Cơ hội cho những người cải tạo tốt

Chính sách khoan hồng của Nhà nước còn có tác dụng giáo dục những phạm nhân khác tự nhìn nhận mình để cố gắng vươn lên, hướng thiện.

Đặc xá, tha tù trước thời hạn thể hiện chính sách khoan hồng đối với những người một thời lầm lỗi trở về tái hòa nhập cộng đồng.  Quốc khánh 2/9 năm nay, cả nước có trên 10.000 người được đề nghị đặc xá, tha tù trước thời hạn, là dịp để những người phạm tội suy nghĩ về lỗi lầm của họ; hiểu sâu thêm chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta.

Đợt này, Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Nam đề nghị đặc xá cho 32 phạm nhân trong tổng số 133 người đang thi hành án phạt tù. Họ là những người có mức án dưới 5 năm, đã chấp hành từ đủ 1/3 thời gian án phạt, trong thời gian thi hành án đã tích cực học tập, lao động, phấn đấu cải tạo tốt.

Phạm nhân Lê Đức Thành, 23 tuổi, vào trại từ tháng 8/2010. Trong một lần cùng nhóm bạn đi chơi, Thành đã tham gia cướp tài sản và phải trả giá bằng 2 năm tù. Được sự động viên, giúp đỡ của các cán bộ Trại tạm giam, Thành đã tích cực lao động, chấp hành nghiêm túc các quy định của trại và được đề nghị xét đặc xá đợt này.

Thành bày tỏ: “Từ hồi vào đây em đã suy nghĩ rất nhiều về những tội lỗi mình đã gây ra ở ngoài. Em đã cố gắng cải tạo tốt để mong nhận được khoan hồng. Vừa rồi em nhận được tin em có trong danh sách được đặc xá, em rất vui mừng. Nếu em được ra ngoài em sẽ cố gắng trở thành công dân có ích, không vi phạm pháp luật nữa”.

Chúng tôi thấy sự háo hức hiện rõ trên khuôn mặt những phạm nhân được đặc xá. Họ thấu hiểu ý nghĩa của cuộc sống tự do, của việc tôn trọng pháp luật và tính nhân văn của chủ trương đặc xá. Các phòng tiếp khách được quét vôi, trang trí thêm tranh ảnh; khu sân trại, đường đi lối lại cũng được các phạm nhân dọn dẹp, vệ sinh gọn gàng, phong quang, chuẩn bị cho Lễ công bố Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước.

Các nữ phạm nhân của trại giam Thanh Phong

Trại giam Thanh Phong (Bộ Công an, ở Nông Cống, Thanh Hóa) những ngày này như sôi nổi hơn, bởi từ hơn một tháng nay hàng ngàn phạm nhân ở đây đã được đọc, được nghe, được giải thích rõ nội dung Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá, tha tù trước thời hạn năm 2011. Tại mỗi phân trại, phạm nhân được bình xét, bỏ phiếu kín đối với những người cải tạo tốt, có các tiêu chuẩn đặc xá.

Gặp Nguyễn Thị Quyên (20 tuổi, ở Ba Vì, Hà Nội), chúng tôi không nghĩ rằng, cô gái nhỏ nhắn, trắng trẻo kia lại bị phạt 3 năm tù về tội “buôn bán người”. Cô rơm rớm nước mắt: “Tội lỗi mà em gây ra xuất phát từ thói quen ăn chơi, đua đòi, bỏ ngoài tai những lời khuyên của mọi người, trượt dài trên con đường phạm tội”. Quyên cho biết, những ngày mới bước chân vào trại, cô bị suy sụp vì nghĩ tới tương lai mờ mịt phía trước. Nhưng được sự động viên, chia sẻ của cán bộ quản giáo và anh chị em cùng cải tạo, sự thăm hỏi thường xuyên của gia đình, cô đã nhận ra rằng: chỉ có cải tạo tốt, có ý thức hoàn lương mới giúp mình nhanh chóng hòa nhập cộng đồng. Được tin mình có trong danh sách đặc xá lần này, Quyên đã lặng lẽ khóc nhiều đêm. Cuộc sống ở Trại giam dạy cô biết quý trọng lao động, biết chia sẻ, yêu thương và thấy rõ chính sách nhân đạo của Nhà nước.

