Công bố đánh giá tác động kinh tế - xã hội của di dân
Di dân quốc tế và kiều hối có tác dụng tích cực tới thu nhập và mức sống, cải thiện sự bình đẳng thu nhập tại Việt Nam.
Ngày 26/3, tại Hà Nội, các chuyên gia thuộc Trung tâm châu Á - Thái Bình Dương tổ chức Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu đánh giá "Tác động kinh tế - xã hội của di dân", với sự tham gia của các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế.
Di dân quốc tế tại Việt Nam tăng lên đáng kể, từ sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Khoảng 5% các gia đình trên toàn quốc có người di cư. Người Việt Nam di cư tới khoảng 30% quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới, chủ yếu trong độ tuổi từ 17 - 45. Đặc biệt, ngày càng có nhiều phụ nữ Việt Nam di cư quốc tế.
Di dân quốc tế và kiều hối có tác dụng tích cực tới thu nhập và mức sống, cải thiện sự bình đẳng thu nhập tại Việt Nam. Phụ nữ di cư, đặc biệt những người di cư từ thành thị, có xu hướng gửi tiền về liên tục hơn nam giới. Tất cả những người di cư cùng vợ hoặc chồng, nhưng để con lại Việt Nam, đều gửi tiền về nước với giá trị trung bình gần gấp đôi những người di cư độc thân.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đề xuất một số chính sách cải thiện để tối ưu hóa các tác động phát triển của di dân quốc tế tại Việt Nam, bởi các chính sách hiện nay của Việt Nam chưa khai thác hiệu quả nguồn lực để phát triển do di dân quốc tế đem lại.
Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ với các quốc gia tiếp nhận di cư, giảm chi phí chuyển tiền qua ngân hàng và các tổ chức tài chính chính thức… Chính phủ Việt Nam cần có chính sách khuyến khích thu hút chuyên gia, lao động có kỹ năng, sinh viên và học viên quay về nước, nhằm tối đa hóa các tác động phát triển của di dân quốc tế tại Việt Nam./.