Cơ chế đặc thù - Động lực mới cho sự phát triển của Thừa Thiên Huế

VOV.VN - Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị ngày 10/12/2019 xác định đến năm 2025, tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường.

Đến nay, Chính phủ đã xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, thời gian qua tỉnh Thừa Thiên Huế luôn mong mỏi được tiếp cận cơ chế, chính sách đặc thù cho địa phương.

Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế đề xuất 4 chính sách chủ yếu liên quan đến phí tham quan di tích, quỹ bảo tồn di sản Huế, mức dư nợ mà tỉnh này được vay và sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý. Trong số 4 cơ chế chính sách đặc thù của Thừa Thiên Huế, có đến 2 nội dung liên quan đến di sản. Địa phương kiến nghị phí tham quan di tích trên địa bàn tỉnh thu đầy đủ vào ngân sách nhà nước. Ngân sách địa phương được bố trí đầu tư tương ứng số thu phí tham quan nộp vào ngân sách nhà nước để thực hiện đầu tư trùng tu di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn.

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, hiện trung tâm quản lý 50 di tích thực thể, phi thực thể như nhã nhạc cung đình. Nguồn lực dành cho công tác này rất lớn, nhưng hàng năm tỉnh huy động không đáng kể so với nhu cầu. Thành lập được quỹ bảo tồn di sản sẽ huy động được các nhà hảo tâm, các tỉnh thành khác giúp Thừa Thiên Huế bảo tồn di sản.

“Có 2 nội dung đều tập trung vào nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Một là phí tham quan, ngoài việc chi thường xuyên cho bộ máy của Trung tâm bảo tồn, thì phần còn lại cho phép sử dụng để trùng tu. Quỹ bảo tồn di sản mới có thêm nguồn lực để bảo được di sản xuống cấp, phát huy tối đa giá trị di sản trong tiến tình xây dựng toàn tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”, ông Hoàng Việt Trung cho hay.

Một trong những sự kiện mang tính bản lề trong tiến trình đưa Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là việc mở rộng thành phố Huế. Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành phố Huế đã được mở rộng với diện tích lên đến trên 265km2, không gian trải dài từ thượng nguồn sông Hương đến trọn khu vực biển, đầm phá. Điều này sẽ giúp thành phố phát huy được lợi thế về di sản, phát triển các ngành kinh tế khác cũng như tạo không gian mang tính liên kết. Về lâu dài, địa phương cần đầu tư nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng đô thị đồng bộ, tập trung xây dựng đô thị ở các khu vực khác như: Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy…

“Cơ chế chính sách đặc thù để tạo thêm những điều kiện đặc thù có tính chất khác biệt với nhưng đô thị thông thường. Khi chúng ta xác định mô hình Đô thị Di sản thì hiện nay chưa có mô hình chuẩn. Và đô thị di sản thì nó không thể quy định của đô thị thông thường tức là về mật độ xây dựng, rồi mật độ dân số… phải có sự khác biệt nó phù hợp với tính chất của di sản thì chúng ta mới bảo vệ được”, ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết.

Lâu nay, cố đô Huế được đánh giá là nơi bảo tồn tốt nhất các giá trị di sản truyền thống của Việt Nam, cả về di sản vật thể, phi vật thể, cảnh quan môi trường, lối sống, phong tục tập quán. Đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tạo nên các thương hiệu ấn tượng như: “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố văn hóa ASEAN”...

Tiến sĩ Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc thông qua cơ chính sách đặc thù sẽ giúp Thừa Thiên Huế có nguồn lực để xây dựng cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

“Đây là vấn đề cần giải quyết mối quan hệ giữa sự phát triển và bảo tồn di sản văn hóa, không chỉ của đất nước mà được công nhận di sản văn hóa của thế giới. Đó là cho những chính sách và cơ chế để Thừa Thiên Huế rút ngắn được khoảng cách, trình độ phát triển của cả nước nâng đời sống người dân lên và quan trọng là bảo vệ được di sản văn hóa lịch sử”, Tiến sĩ Trần Du Lịch nói.

Ngoài 2 cơ chế, chính sách liên quan đến di sản, tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị được vay với tổng mức dư nợ vay không quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách tỉnh hàng năm do Quốc hội quyết định. Ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản do cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh để đầu tư phát triển kinh tế- xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của tỉnh.

Ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đây là những chính sách quan trọng tạo điều kiện thuận lợi để Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

“Liên quan đến vấn đề công sản thì trên địa bàn hiện nay tỉnh đang có một phương án di dời các tru sở hành chính công về đơn vị hành chính mới vừa đảm bảo hiệu quả cho việc sử dụng đất, thứ hai phục vụ cho việc kinh doanh, các trụ sở của cơ quan trung ương nếu như có di chuyển đấu thầu thì phần đấu thầu đất lại thì nên hỗ trợ lại cho tỉnh để đầu tư ngay chỗ đó", ông Nguyễn Đại Vui thông tin.

Với định hướng phát triển là bảo tồn di sản, văn hóa và môi trường nên trong những năm qua tỉnh Thừa Thiên Huế đã từng từ chối nhiều dự án công nghiệp nặng. Việc được tiếp cận cơ chế, chính sách đặc thù hy vọng sẽ là nguồn lực to lớn để địa phương thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cố đô Huế và bài học sau 15 năm là di sản văn hoá thế giới
Cố đô Huế và bài học sau 15 năm là di sản văn hoá thế giới

Cùng với những cơ hội mới, Huế đã phải đối diện với những thử thách to lớn trong quá trình hội nhập

Cố đô Huế và bài học sau 15 năm là di sản văn hoá thế giới

Cố đô Huế và bài học sau 15 năm là di sản văn hoá thế giới

Cùng với những cơ hội mới, Huế đã phải đối diện với những thử thách to lớn trong quá trình hội nhập

Kỷ niệm 15 năm Quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận Di sản văn hóa thế giới
Kỷ niệm 15 năm Quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận Di sản văn hóa thế giới

Từ nay đến giữa tháng 11/2008, với đỉnh cao là kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11, tỉnh Thừa Thiên- Huế tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá, thi tìm hiểu về Di sản Văn hóa Huế, giao lưu tọa đàm, mở các chuyên đề

Kỷ niệm 15 năm Quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận Di sản văn hóa thế giới

Kỷ niệm 15 năm Quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận Di sản văn hóa thế giới

Từ nay đến giữa tháng 11/2008, với đỉnh cao là kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11, tỉnh Thừa Thiên- Huế tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá, thi tìm hiểu về Di sản Văn hóa Huế, giao lưu tọa đàm, mở các chuyên đề

Dự án bảo tồn di sản văn hóa đô thị cổ Hội An
Dự án bảo tồn di sản văn hóa đô thị cổ Hội An

Uỷ ban nhân dân  tỉnh Quảng Nam đã thông qua Dự án đầu tư tổng thể bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa đô thị cổ Hội An gắn với phát triển du lịch với tổng kinh phí khoảng 1.100 tỉ đồng.

Dự án bảo tồn di sản văn hóa đô thị cổ Hội An

Dự án bảo tồn di sản văn hóa đô thị cổ Hội An

Uỷ ban nhân dân  tỉnh Quảng Nam đã thông qua Dự án đầu tư tổng thể bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa đô thị cổ Hội An gắn với phát triển du lịch với tổng kinh phí khoảng 1.100 tỉ đồng.