Cơ hội quảng bá hình ảnh Đồng Tháp tới cả nước
VOV.VN - Phát thanh là kênh thông tin chính thống đáng tin cậy, luôn đi đầu trong việc truyền tải những chủ trương, chính sách tới người dân địa phương.
Đây là đánh giá của ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam.
Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn ông Đoàn Tấn Bửu (bìa phải). Ảnh: Phạm Hải |
PV: Thưa ông, LHPT toàn quốc lần thứ 14 được tổ chức tại Đồng Tháp có ý nghĩa thế nào đối với ngành phát thanh địa phương cũng như đối với việc quảng bá hình ảnh Đồng Tháp tới người dân cả nước?
Ông Đoàn Tấn Bửu: Liên hoan Phát thanh (LHPT) toàn quốc lần này diễn ra ở Đồng Tháp là một vinh dự đối với tỉnh, chúng tôi rất cảm ơn Đài TNVN đã chọn Đồng Tháp làm nơi tổ chức sự kiện. Đây là một cơ hội tốt để những người làm phát thanh địa phương được tiếp cận, tìm hiểu, chia sẻ kinh nghiệm từ những tác phẩm dự thi, từ những hội thảo nghiệp vụ, từ những kỹ thuật công nghệ và đặc biệt là từ trong đánh giá đúng của xã hội về vai trò của phát thanh.
Phát thanh - truyền hình Đồng Tháp vẫn còn có những khó khăn, hạn chế cần được đầu tư cả về lực lượng và cơ sở vật chất. Tôi cho rằng, sự kiện này đã mở ra cho người làm phát thanh ở Đồng Tháp cơ hội tốt.
Thứ nhất là được tiếp cận, đón nhận những kinh nghiệm, chia sẻ từ đồng nghiệp trên cả nước. Đặc biệt là nhận được sự hỗ trợ của Đài Trung ương thì công tác chuyên môn của anh em đài tỉnh sẽ được nâng lên. Thứ hai, đây cũng là cơ hội quý giá để Đồng Tháp vừa làm tốt nhiệm vụ chính trị ở địa phương, vừa có đóng góp đối với phát thanh - truyền hình cả nước.
Đối với Đồng Tháp là tỉnh còn khó khăn, thế mạnh chủ yếu là nông nghiệp, nhưng sự kiện lớn lần này là cơ hội để chúng tôi quảng bá du lịch, xuất khẩu lao động và những lợi thế khác trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương tới cả nước. Từ đó có cơ hội kết nối để phát triển.
PV: Ông đánh giá thế nào về vị trí, đóng góp của phát thanh đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp thời gian qua? Đặc biệt, trong dịch bệnh Covid-19, phát thanh đã có vai trò như thế nào trong công cuộc phòng, chống đại dịch tại địa phương?
Ông Đoàn Tấn Bửu: Chúng tôi đánh giá phát thanh có đóng góp rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây là một kênh thông tin chính thống, tin cậy và có tính định hướng dư luận. Vì thế, đối với việc truyền tải các chủ trương, chính sách tới người dân thì phát thanh luôn luôn đi đầu, giúp người dân có sự an tâm tin tưởng hay có nơi chính thức để phản hồi để không bị lao xao, hoang mang. Như thế giúp ổn định tình hình xã hội, tập trung vào phát triển kinh tế địa phương.
Đối với cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19 vừa rồi, tất cả những thông tin chính thống từ Nhà nước, các cơ quan chuyên môn được truyền tới người dân qua các kênh phát thanh giúp người dân nắm bắt tốt tình hình, có nhận thức đầy đủ, từ đó có niềm tin và ủng hộ công cuộc chống dịch của chính quyền. Như thế, cuộc chiến chống dịch của chúng ta mới có sức mạnh, có sức lan tỏa và xuyên suốt, nhờ vậy dịch bệnh mới được kiểm soát.
PV: Tỉnh Đồng Tháp đã có sự quan tâm, đầu tư như thế nào cho ngành phát thanh thời gian qua, thưa ông?
Ông Đoàn Tấn Bửu: Đối với phát thanh của Đồng Tháp, vì đây là kênh thông tin chính thống của chính quyền đến người dân và xã hội nên chúng tôi rất quan tâm tới công tác, tới bộ máy cán bộ phải thực sự có năng lực, phải có trình độ chuyên môn tốt để tận dụng tất cả thiết bị, những cơ hội để truyền thanh tới người dân trong và ngoài tỉnh.
Về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dụng cho tuyến tỉnh, tuyến huyện, xã, phường thì tỉnh cũng có ưu tiên đầu tư. Với sự sáng tạo, tư duy vững vàng và với sự đầu tư này cho các tuyến thì công tác truyền thông nói chung, đặc biệt là phát thanh - truyền hình ở Đồng Tháp sẽ bám sát chương trình trọng điểm, chủ trương, chính sách và những định hướng phát triển lâu dài ở Đồng Tháp.
PV: Liên hoan Phát thanh là ngày hội nghề của những người làm “báo nói” cả nước, ông có lời nhắn nhủ gì tới họ?
Ông Đoàn Tấn Bửu: Sự kiện LHPT toàn quốc vừa tôn vinh, vừa nâng cao trách nhiệm và cũng là cơ hội để phát thanh - truyền hình Đồng Tháp nói riêng và cả nước nói chung chứng tỏ vai trò, vị trí của mình.
Tôi nghĩ rằng những tác phẩm có chiều sâu, gắn với cuộc sống sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới việc nhận thức hay tư duy của người dân, của xã hội. Những người làm báo có đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội sẽ có những tác phẩm đóng góp vào sự phát triển của địa phương. Chúng tôi rất mong đợi và đánh giá cao những người làm phát thanh tâm huyết với nghề nghiệp của mình, gắn với nhiệm vụ, đặc biệt là những vấn đề lớn, nhạy cảm thì chúng ta có cái nhìn xuyên suốt, minh bạch, định hướng tốt để góp phần vào sự ổn định xã hội, tạo nền tảng cho sự phát triển.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!./.