Cõi thiêng Thành cổ Quảng Trị một sáng sớm mai
VOV.VN - Thành cổ Quảng Trị - thị xã Quảng Trị trong 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa (từ 28/6- 16/9) năm 1972 được ví như một túi bom. Hàng ngàn liệt sĩ đã nằm lại nơi này.
Sau 50 năm, những dấu tích cuộc chiến không còn nhiều nhưng khúc tráng ca của 81 ngày đêm lịch sử mãi mãi khắc sâu những chiến công bất tử của quân và dân ta. Thành cổ Quảng Trị trở thành nơi hội tụ khí thiêng của đất trời và lòng người. Người dân nơi đây đang nỗ lực xây dựng thị xã Quảng Trị trở thành biểu tượng của khát vọng hòa bình, một đô thị xanh bên dòng sông đỏ.
Từ sáng sớm, tại thành cổ Quảng Trị đã thấy dòng người từ mọi miền đất nước tìm về tri ân các Anh hùng Liệt sỹ. Người hành hương đến Thành Cổ chân bước nhẹ nhàng, nói lời khe khẽ, bởi ai cũng thấu hiểu rằng, dưới lớp cỏ xanh còn bao chiến sĩ nằm lại trở thành một phần trầm tích sâu dày, mạch nguồn cho cỏ non thành cổ mãi xanh. Cơn mưa mùa hạ hiếm hoi, bất ngờ đổ xuống làm dịu không khí khô nóng của miền gió Lào Quảng Trị.
“Đài tưởng niệm trung tâm” ở Thành cổ Quảng Trị là biểu tượng của nấm mồ chung. Nấm mồ tập thể với cây đèn màu đỏ cao 8,1m tượng trưng cho 81 ngày đêm, được ví như “Đèn thiên mệnh”, nhẹ đưa linh hồn liệt sĩ từ cõi âm về cõi vĩnh hằng. Tháng 7 tri ân, Đài tưởng niệm nghi ngút khói hương và đầy hoa tươi của người đến viếng. Mùi hương trầm và hoa tươi hòa quyện thơm ngát giữa không gian linh thiêng Thành Cổ ban mai tinh khiết.
Một chiếc mũ tai bèo, một đôi dép cao su, một bi đông nước, một khẩu súng AK và một chiếc ba lô được trưng bày ở gian giữa Đài tưởng niệm. Đó là hành trang giản dị và thân thương của các anh đã làm nên chiến thắng lịch sử 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972. Hình ảnh này gây xúc động biết bao người.
Nhiều người đã bật khóc khi nghe giọng nữ thuyết minh viên của Ban Quản lý di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị kể lại những câu chuyện bi tráng trong 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị cách đây 50 năm.
Bà Nguyễn Thị Hằng quê ở thành phố Hải Phòng khóc thút thít, lặng lẽ lấy vạt áo lau nước mắt nói trong nghẹn ngào: “Sự anh dũng của các liệt sĩ không thể tưởng tượng được. Cũng lần đầu tiên đến đây thắp nén hương tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sĩ như một lời cảm tạ đến các Anh hùng Liệt sĩ đã anh dũng hy sinh cho đất nước có ngày hôm nay”.
Sự kiện chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị đã đi vào lịch sử đúng nửa thế kỷ. Bây giờ, những cựu chiến binh trở lại chiến trường xưa, thắp nén hương thơm, thả nhành hoa tươi xuống dòng Thạch Hãn, cùng hát vang bài ca tặng đồng đội.
