Có nên duy trì hệ THCS trong trường THPT chuyên?
VOV.VN - Nhiều chuyên gia giáo dục khẳng định việc ngừng tuyển sinh hệ THCS trong trường THPT chuyên là đúng luật và phù hợp với định hướng giáo dục, không gây áp lực học tập cho học sinh tiểu học, THCS.
Mới đây, Bộ GD&ĐT có văn bản đề nghị Sở GD-ĐT Hà Nội dừng tuyển sinh lớp 6 trong trường Trung học phổ thông (THPT) Chuyên Hà Nội Amsterdam theo đúng Luật Giáo dục 2019. Bởi theo quy định, trường chuyên chỉ được thành lập ở cấp THPT.
Trong khi đó, thông tin tới báo chí, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Sở này sẽ xây dựng phương án trình UBND Thành phố trên tinh thần giữ ổn định việc tuyển sinh lớp 6 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam trong năm học 2024-2025. Bên cạnh đó, để hệ này không hoạt động trái luật, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tham mưu cho thành phố xin cơ chế đặc thù trên tinh thần của Luật Thủ đô.
Điều đáng nói hiện nay không riêng Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam ở Hà Nội mà Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) cũng tồn tại hệ Trung học cơ sở (THCS) trong nhiều năm qua.
Việc hệ THCS trong các trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) đang đứng trước nguy cơ phải ngừng tuyển sinh đang gây ra nhiều ý kiến tranh luận.
Chia sẻ với VOV2 (Đài TNVN), TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, việc Bộ GD-ĐT có văn bản đề nghị Sở GD-ĐT Hà Nội dừng tuyển sinh lớp 6 trong trường THPT là đúng quy định và không đường đột.
"Vấn đề là đang tồn tại thực tiễn như vậy thì các bên cần phải ngồi lại với nhau để tìm ra hướng giải quyết phù hợp nhất. Nếu Hà Nội hoặc một địa phương nào đó muốn duy trì hệ THCS trong trường THPT chuyên thì phải chứng minh rõ sự phù hợp, cần thiết, khoa học của nó. Nếu các quy định pháp luật chưa phù hợp với thực tế thì phải điều chỉnh", TS. Nguyễn Tùng Lâm nói.
Tuy nhiên, từ góc độ tâm lý giáo dục, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, THCS là cấp phổ cập, đào tạo học sinh toàn diện về kiến thức, kỹ năng; cấp THPT là định hướng nghề nghiệp và đi sâu các bộ môn. Do vậy, ông không ủng hộ duy trì hệ thường trong trường THPT chuyên hoặc các lớp THCS trong trường chuyên nhưng hình thức tuyển sinh, đào tạo giống chuyên.
"Ngay mô hình trường THPT chuyên hiện nay cũng chưa phát triển đúng theo định hướng. Việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng học sinh có năng khiếu ở trường THPT chuyên vẫn chạy theo thành tích, điểm số, chạy theo các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, Olympic quốc tế... mà chưa phải là theo hướng phát triển năng lực bản thân, đào tạo nhân tài cho đất nước", TS. Nguyễn Tùng Lâm nhận định.
Thừa nhận lứa tuổi THCS có những học sinh có năng khiếu, tài năng và năng lực nổi trội nhưng theo TS. Nguyễn Tùng Lâm mỗi trường học cần có bộ phận riêng để chăm lo bồi dưỡng, giúp các em phát huy tài năng. "Chúng ta không nên ép học sinh theo mong muốn chủ quan của người lớn để các em phải học thêm, luyện thi từ nhỏ gây áp lực rất lớn lên vai trẻ".
Chia sẻ quan điểm về việc có nên duy trì hệ THCS trong trường THPT chuyên hay không? TS. Đàm Quang Minh, Phó Tổng Giám đốc của Tập đoàn Giáo dục EQuest cho rằng, quy định của pháp luật hiện nay, trường THPT chuyên không có hệ THCS. Do vậy những trường nào duy trì hệ thường là sai quy định.
“Vấn đề đặt ra hiện nay cần phải giải quyết tồn tại này như thế nào? Phương án có thể tính đến là tách thành hai trường, hai bộ máy độc lập. Điều này sẽ giải quyết được cả hai mục tiêu vừa không vi phạm các quy định hiện hành vừa đảm bảo có môi trường giáo dục tốt cho học sinh", TS. Đàm Quang Minh nói.
Trước ý tưởng của Sở GD-ĐT Hà Nội về việc xin cơ chế đặc thù trên tinh thần của Luật Thủ đô để tiếp tục duy trì hệ THCS trong trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, theo TS. Đàm Quang Minh ý tưởng này là không phù hợp bởi nếu Hà Nội có thể áp dụng Luật Thủ đô thì hệ THCS của trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) sẽ áp dụng cơ chế nào?
"Cơ chế đặc thù chỉ nên áp dụng cho lĩnh vực an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế-xã hội đặc biệt quan trọng, thực sự giải quyết điểm nghẽn hiện tại để tạo đà cho sự phát triển. Trong khi đó, việc duy trì hay không duy trì hệ THCS trong trường THPT chuyên chỉ là câu chuyện giáo dục đơn thuần, chỉ cần áp dụng Luật Giáo dục và các quy định hiện hành là đủ", TS. Đàm Quang Minh chia sẻ.
Bàn vấn đề phát hiện, bồi dưỡng học sinh có năng khiếu từ bậc Tiểu học, THCS, TS. Đàm Quang Minh cho rằng, không cần thiết phải duy trì mô hình chuyên hoặc các lớp chuyên ở bậc học này.
TS. Đàm Quang Minh nói: “Học sinh lớp 6, 7 chưa hình thành rõ năng khiếu về chuyên môn sâu. Do vậy việc tổ chức kỳ thi tuyển chọn học sinh vào các lớp năng khiếu, chất lượng cao hay đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chuyên sâu sẽ gây áp lực cho học sinh và sự mệt mỏi cho xã hội”.
"Các lớp THCS trong trường chuyên phải ngừng tuyển sinh"
Liên quan đến việc Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amterdam có thể phải dừng tuyển sinh, đào tạo hệ THCS theo đúng quy định pháp luật, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) cho biết, Luật giáo dục 2005 đã quy định trường chuyên chỉ có ở cấp THPT. Nội dung này cũng được giữ nguyên ở Luật Giáo dục 2019.
"Mô hình khối THCS trong trường chuyên không nằm trong quy định pháp lý nào. Tuy nhiên, do tồn tại lịch sử để lại, hiện vẫn có hai trường là Trường Chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) và Trường Chuyên Hà Nội - Amsterdam tồn tại khối THCS không chuyên", ông Thành nhấn mạnh.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, việc duy trì hay ngừng tuyển sinh lớp 6 của Trường Chuyên Hà Nội - Amsterdam và Trường Chuyên Trần Đại Nghĩa không phải là việc Bộ muốn cho phép hay không cho phép mà quy định đã ban hành có hiệu lực thì phải thực thi.
Liên quan đến việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh năng khiếu từ bậc học Tiểu học, THCS, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành khẳng định, việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, tạo nguồn cho trường THPT chuyên thực chất là nhiệm vụ của tất cả các trường THCS chứ không phải chỉ là nhiệm vụ của riêng một số trường THCS có chất lượng cao.
"Trên thực tế, có một số học sinh đỗ cao trong các kỳ thi, đoạt giải học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và khu vực chỉ học ở các trường bình thường thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội không phát triển", PGS.TS Nguyễn Xuân Thành khẳng định.