Có thẻ BHYT, gánh nặng chi phí khám chữa bệnh không còn là nỗi lo
VOV.VN - Theo BHXH Việt Nam, trung bình mỗi năm, quỹ BHYT chi trả tiền khám chữa bệnh BHYT lên tới hơn 100 nghìn tỷ đồng. Hàng nghìn bệnh nhân mỗi năm được chi trả từ hàng trăm triệu đến vài tỷ đồng tiền khám chữa bệnh BHYT. Khi có tấm thẻ BHYT, người bệnh không phải lo chi phí khám chữa bệnh, giảm áp lực kinh tế cho gia đình và bản thân người bệnh.
Anh Nguyễn Thành Tân, ở huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi chạy thận tại bệnh viện đa khoa Quảng Nam đã được 3 năm cho biết: Mỗi tháng anh phải chạy thận 2 tuần, mỗi tuần 3 buổi. Chi phí mỗi buổi điều trị lên tới 1,5 triệu đồng, trung bình mỗi tháng lên đến 15 triệu đồng. Gia đình thuộc diện nghèo, nếu không có thẻ BHYT, anh Nguyễn Thành Tân sẽ không biết xoay sở ra sao: “Tôi bị khuyết tật từ nhỏ, BHYT được hưởng 100%, đi khám chữa bệnh ở đâu cũng được hưởng 100%. Tôi đi ra đây chữa bệnh chỉ mất tiền xe đi lại, còn lại bảo hiểm lo cho mình hết”.
Tương tự, trường hợp bố của anh Nguyễn Văn Phúc và bà Lê Thị Tho ở huyện Núi Thành, Quảng Nam, nhờ có tấm thẻ BHYT, gia đình không phải lo chạy tiền thuốc thang, các bác sĩ chăm sóc tận tình, chu đáo:
“Tôi điều trị bệnh 6 năm, chạy thận 13 năm, từ 2010 tới nay, tổng cộng cũng 19 năm ở viện. Nếu tôi mà không có BHYT thì mỗi lần chạy thận mất gần 1 triệu đồng, nhờ nhà nước cho hưởng BHYT 100% nên tôi không tốn tiền”
“Cha tôi chạy thận 9 năm rồi, ông có BHYT người già, thêm hoàn cảnh gia đình khó khăn nên được hưởng 100% chi phí. Mỗi lần chạy thì rất tốn kém bởi mỗi tuần chạy 3 lần, mỗi lần gần 1 triệu đồng chi phí, rất may có tấm thẻ BHYT nên gia đình tôi bớt khó khăn rất nhiều”.
Có thể thấy, tấm thẻ BHYT đã giúp nhiều người vượt qua những khó khăn về kinh tế khi không may bị ốm đau, bệnh tật. Người tham gia BHYT được quỹ BHYT thanh toán số tiền khám, chữa bệnh không giới hạn theo phạm vi, mức hưởng, có thể lên tới hàng tỷ đồng/năm. Ông Nguyễn Đình Hùng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương tỉnh Quảng Nam cho biết, với quy mô 660 giường bệnh, bệnh viện được đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như trang thiết bị tế hiện đại. Người bệnh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và các tỉnh lân cận đều có thể đến khám chữa bệnh một cách thuận tiện. Người tham gia BHYT được hưởng mức cao từ 80% đến 100% tùy theo từng điều kiện. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp bệnh nặng, không có thẻ BHYT hoặc thẻ BHYT hết hạn chưa làm lại nên số tiền điều trị phải thanh toán là rất lớn.
“Hiện nay, Bệnh viện đang thực hiện theo các quy định hiện hành, tất cả các quyền lợi bệnh nhân được thanh toán đầy đủ về các mức hưởng do BHXH quy định. Đối với những bệnh nhân vào viện mà trái tuyến chỉ được hưởng 40% chi phí khám chữa bệnh thì cũng là những ảnh hưởng rất lớn cho người bệnh khi chi phí điều trị đối với một số bệnh rất lớn như phẫu thuật tim, đặt sten, phẫu thuật khớp háng, khớp gối, phẫu thuật cột sống, phẫu thuật mạch máu nhân tạo thì chi phí rất lớn” - Ông Nguyễn Đình Hùng cho biết thêm.
