“Con không đạt điểm kỳ vọng, mẹ không nói chuyện 3 ngày”
VOV.VN - “Trong một đợt thi học sinh giỏi, con không đạt điểm như kỳ vọng, mẹ đã không nói chuyện với con 3 ngày. Làm thế nào để mẹ hiểu con?”
Câu hỏi được một bạn học sinh tiểu học tại Hà Nội đặt ra trong buổi đối thoại “Tiếng nói trẻ em và các bên liên quan trong thúc đẩy quyền trẻ em và chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất, tinh thần trẻ em” do Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 10/11.
Tại buổi đối thoại, nhiều em chia sẻ ý kiến khi mình thường xuyên bị mẹ la mắng và đã nhờ bố trợ giúp, tuy nhiên người bố lại không quan tâm hay khi không tham gia các hoạt động ở trường, học sinh có thể bị thầy/cô tổng giám thị la mắng, đe dọa hạ hạnh kiểm và yêu cầu gặp mặt phụ huynh…
Theo báo cáo Khảo sát tiếng nói Trẻ em Việt Nam 2020 do MSD và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em thực hiện, với sự tham gia của gần 1.700 trẻ em ở cả 3 miền Bắc, Trung Nam, hơn 80% trẻ em đã từng trực tiếp chứng kiến các bạn, anh, chị, em của mình bị người lớn trừng phạt khi mắc lỗi. Trong đó, cứ 4 trẻ thì có 3 trẻ nói đã chứng kiến điều này xảy ra tại gia đình của mình;
Cũng theo báo cáo, cứ 5 trẻ em có 1 em chứng kiến trẻ khác bị người lớn trừng phạt ở địa điểm công cộng và cũng như tại trường học; Có 3 vấn đề trẻ em Việt Nam muốn Việt Nam hành động nhiều hơn để giải quyết và cải thiện xâm hại trẻ em, bắt nạt qua mạng, trừng phạt thể chất và tinh thần đối với trẻ em.
Ngoài ra, đại dịch Covid-19 đã khiến thực trạng này trở nên phức tạp và gia tăng mức độ nghiêm trọng đối với các vấn đề liên quan đến trẻ em, đặc biệt là khi chính phủ buộc phải thực hiện các biện pháp để ngăn ngừa và kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.
Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD chia sẻ: “Cha mẹ có thể nghĩ rằng con mắc lỗi và cần trừng phạt bằng la mắng và đòn roi để con không tái phạm, nhưng chúng ta chuyển đến thông điệp gì cho trẻ nhỏ. Bạo lực về thể chất, tinh thần ấy chỉ làm tổn thương đến trẻ nhỏ, để con trẻ nghĩ rằng chúng ta muốn làm đau trẻ, muốn trừng phạt trẻ để cha mẹ cảm thấy dễ chịu hơn mà khó có thể thấy sự giáo dục và tình yêu thương trong đấy”.
“Trong quá làm việc cùng với trẻ em, chúng tôi luôn day dứt bởi câu hỏi tại sao bố mẹ lại đánh mắng con mà bố mẹ vẫn nói là yêu thương con. Tại sao yêu thương lại đau như vậy?”, bà Linh nhấn mạnh.
Đường dây Bảo vệ trẻ em 111 hầu như không ai gọi
Thông tin tại buổi đối thoại cũng cho thấy khi gặp tình huống bị xâm hại hay không thoải mái, nhất là với hành vi xâm phạm trên môi trường mạng, trẻ có xu hướng tự giải quyết mà không tìm kiếm sự trợ giúp khác.
Đáng chú ý, đa số các em đều không đề cập đến việc tìm kiếm sự hỗ trợ của cán bộ bảo vệ trẻ em tại địa phương hay Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111.
Theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, năm 2020 là năm bản lề, đánh dấu sự kết thúc của hàng loạt chương trình, chiến lược quốc gia, trong đó có các chương trình liên quan đến sự tham gia và bảo vệ trẻ em.
Dự thảo chương trình Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em và Dự thảo chương trình Bảo vệ trẻ em giai đoạn 2021-2025 là hai chương trình có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự phối hợp giữa các bên liên quan trong công tác quản trị quyền trẻ em./.