Có nên để các trường tự ra đề kiểm tra chất lượng học sinh lớp 5

VOV.VN - Nhiều ý kiến nói, quy định này thật sự chưa ổn vì nếu giao quyền tự chủ cho các trường sẽ rất dễ dẫn đến mất công bằng.

Điều 15 của Thông tư 30 do Bộ Giáo dục – Đào tạo ban hành quy định, từ năm học này, việc ra đề kiểm tra định kỳ cuối năm học cho học sinh lớp 5 sẽ được giao cho tổ chuyên môn của từng trường.

Nhiều ý kiến cho rằng, quy định này thật sự chưa ổn vì nếu giao quyền tự chủ cho các trường sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng mất công bằng trong việc đánh giá chất lượng học sinh cuối cấp.

Nnhiều ý kiến cho rằng sẽ thiếu khách quan nếu Bộ Giáo dục – Đào tạo hoàn toàn giao quyền tự chủ cho các trường (ảnh: KT)
Nếu như mọi năm vào khoảng tháng 4, Phòng Giáo dục – Đào tạo các quận, huyện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn tất kế hoạch tuyển sinh bậc Trung học cơ sở, năm học này, do có những thay đổi từ Thông tư 30, đến nay, các phòng vẫn đợi hướng dẫn từ Sở Giáo dục – Đào tạo thành phố. Riêng đối với việc ra đề kiểm tra định kỳ cuối năm học cho học sinh lớp 5, nhiều ý kiến cho rằng sẽ thiếu khách quan nếu Bộ Giáo dục – Đào tạo hoàn toàn giao quyền tự chủ cho các trường.

Vì khi trường này ra đề dễ, trường kia ra đề khó, việc xác định mặt bằng chung trong khâu đánh giá chất lượng là điều không thể. Thầy Nguyễn Quốc Trung, giáo viên khối lớp 5, Trường Tiểu học Minh Đạo, Quận 5 nhấn mạnh: “Để từng giáo viên ra đề như vậy cũng có những điểm hay, nhưng xét trên phương diện quản lý trong việc phân cấp học sinh đầu tuyến, ngay cả trong một trường trình độ còn không đồng đều. Vì vậy, riêng ở khối lớp 5, theo tôi nếu có phương án ra đề thi chung cho từng quận là phù hợp nhất vì có thể đánh giá mặt bằng trình độ của các em học sinh lớp 5.”.

Đó cũng là ý kiến của rất nhiều giáo viên và hiệu trưởng các trường Tiểu học cũng như Trung học cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh. Lo lắng là có cơ cở, vì hiện nay, trong công tác tuyển sinh đầu cấp bậc Trung học cơ sở, bên cạnh việc tuyển sinh theo địa bàn khu vực, một số trường vẫn tuyển ngoài tuyến dựa trên điểm tổng kết 2 môn: Toán, tiếng Việt cuối học kỳ 2 lớp 5 hoặc điểm số môn ngoại ngữ. Do đó, theo bà Võ Ngọc Thu, Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo Quận 5, ít nhất mỗi quận cần có một bài kiểm tra cuối cấp chung để đánh giá được mặt bằng chất lượng của học sinh.

Bà Võ Ngọc Thu cho biết: “Giáo viên khối Trung học cơ sở sẽ đánh giá được chuẩn kiến thức kỹ năng của khối tiểu học qua một đề thi chung của Sở Giáo dục hoặc Phòng Giáo dục. Còn nếu để cho tổ chuyên môn của từng trường ra đề, chuẩn kiến thức kỹ năng có nhưng để phân loại học sinh và tìm hiểu xem các em còn vướng mắc ở điểm nào, từng trường sẽ ra theo suy nghĩ của mình. Như vậy rất khó để đánh giá một kiến thức chung”.

Đứng ở góc độ của một trường Trung học cơ sở, ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Võ Trường Toản, Quận 1 cho rằng, nếu để các trường tự chủ ra đề thì cần có sự chỉ đạo chung của Sở Giáo dục – Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh hoặc các phòng Giáo dục – Đào tạo để việc đánh giá chất lượng học sinh cuối bậc Tiểu học được đồng đều, chính xác. Có như vậy mới tạo sự công bằng giữa các trường và các quận, huyện với nhau.

Không thể phủ nhận những thay đổi tích cực trong việc giảm áp lực điểm số đối với học sinh bậc tiểu học của Thông tư 30. Tuy nhiên, thông tư này cũng dẫn đến hàng loạt đổi mới trong việc kiểm tra năng lực học sinh. Với những đổi mới này, các trường cần có sự hướng dẫn từ cấp trên. Vì vậy, nếu sở giáo dục các tỉnh, thành không sớm ban hành những hướng dẫn cụ thể cho việc ra đề kiểm tra định kỳ cuối năm đối với học sinh lớp 5 thì e rằng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đầu vào của nhiều trường Trung học cơ sở. /.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bộ GD-ĐT cấm tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6
Bộ GD-ĐT cấm tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6

VOV.VN - Yêu cầu này nhằm thực hiện Chỉ thị số 5105/CT-BGDĐT về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục Tiểu học...

Bộ GD-ĐT cấm tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6

Bộ GD-ĐT cấm tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6

VOV.VN - Yêu cầu này nhằm thực hiện Chỉ thị số 5105/CT-BGDĐT về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục Tiểu học...