Là Bệnh viện tuyến trung ương đóng trên địa bàn huyện nên người dân địa phương có nhiều thuận lợi khi đi khám chữa bệnh. Tuy nhiên, do quy định đăng ký khám chữa bệnh ban đầu nên người dân còn gặp nhiều khó khăn khi muốn chuyển tuyến lên bệnh viện trung ương, ảnh hưởng tới quyền lợi của người bệnh: “Đa số người bệnh phải vào đường cấp cứu, nếu như bệnh không thuộc diện cấp cứu thì chỉ hưởng trái tuyến thì cũng ảnh hưởng tới quyền lợi của người bệnh. Chúng tôi cũng đề xuất là các bệnh viện tuyến huyện gần Bệnh viện trung ương Quảng Nam thì được chuyển trực tiếp về bệnh viện điều trị thì thuận lợi cho người bệnh rất nhiều, trong đó, bệnh viện nâng cao năng lực khám chữa bệnh, tăng cường chất lượng, triển khai nhiều kỹ thuật mức độ cao để người bệnh được hưởng lợi, không phải đi xa, tốn nhiều tiền bạc, công sức của người bệnh”.
Theo BHXH tỉnh Quảng Nam, từ nhiều năm nay, công tác khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ từ Trạm Y tế tuyến xã đến bệnh viện tuyến Trung ương để phục vụ người bệnh BHYT. Quảng Nam cũng tiếp tục triển khai khám chữa bệnh BHYT đối với các cơ sở y tế ngoài công lập có đủ điều kiện khám chữa bệnh BHYT theo quy định đã tạo thuận lợi cho người dân đi khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT.
Trong 7 tháng năm 2023, tỉnh Quảng Nam đã thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho hơn 2 triệu lượt người, trong đó khám chữa bệnh ngoại trú cho hơn 1,8 triệu lượt người; khám chữa bệnh nội trú hơn197 nghìn lượt người với tổng số tiền chi khám chữa bệnh BHYT là hơn 960 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thanh Danh, Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam cho biết: Mặc dù thời gian qua gặp nhiều khó khăn trong việc vận động người dân tham gia BHYT tự nguyện và BHYT hộ gia đình nhưng với nhiều cách tuyên truyền hiệu quả, hiện số người tham gia BHYT tại tỉnh Quảng Nam đạt gần 97%, trong đó, ngân sách tỉnh cũng hỗ trợ nhiều người dân thuộc đối tượng khó khăn, giúp người dân được chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Hiện nay, người tham gia BHYT tự nguyện chỉ phải nộp 804 ngàn đồng và mức tiền sẽ giảm dần nếu mua theo hộ gia đình, kể cả những người mua thẻ BHYT theo diện bắt buộc hay được phát thẻ BHYT miễn phí… đều được hưởng quyền lợi chi trả từ Quỹ BHYT như nhau và mức chi trả không giới hạn. Do đó, bệnh nhân có thêm cơ hội tiếp cận với dịch vụ y tế và yên tâm điều trị, nhất là với những bệnh nhân bị bệnh nan y, bệnh phải điều trị lâu dài.
“Thực tế có tình trạng một hộ gia đình mua một thẻ BHYT và mượn thẻ BHYT đi khám chữa bệnh. Chúng tôi cũng vận động và thuyết trình cho người dân hiểu được và đầu ra chúng tôi cũng giám sát kỹ khâu khám chữa bệnh và yêu cầu không được mượn thẻ. Đối với Quảng Nam, mức ảnh hưởng quyết định 861 dẫn đến nhiều người dân không được cấp thẻ BHYT miễn phí không lớn. Chúng tôi cũng đã phối hợp với huyện, xã, thông báo đến các hộ dân, tiếp tục vận động và động viên để họ đóng tiếp thì đến nay chúng tôi đã đạt tỷ lệ trên 96%, cơ bản đạt chỉ tiêu Chính phủ giao”.
BHYT mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, nhất là các gia đình có mức thu nhập thấp khi không may ốm đau, bệnh tật. BHYT còn mang ý nghĩa nhân đạo cộng đồng sâu sắc vì khi mọi người cùng nhau tham gia BHYT, người khỏe sẽ hỗ trợ cho những người chẳng may bị ốm đau, bệnh tật. Qua đó, góp phần quan trọng thực hiện công bằng xã hội trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.