Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”
VOV.VN - Thái Nguyên cùng Hà Nội và Quảng Ninh được lựa chọn làm điểm thực hiện Đề án 06 để nhận diện rõ thuận lợi và khó khăn, thách thức, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm, nhân rộng các bài học thành công để các địa phương khác học tập, thúc đẩy chuyển đổi số.
Chiều 5/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đoàn công tác của Tổ công tác triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) của Chính phủ đã kiểm tra, làm việc tại tỉnh Thái Nguyên về kết quả triển khai Đề án từ tháng 2/2022 đến nay.
Kiểm tra trực tiếp việc triển khai Đề án 06 tại UBND phường Bách Quang (TP. Sông Công, tỉnh Thái Nguyên), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đoàn công tác đã tiếp nhận những phản ánh về những khó khăn, vướng mắc tại địa phương trong triển khai thực tế Đề án 06.
Theo lãnh đạo và cán bộ nhân viên phường Bách Quang, trong quá trình kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu số giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu chuyên ngành do bộ, ngành, địa phương quản lý vấp phải vấn đề “chưa kết nối được” hay “sự không liên thông dữ liệu giữa các Bộ quản lý”. Do vậy, việc kết nối, cung ứng, giải quyết hồ sơ trên môi trường điện tử đối với một số thủ tục hành chính tại địa phương còn khó khăn.
Phó Thủ tướng đã đặt những câu hỏi rất cụ thể, nhất là trách nhiệm của Chủ tịch UBND phường trong chỉ đạo Tổ công tác Tổ công tác triển khai Đề án 06 khi tháo gỡ những khó khăn, đặc biệt là vấn đề làm sạch dữ liệu tư pháp, bảo hiểm, an sinh xã hội… đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
“Qua thực tiễn từ cơ sở, chúng ta cần nắm được yêu cầu của người dân như thế nào và đã được đáp ứng đến đâu, cần phải làm gì tiếp theo, từ đó tìm ra lời giải chung”, Phó Thủ tướng nói.
Báo cáo với Phó Thủ tướng và đoàn công tác, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, bên cạnh những kết quả hết sức tích cực đó, công cuộc chuyển đổ số quốc gia nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng vẫn còn không ít bất cập và phải đối mặt nhiều khó khăn thách thức mới.
Lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế cần được sớm khắc phục như chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa cao, hiệu quả sử dụng còn hạn chế; tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến và hồ sơ xử lý trực tuyến còn thấp (theo số liệu trên Cổng dịch vụ công quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2022, việc xử lý hồ sơ trực tuyến mới đạt 11,4%).
“Người dân vẫn chưa được thụ hưởng nhiều tiện ích quan trọng do chuyển đổi số mang lại trong một số lĩnh vực thiết yếu, như y tế, giáo dục, bảo hiểm, ngân hàng, giao thông… Việc đối soát dữ liệu tiêm chủng, ký xác nhận Hộ chiếu vaccine còn chưa đầy đủ, chưa hoàn thành việc đối soát dữ liệu hộ tịch điện tử, an sinh xã hội với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...”, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng nói.
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên cũng nêu vấn đề, kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh chưa kết nối được với các hệ thống thông tin, Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành (như: Cơ sở dữ liệu hộ tịch, Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.…) dẫn đến cán bộ, công chức, viên chức phải nhập dữ liệu trên nhiều phần mềm… Hạ tầng mạng còn chưa ổn định, trang thiết bị (máy tính, máy in, máy Scan...) còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu công tác.… Công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng số vẫn chưa được chú trọng; nguồn lực triển khai Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số còn hạn chế.
Để thực hiện được các mục tiêu đề ra tại Đề án 06, đoàn công tác đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên, Tổ triển khai Đề án 06 cùng với Ban chỉ đạo chuyển đổi số của địa phương chỉ đạo, quán triệt các sở, ban, ngành, UBND các cấp khẩn trương, quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ tại các phiên họp triển khai Đề án 06.
Đồng thời, rà soát và chỉ đạo đầu tư các thành phần công nghệ thông tin thiết yếu (hạ tầng đường truyền, máy scan, phần mềm ứng dụng…) cần thiết theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính. Đặc biệt, cần nâng cấp, hoàn thiện phần mềm, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu số hóa, tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an thành viên đoàn công tác cho rằng, trong thời gian tới Thái Nguyên cần tập trung làm sạch các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đối soát với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để bảo đảm dữ liệu dân cư được “đúng, đủ, sạch, sống”; kết nối, chia sẻ dữ liệu để khắc phục tình trạng công chức, viên chức sử dụng nhiều phần mềm; nâng cấp, hoàn thiện phần mềm, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu số hóa, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hạn chế thông tin phải cung cấp đối với những thông tin, dữ liệu đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…
Qua các ý kiến tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả trong thực hiện Đề án 06, “có những bước đi ban đầu rất tốt”.
Nhấn mạnh tinh thần “tiến không lùi” trong thực hiện Đề án 06, Phó Thủ tướng cho biết, ở cấp Trung ương, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 đã ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn nhằm xoá bỏ tình trạng “cát cứ dữ liệu”, giúp Đảng, Nhà nước nằm được đầy đủ thông tin về người dân, doanh nghiệp, các nguồn lực phát triển… Mục đích cuối cùng là phục vụ người dân, hoạt động điều hành, quản lý của Nhà nước; tăng cường kết nối giữa người dân, doanh nghiệp với Nhà nước.
Quá trình thực hiện Đề án 06 phải gắn với giải quyết những bài toán đặt ra từ công tác quản lý của các sở, ngành, yêu cầu của người dân, tạo điều kiện thuận lợi để người dân sử dụng các dịch vụ mới./.