Có hay không việc “bảo kê” cho Lớp mẫu giáo Mầm Xanh?
VOV.VN - Vụ việc xảy ra tại Lớp mẫu giáo Mầm Xanh khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Có hay không việc các cá nhân, tổ chức đứng ra bảo kê cho những cơ sở này?
Vụ việc các bảo mẫu tại Lớp mẫu giáo Mầm Xanh ở Quận 12, TPHCM bị phát hiện có hành vi bạo hành trẻ dã man đã khiến dư luận phẫn nộ. Từ đây, nhiều người đặt ra câu hỏi: Tại sao ngành giáo dục – đào tạo đã thường xuyên tổ chức kiểm tra hoạt động của các trường mầm non và các nhóm lớp độc lập tư thục nhưng tình trạng bạo hành trẻ vẫn diễn ra và ngày càng có mức độ phức tạp, khó kiểm soát? Có hay không việc các cá nhân, tổ chức đứng ra bảo kê cho những cơ sở sai trái này?
Tính đến thời điểm phát hiện vụ việc, Lớp mẫu giáo Mầm Xanh ở Quận 12 đang nhận giữ 36 trẻ, chủ yếu là con em công nhân, lao động trên địa bàn. Trong đó, 11 trẻ thuộc nhóm từ 18 đến 36 tháng tuổi và 25 trẻ thuộc nhóm từ 3 đến 5 tuổi.
TP.HCM sẽ lắp đặt camera giám sát tại hệ thống lớp mầm non tư thục
Điều đáng nói là mặc dù được cấp phép hoạt động hơn 3 năm nay nhưng tại cơ sở này chỉ mình bà Phạm Thị Mỹ Linh có bằng cấp về sư phạm mầm non, còn 2 bảo mẫu thì không đạt chuẩn về nuôi dạy trẻ.
Liên quan đến hướng xử lý vụ bạo hành này, Thượng tá Nguyễn Quốc Hải, Phó trưởng Công an Quận 12 cho biết: "Cơ quan chức năng đang gấp rút hoàn tất hồ sơ để khởi tố các đương sự về tội Hành hạ người khác. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, 2 bảo mẫu tại cơ sở này vẫn chưa ra trình diện để hợp tác điều tra. Chúng tôi vẫn đang cho người qua huyện Hóc Môn rà soát thông tin. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thông qua kênh thông tin từ các phụ huynh xem 2 đối tượng này đang ở đâu để tiếp tục làm việc, tìm ra hướng xử lý vụ án này”.
Thượng tá Nguyễn Quốc Hải.
Tại TPHCM, số lượng trường mầm non tư thục và nhóm lớp độc lập tư thục là rất lớn, chiếm tỷ lệ hơn 55%. Vụ việc xảy ra tại Lớp mẫu giáo Mầm Xanh không phải là cá biệt hay quá bất ngờ vì trước đó, nhiều vụ bạo hành trẻ tại các cơ sở tư thục trên địa bàn thành phố đã bị phát hiện. Điều khiến dư luận lo lắng là mức độ nguy hiểm và tinh vi của các hành vi bạo hành trẻ đang có dấu hiệu gia tăng.
Từ thực tế đáng buồn này, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo TPHCM đề xuất: “Thời gian qua, ngành giáo dục – đào tạo TPHCM có chủ trương hạn chế gắn camera trong trường học vì sợ ảnh hưởng đến tâm lý giáo viên. Tuy nhiên, qua sự việc này, chúng tôi đề nghị sắp tới sẽ yêu cầu 100% các nhóm lớp trẻ tư thục độc lập phải gắn camera quan sát để đảm bảo an toàn cho trẻ”.
Bà Bùi Thị Diễm Thu, PGD Sở GD-ĐT TPHCM. |
Thế nhưng, đứng ở góc độ pháp lý, ông Trần Văn Bảy, Chủ tịch UBND Quận 9 cho rằng, phương tiện kỹ thuật chỉ hỗ trợ một phần, còn lại vẫn phải dựa vào luật pháp. Đây là mặt còn hạn chế của ngành giáo dục – đào tạo cũng như các quận, huyện.
Hiện nay, khi đi kiểm tra và xử lý sai phạm tại các nhóm lớp, trường mầm non tư thục, đa phần địa phương đều chọn cách tuyên truyền, vận động là chủ yếu vì vẫn chưa có thể ban hành những văn bản quy phạm pháp luật trong các trường hợp cụ thể. Thiếu cơ sở pháp lý, rất khó để địa phương xử lý nghiêm hay tăng mức độ răn đe đối với các cơ sở vi phạm.
Ông Trần Văn Bảy lý giải: “Các đoàn khi đi kiểm tra đều dựa vào các quy chuẩn thì nhiều nơi đạt hết. Nhưng với các hành vi hành hạ trẻ thì các đoàn kiểm tra không thể phát hiện được. Do vậy, tôi nghĩ rằng công tác giám sát cộng đồng rất quan trọng. Nhưng giám sát cộng đồng cũng phải có pháp lý và bắt đầu từ quy định của các văn bản pháp luật.”.
Theo bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, thời gian qua, lãnh đạo thành phố và ngành giáo dục – đào tạo đã quan tâm nhiều đến công tác thanh, kiểm tra chất lượng của các trường mầm non, nhóm lớp độc lập tư thục thông qua việc ban hành không thiếu một loại văn bản hướng dẫn nào. Các địa phương cũng không đứng ngoài cuộc. Thế nhưng, tại sao tình trạng bạo hành trẻ vẫn diễn ra với tần số ngày càng nhiều? Liệu có uẩn khúc nào không và còn những cơ sở nào đang bạo hành trẻ mà chưa bị phát hiện?
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu lo lắng: “Có hay không việc cán bộ của các đơn vị liên quan cung cấp thông tin để chủ các nhóm trẻ biết được thời gian đi kiểm tra của các đoàn nên chuẩn bị rất chu đáo. Khi các đoàn kiểm tra thì không có chuyện gì xảy ra nhưng khi các đoàn về thì rất nhiều việc xảy ra với các cháu. Có hay không việc một cá nhân, tổ chức nào nào đó đứng ra bảo kê các điểm giữ trẻ này?”.
Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM. |
UBND TPHCM chỉ đạo, thời gian tới, ngành giáo dục – đào tạo thành phố phải vào cuộc mạnh mẽ hơn để khắc phục, dần đi đến chấm dứt tình trạng này. Quan trọng nhất là phải tìm ra được lý do khiến các cơ sở có sai phạm vẫn ngang nhiên hoạt động làm mất uy tín ngành giáo dục, ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của trẻ. Khi phát hiện sai phạm phải xử lý nghiêm.
Trước mắt, Sở Giáo dục – Đào tạo TPHCM cần khẩn trương thanh, kiểm tra hoạt động tại các cơ sở giữ trẻ tư thục tại 24 quận, huyện, đồng thời tham mưu với thành phố các giải pháp quản lý hoạt động này hiệu quả hơn trong thời gian tới./.
Lỗi “đánh máy” hay công chức tắc trách?