Cỏ non không còn dấu chân anh hùng Hồ Giáo
VOV.VN - Hồ Giáo đã vĩnh viễn ra đi ở tuổi 87. Một tinh hoa của nông dân đã về với đất. Giản dị, thanh thản như cách mà ông đến với cõi đời này.
Tin Anh hùng lao động Hồ Giáo qua đời chiều qua (14/10) đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng đang được người thân và cộng đồng chia sẻ với niềm tiếc thương kính mến đối với một người anh hùng chân đất.
Lặng lẽ, khiêm nhường đóng góp một phần nhỏ bé sức lực, tâm huyết của mình cho đất nước, giờ đây, ông đã thanh thản ra đi để về với những gì thân thương nhất của cuộc đời.
Cái tài đặc biệt ở Hồ Giáo là thuần phục trâu bò. Người ta bảo ông có khả năng nghe được tiếng của loài vật. (ảnh: KT) |
Đất nước chia cắt hai miền, ông tập kết ra Bắc và sau đó vào làm công nhân nuôi bò tại Nông trường bò sữa Ba Vì, Hà Tây. Ra đi từ khi chưa biết chữ, vừa làm vừa học, rồi cũng đến ngày Hồ Giáo bập bẹ đọc được tài liệu hướng dẫn chăn nuôi. Đức tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi đã giúp Hồ Giáo thành công, giúp Nông trường bò sữa Ba Vì trở thành mô hình điểm của ngành chăn nuôi của miền Bắc.
Năm 1966, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Hòa bình lập lại, ông rời Ba Vì về Nông trường Sông Bé để “thử sức” với đàn trâu Mura hơn 500 con do Ấn Độ tặng Việt Nam làm sức kéo và lấy sữa. Một lần nữa, ông lại làm nên kỳ tích khi đàn trâu Mura có những con đạt trọng lượng 1.000 kg. Ông được Nhà nước phong Anh hùng lao động lần thứ 2, năm 1986.
Nghỉ hưu về quê, ông nhận lời ủy thác của Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi tặng ông 15 con trâu Mura kèm lời dặn về giúp bà con quê hương thoát đói nghèo. Thế là Hồ Giáo lại tiếp tục việc nuôi trâu của mình. Bao năm qua, giờ nhắc lại, nhiều người vẫn không quên hình ảnh một ông già ngày hai buổi cần mẫn đi bộ trên con đường ghồ ghề từ thành phố Quảng Ngãi lên trại trâu Hành Thuận, Nghĩa Hành làm việc.
Bà Hoàng Thái Nhi, một người dân sống ven con đường ông thường đi qua nhớ lại: “Ở đây, ai cũng biết ông Hồ Giáo. Buổi sáng, ông ấy xách làn cơm đi, chiều xách làn không về. Ông ấy cũng nào cũng đội mũ bảo hiểm. Ai đi đường biết ông xin quá giang đều cho đi nhờ. Ông ấy là vậy đó”.
Cái tài đặc biệt ở Hồ Giáo là thuần phục trâu bò. Người ta bảo ông có khả năng nghe được tiếng của loài vật. Không biết đúng sai thế nào nhưng nhiều con bò trái tính trái nết ở Ba Vì, rồi những con trâu Mura Ấn Độ không chịu nhập đàn với trâu bản địa, “qua tay ông”, đều trở nên hiền từ, dễ bảo, hay ăn chóng lớn. Từ Ba Vì đến Sông Bé, rồi cuối đời về trại trâu Hành Thuận, ông đã trở thành “bà đỡ” cho nhiều chú trâu lai ra đời. Ông chỉ muốn làm thật nhiều để giúp nông dân có thu nhập nhờ nâng cao chất lượng đàn trâu địa phương.
Anh Nguyễn Hữu Hải, Bí thư Đảng ủy xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi, nơi có trại trâu Mura mà Anh hùng lao động Hồ Giáo làm việc đã nói về ông với tất cả tình thương yêu và kính trọng của mình.
Ông Hải nói: “Chỉ có người như Bác Hồ Giáo mới làm được việc này, dù đã già và hết tuổi lao động nhưng qua quá trình rèn luyện và nhận thức về giai cấp lao động nên ông đã hy sinh và tinh thần của ông như thế”.
80 tuổi, ông chính thức nghỉ ngơi sau khi đã truyền nghề cho người cháu của mình. Nhưng cứ cuối tuần, anh con rể lại phải chở ông lên Hành Thuận để thăm mấy con trâu Mura cho đỡ nhớ! Có thể với ai đó, anh hùng là phải đi liền với những bảng thành tích lớn lao. Nhưng Hồ Giáo lại là một người anh hùng chân đất, anh hùng không bằng cấp. Một con người bình thường trong hàng triệu, hàng triệu người bình thường khác.
Nhà báo Trần Đăng, phóng viên báo Thanh Niên, người từng có nhiều trang viết về ông chia sẻ: “Với tôi Hồ Giáo là một con người thanh sạch, điểm đầu tiên tôi nhận ra ở ông là điều đó. Ông luôn sống trung thực, tận tụy với công việc, làm tròn bổn phận một cách tốt nhất có thể. Thực ra phẩm chất trung thực và trách nhiệm với công việc nghe nhàm lắm nhưng không phải ai cũng thực hiện được đầy đủ đâu. Tôi có thể nói Hồ Giáo là người thực hiện khái niệm trung thực và trách nhiệm đó đầy đủ nhất. Mỗi khi tiếp xúc với ông, ông luôn hiện lên trước mắt tôi vẻ đẹp dâng hiến, đáng yêu lắm. Có lẽ là ông được phong tặng danh hiệu anh hùng đến 2 lần là vì những phẩm chất này. Đó là một con người đáng yêu đến từng động tác nhỏ”.
Hồ Giáo đã vĩnh viễn ra đi ở tuổi 87. Một tinh hoa của nông dân đã về với đất. Giản dị, thanh thản như cách mà ông đến với cõi đời này để làm người – một con người mà cốt cách, việc làm bao giờ cũng hàm chứa giá trị lao động chân chính. Những cánh đồng thơm mùi cỏ non sẽ không còn dấu chân và hình bóng người Anh hùng hiền hậu, chất phác ấy nữa…nhưng những giá trị của Lao động, Lương thiện và Tự trọng ở ông luôn sống mãi trong lòng bao người./.