Chiến tranh kết thúc, cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi nhiểu lần trở về Quảng Trị lặng lẽ thả những nhành hoa tươi xuống dòng sông Thạch Hãn, nhớ thương đồng đội. Năm 1972, Tiểu đoàn của ông được lệnh vượt sông Thạch Hãn sang chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị. Ông cùng đồng đội vào chiến trường lúc còn quá trẻ, chỉ mười tám, đôi mươi. Vừa rời ghế nhà trường, xếp bút nghiên, có người chưa kịp hôn lên mái tóc người con gái, vào trận đầu chiến đấu đã anh dũng hy sinh. Cựu chiến sĩ thành cổ Nguyễn Văn Hợi kể, ngày đó, ban đêm pháo sáng hơn cả trăng rằm. Lúc đó, trời mưa liên tục, hầm hào ngập nước, sụt lở. Có những ngày, cả Tiểu đoàn phải nhịn đói vì lương thực, thực phẩm bị gián đoạn. Thế nhưng, không một ai rời vị trí chiến đấu.
Ông Nguyễn Văn Hợi nhớ lại, căng thẳng nhất là gần trưa ngày 13/8/1972, không quân Mỹ dùng bom dù, bom tấn với sức công phá lớn đánh phá thành cổ. Hàng trăm tấn bê tông đổ sụp xuống, vùi lấp hầm chỉ huy của Tiểu đoàn. Chính trị viên phó Tiểu đoàn Lê Binh Chủng cùng nhiều cán bộ, chiến sĩ thông tin, trinh sát, vận tải đang làm nhiệm vụ trong hầm đã hy sinh trong giờ phút này.
Ông Nguyễn Văn Hợi kể lại: “Ác liệt nhất là cuối tháng 7, lúc đó trời mưa lớn, nước sông Thạch Hãn tràn vào thị xã. Cuộc sống chiến đấu chủ yếu dưới hầm hào. Anh em phải dùng dây dù buộc vào gấu áo treo lên nóc hầm để khỏi phải ngủ gật. Lúc đó còn trẻ măng, chưa biết cuộc đời là gì đâu. Họ chỉ mới rời bàn tay ôm ấp của mẹ, của chị. Cho nên giây phút cuối cùng trước lúc hy sinh, họ chỉ kêu mẹ ơi, chị ơi thôi."
Dấu tích của sự hủy diệt trong 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972 ở Thành cố Quảng Trị còn lại không nhiều. Có chăng chỉ còn mấy dấu vết bom đạn ở ngôi trường Bồ Đề nằm trên đường Trần Hưng Đạo do Hội Phật giáo Quảng Trị xây dựng năm 1959. Năm 1972, Trường Bồ Đề trở thành một trong những chốt chiến đấu quan trọng của quân ta, đánh trả hàng trăm đợt phản kích của địch. 50 năm nay, chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị bảo tồn nguyên trạng ngôi trường chi chít dấu vết bom đạn, làm bằng chứng tố cáo tội ác chiến tranh.
Thành cổ Quảng Trị hôm nay đã hồi sinh, trở thành nơi hội tụ khí thiêng của đất trời và lòng người, trở thành biểu tượng, một địa chỉ tâm linh trong hành trình trở về chiến trường xưa và là điểm tham quan du lịch nổi tiếng. Nhiều năm nay, cứ vào ngày Rằm, Ba Mươi, Mồng Một, dòng sông Thạch Hãn, Thành Cổ Quảng Trị lung linh nến và ngan ngát hoa thơm dâng lên các Anh hùng liệt sĩ. Thời gian gần đây, ý tưởng xây dựng mảnh đất này trở thành biểu tượng hòa bình, tổ chức một lễ hội với thông điệp Hòa bình được nhiều người đồng thuận. Ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị khẳng định, lễ hội vì hòa bình hướng đến tôn vinh các giá trị của hòa bình, lan tỏa thông điệp về hòa bình của nhân dân Việt Nam và các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
Ông Hoàng Nam nhấn mạnh: “Quảng Trị là tên gọi lay động lương tri nhân loại yêu chuộng hòa bình, mảnh đất sâu nặng tình đồng chí, đồng bào khắp mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế. Là vùng đất từng chứng kiến quá nhiều sự khốc liệt của chiến tranh, cho nên hòa bình lúc nào cũng là khát vọng cháy bỏng, là mong muốn chung của nhân dân Quảng Trị cũng như toàn thế nhân dân Việt Nam./.”