Nghĩ tới những người cùng cải tạo, Nguyễn Thị Quyên mong họ phấn đấu tốt để nhận được sự khoan hồng như cô: “Chắc mọi người không tin và nghĩ rằng được về là sướng, là quên hết tất cả. Nhưng với em, càng ở hoàn cảnh của bọn em thì tình cảm chị em càng gắn bó. Gần về nhưng em thấy nhớ và thương các chị lắm, em luôn mong và chúc chị ấy gặp nhiều may mắn, cố gắng cải tạo tốt để lại được đặc xá giống như em”.

Chính sách khoan hồng của Nhà nước còn có tác dụng giáo dục những phạm nhân khác tự nhìn nhận mình để cố gắng vươn lên, hướng thiện. Phạm nhân Lê Thị Lan (quê Thanh Hóa) đang thi hành án 13 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” – là một ví dụ. Dù không được đặc xá dịp này, nhưng biết tin Trại Thanh Phong có 180 người được đặc xá, Lan không khỏi chạnh lòng. Lan kể mà như khóc: “Chẳng còn cách nào khác là phải cố gắng hơn nữa để được giảm án, nhanh chóng trở về với gia đình. Chị em về sớm ngày nào hay ngày đó. Em cũng rất cố gắng cải tạo giống như chị em, phải cố gắng cải tạo thì mới có ngày về được”.

Tha tù trước thời hạn không chỉ đơn thuần là việc trả tự do cho phạm nhân. Trước ngày thực hiện Quyết định của Chủ tịch nước, trại giam Thanh Phong mở 4 lớp học trong thời hạn một tuần cho những người chuẩn bị tái hoà nhập cộng đồng. Giáo viên đứng lớp là những cán bộ chuyên môn của các ngành, giúp phạm nhân có thêm kiến thức cơ bản và cập nhật thông tin về pháp luật, về thực trạng và công tác đấu tranh phòng chống ma tuý; kỹ năng tái hoà nhập cộng đồng... Trong ngày công bố Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước sắp tới, Trại giam Thanh Phong còn mời người nhà của một số phạm nhân đến dự. Qua đó giúp mọi người thấy rõ ý nghĩa nhân văn của quyết định đặc xá và động viên những phạm nhân chưa được đặc xá có thêm nghị lực phấn đấu cải tạo tốt.

Thượng tá Đỗ Thanh Sơn, Phó giám thị Trại giam Thanh Phong cho biết: “Trong thời gian đang chờ quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá, chúng tôi động viên anh em không được vi phạm kỷ luật của trại; mở lớp hoà nhập cộng đồng; chuẩn bị phương tiện để đưa phạm nhân ra bến xe, mua vé cho họ về địa phương”.

Mỗi phạm nhân mà chúng tôi gặp đều mang một tâm trạng, suy tư, trăn trở khác nhau, nhưng họ đều chung mong muốn: cải tạo tốt để được hưởng chính sách khoan hồng, sớm hoà nhập cộng đồng, bù đắp phần nào mất mát cho gia đình, người thân bằng sự hoàn lương. Thực tế đã chứng minh: hình phạt là cần thiết, nhưng cùng với đó là sự động viên, giúp đỡ của những người làm công tác quản giáo, môi trường cải tạo, giáo dục ở trại giam; sự chia sẻ của gia đình, cộng đồng và đặc biệt là chính sách khoan hồng của Nhà nước… mới mang đầy đủ ý nghĩa lâu dài, giúp những ai một thời lầm lỗi nhanh chóng trở lại làm công dân có ích cho xã hội./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên