Công bố “Điều tra Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam”

Số liệu của cuộc điều tra này sẽ là đầu vào quan trọng cho các hoạt động nghiên cứu và vận động chính sách cho người cao tuổi Việt Nam.

Ngày 4/5 tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp cùng Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Viện nghiên cứu Y – Xã hội học và Công ty Nghiên cứu và Tư vấn Đông Dương tổ chức hội thảo công bố kết quả “Điều tra Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam” (VNAS). VNAS là cuộc điều tra về người cao tuổi ở cấp quốc gia đầu tiên tại Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch thường trực Hội Người cao tuổi cho biết: Dân số thế giới đang già hóa nhanh ở hầu hết các nước, nhờ những tiến bộ về chăm sóc và giáo dục sức khoẻ cũng như cải thiện đời sống kinh  tế - xã hội. Mặc dù mới chỉ là nước có mức thu nhập trung bình thấp, song dân số Việt Nam sẽ bắt đầu già và già nhanh trong thời gian tới.

Các đại biểu tham dự buổi công bố

Người cao tuổi được gia đình và xã hội tôn trọng và có đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, các thống kê và nghiên cứu gần đây cho thấy, người cao tuổi vẫn thuộc nhóm dân số dễ bị tổn thương và nghèo nhất. Vì vậy, xây dựng một hệ thống số liệu, dữ liệu có tính đại diện quốc gia hết sức quan trọng đối với việc nghiên cứu sâu tình hình đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe của người cao tuổi, để từ đó đề xuất và thực hiện các chính sách thích hợp với quá trình già hóa dân số và cải thiện cuộc sống cho người cao tuổi.

Theo TS. Giang Thanh Long, Phó Viện trưởng, Viện Chính sách Công và Quản lý, Đại học Kinh tế Quốc dân, Trưởng nhóm điều tra, số liệu được thu thập từ tháng 10 - 12/2011 tại 12 tỉnh/thành phố đại điện cho 6 vùng sinh thái của Việt Nam (bao gồm Thái Nguyên, Hưng Yên, Thanh Hóa, Hà Nội, Nam Định, Huế, Đắk Lắk, Đồng Nai, Sóc Trăng, Tiền Giang và TP Hồ Chí Minh).

Hơn 4.000 người cao tuổi, đại diện cho nhóm dân số cận cao tuổi và cao tuổi (từ 50 tuổi trở lên) đã được phỏng vấn trong cuộc điều tra này. Số liệu điều tra mô tả các đặc điểm kinh tế, xã hội, tình hình sức khỏe, xu hướng bệnh tật, đời sống vật chất, tinh thần, nhu cầu chăm sóc và được chăm sóc cũng như việc tiếp cận với các chế độ an sinh xã hội và  dịch vụ y tế của người cao tuổi Việt Nam.

TS. Giang Thanh Long cho biết, khảo sát cho thấy hiện tượng nữ hóa dân số người cao tuổi ở nước ta đang diễn ra mạnh mẽ; xu hướng người già ít sống với con cháu trở nên phổ biến, do đó đây là thách thức đối với công tác chăm sóc người cao tuổi hiện nay. Bên cạnh đó, vẫn còn 7% người cao tuổi được khảo sát vẫn sống trong nhà tạm, 58,9% người cao tuổi đang phải làm việc để kiếm sống với thu nhập bấp bênh, chủ yếu ở nông thôn.

63% người cao tuổi được hỏi cho rằng, cuộc sống còn thiếu thốn và chưa đến 2% nói rằng cuộc sống rất đầy đủ. Khoảng 14% người cao tuổi đang sống trong hộ nghèo. 

Cũng theo nghiên cứu, có tới trên 50% số người cao tuổi được phỏng vấn cho rằng tình trạng sức khỏe hiện tại là yếu hoặc rất yếu, gần 50% trong số họ không đủ tiền để chi trả cho các dịch vụ y tế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên