câu lạc bộ như vậy. Tôi nhớ Câu lạc bộ Pháp ngữ của Đài thành lập vào đúng ngày 29 tháng 2 năm 1996.
Ngài Blanche Maison, nguyên Đại sứ Pháp - người có rất nhiều đóng góp trong việc cải thiện quan hệ Việt Nam-Pháp, phát biểu tại lễ khai trương Câu lạc bộ, hỏi vui: Liệu có phải chờ đến 4 năm nữa mới có kỉ niệm lần thứ hai ngày ra đời Câu lạc bộ Pháp ngữ của Đài TNVN không? Chẳng có lần thứ hai nữa. Tôi chỉ được dự lần đó và không còn ai tổ chức Câu lạc bộ Pháp ngữ của Đài TNVN sau lần khai trương hoành tráng đó. Trộm nghĩ nếu ông Thu râu còn ở Hà Nội, làm Chủ tịch Câu lạc bộ Pháp ngữ của Đài chắc nó không đến nỗi chết yểu như vậy.
Ông Thu vui tính lắm, mỗi khi gặp mấy thanh niên phòng tiếng Pháp lại tán, cứ “toa”, “moa" (cách xưng hô thân mật trong tiếng Pháp) với chúng tôi. Chẳng hiểu có phải những người học tiếng Tây hay bị nhiễm phải cái thói châm chọc, hài hước hay không? Chứ ông “Thu râu” là vậy. Nhiều khi không tìm thấy ai có thể châm chọc được thì tự lấy mình ra hài hước cho vui. Qua chơi phòng tiếng Pháp, ông đều kể những câu chuyện dí dỏm về mình. Qua nhiều người kể, tôi mới biết trong thời gian ở quân đội, ông “Thu râu” là phóng viên báo quân sự Bộ tư lệnh Nam Bộ, rồi Chủ bút báo Địch vận bằng tiếng Pháp thuộc Ban địch vận, Phòng Chính trị, Bộ tư lệnh Nam Bộ, làm Phó Giám đốc Trại hàng tù binh Âu-Phi trực thuộc Bộ Tư lệnh Nam Bộ.
Năm 1955, ông tập kết ra Bắc với cấp bậc Đại đội phó công tác tại Cục nghiên cứu, Tổng cục chính trị. Tháng 6 năm 1956, ông về công tác tại chương trình tiếng Pháp, Ban biên tập đối ngoại, Đài TNVN. Trong suốt thời gian công tác tại Đài TNVN, ông “Thu râu” đã trải qua nhiều chức vụ như Phó Tổng biên tập Đài TNVN, kiêm Trưởng Ban biên tập đối ngoại và Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế Ủy ban phát thanh và truyền hình Việt Nam. Ông đã từng là Phó Trưởng Đoàn 59 của Đài TNVN công tác tại Côn Minh, Trung Quốc, và là Trưởng đoàn chuyên gia đầu tiên của Ủy ban phát thanh truyền hình Việt Nam tại Campuchia khi đất nước Ăng Co vừa thoát khỏi họa diệt chủng.
Ông là một nhà báo sắc sảo, cần mẫn, nghiêm túc và đầy trách nhiệm. Ông cũng là một người viết khỏe, viết đủ các thể loại từ chính luận đến thể thao. Trong cuộc đời làm báo của mình, ông giữ nhiều chuyên mục như “Tiếng kèn chính nghĩa”, “Hồi hương”, “Hồn nước”, “Hà Nội hôm nay’’.... Còn nhớ khi được cử sang làm Thế vận hội Olympic Mát-xcơ-va năm 1980, ông tranh thủ viết cả cho Đài Tiếng nói nước Nga. Ông khoe: "Lúc đó, tớ cũng kiếm được ối tiền mua quà về cho vợ con đấy!".
Hai năm sau khi vợ ông - bà Lê Thị Lân mất, ông cưới bà Trần Ngọc Mỹ Phương và vào Sài Gòn sinh sống với chức vụ rất khiêm tốn cho tới lúc nghỉ hưu năm 1985: Phó Giám đốc Công ty sản xuất các chương trình nghe nhìn của Ủy ban phát thanh-truyền hình Việt Nam, kiêm Giám đốc chi nhánh Công ty tại thành phố Hồ Chí Minh.
Có người nói: Tháng ngày hối hả, đời người ngắn ngủi, thoáng chốc đã già. Chẳng ai dám nói hiểu hết mọi lẽ nhân sinh, nhưng chỉ có hiểu cuộc đời thì mới sống thanh thản, sống thoải mái. Qua một ngày, mất một ngày. Qua một ngày, vui một ngày. Vui một ngày, lãi một ngày… Hạnh phúc là do mình tạo ra. Điều này đúng với ông “Thu râu” lắm. Một con người lạc quan yêu đời, sống giản dị, chan hòa với mọi người như ông “Thu râu” thì niềm vui ẩn chứa trong những sự việc vụn vặt nhất trong đời sống. Hạnh phúc và vui sướng đối với ông là cảm giác và cảm nhận, điều quan trọng là ở tâm trạng của chính mình.
Khi ông bị bạo bệnh, anh Xuân Bách đón ra Hà Nội sống cùng ở ngõ Hàng Khoai, gần chợ Đồng Xuân. Tôi cùng với mấy anh, chị lãnh đạo Ban biên tập đối ngoại tới thăm, ông đã không nói được rõ nữa, nhưng vẫn hiểu. Hỏi đùa mấy câu, ông cười móm mém... Người giúp việc nói nhỏ: “Ông ấy biết cả đấy’’. Ông mất mấy tháng sau đó, hưởng thọ 83 tuổi. Ông được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương cao quý của Nhà nước ta, huân chương hữu nghị của các nước Liên Xô, Lào và Campuchia.
Nhưng với tôi, ở ông toát lên con người có niềm say mê tiếng Pháp hiếm thấy và chẳng hiểu sao lại tồn tại được ở ông hai đức tính gần như trái ngược nhau: sự hài hước, thích bông đùa và tinh thần trách nhiệm, tính kỉ luật của một anh bộ đội Cụ Hồ./.