Còn nhiều “lỗ hổng” trong công tác bảo vệ trẻ em

Việt Nam đã có Luật Phòng, chống bạo lực gia đình nhưng thực hiện chưa nghiêm túc.

Thời gian gần đây, tình trạng trẻ em bị bạo hành dã man ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ. Dư luận xã hội phẫn nộ, lên án, bởi thủ phạm của nững vụ bạo hành đó lại chính là cha mẹ, người thân của các em. PV VOV phỏng vấn ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) về vấn đề này.

PV: Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trẻ em bị bạo hành ngày càng nhiều?

Ông Nguyễn Trọng An: Theo tôi, có 4 nguyên nhân chính. Thứ nhất là do mặt trái của việc kinh tế phát triển quá nhanh nên nảy sinh tiêu cực xã hội, như: cha mẹ bị cuốn vào tệ nạn xã hội, nghiện hút, cờ bạc, rượu chè; cha mẹ mâu thuẫn hoặc ly hôn, lối sống ích kỷ, thiếu trách nhiệm với con cái.

Bé Nguyễn Thục Phi ở Quảng Ngãi bị cha mẹ nuôi bạo hành suốt thời gian dài

Thậm chí, nhiều người còn coi đánh con cái là quyền của cha mẹ. Sự phân hoá giàu nghèo ngày càng lớn. Gia đình nghèo, kinh tế khó khăn cũng là nguy cơ dẫn tới bạo hành trẻ con.

Thứ hai là cấu trúc gia đình hiện nay đang lỏng lẻo, thậm chí là bị phá vỡ. Nhiều giá trị đạo đức trong gia đình, những giá trị sống trong xã hội đang bị đảo lộn.

Ông Nguyễn Trọng An

Thứ ba là những lỗ hổng trong chính sách pháp luật về bảo vệ quyền trẻ em, thiếu những điều khoản cụ thể trong việc xử lý vi phạm. Đặc biệt chưa có quy định cụ thể về bảo vệ trẻ em là nạn nhân, nhân chứng để tránh bị trả thù, chưa có quy định đặc biệt trong trường hợp nhận tố giác từ trẻ em. Đã có Luật Phòng, chống bạo lực gia đình nhưng thực hiện chưa nghiêm túc.

Thứ tư, hệ thống bảo vệ trẻ em từ Trung ương đến địa phương vừa thiếu, vừa yếu. Tiếng nói và cách xử lý của chính quyền với các vụ cha, mẹ bạo hành con cái còn nương nhẹ, thiếu trách nhiệm. Cùng với thái độ thờ ơ, vô cảm của cộng đồng đã dẫn tới tình trạng trẻ em bị bạo hành ngày càng nhiều.

PV: Hậu quả mà đứa trẻ bị bạo hành sẽ phải gánh chịu là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Trọng An: Theo nghiên cứu ở một số nước thì có tới 60% trẻ bị bạo hành sẽ có vấn đề về sức khỏe tinh thần, nhẹ thì bị rối nhiễu tâm trí. Nguyên nhân chính là do bạo lực gia đình và các cách giáo dục con cái sai trái.

PV: Theo ông đâu là giải pháp để ngăn chặn tình trạng đáng báo động trên?

Ông Nguyễn Trọng An: Theo tôi, cần có những giải pháp đồng bộ sau: Trước hết, cần rà soát lại các văn bản pháp luật về Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em để bổ sung phù hợp với Công ước Quốc tế về quyền trẻ em, tránh kẽ hở. Thứ hai là tăng cường thanh tra, kiểm tra phát hiện những vi phạm.

Tiếp đến là nâng cao nhận thức gia đình, nhà trường, lãnh đạo chính quyền địa phương về vấn đề bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đối với công tác bảo vệ trẻ em thì công tác phòng ngừa, can thiệp sớm là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, để giải quyết gốc rễ sâu xa cần giảm chênh lệch giàu nghèo; chú trọng giảm nghèo, hỗ trợ kinh tế gia đình...

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên