Công điện tiếp tục sơ tán dân ra khỏi các vùng nguy hiểm
VOV.VN - Ủy ban Quốc gia TKCN có công điện yêu cầu tăng cường cập nhật tình hình mưa lũ và xả lũ, tăng cường phương tiện hỗ trợ vùng bị thiệt hại
Chiều 6/11, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn có công điện gửi Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; Ban chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Công an; Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận; Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Tây Nguyên. Công điện nêu rõ:
Bão số 12 đã gây thiệt hại lớn đối với các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Sau bão do ảnh hưởng của không khí lạnh, những ngày qua tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận và Tây Nguyên liên tiếp có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa đo được tại một số trạm ở Thừa Thiên Huế đến Phú Yên và Gia Lai từ 500 - 600mm, các tỉnh Quảng Nam, Bình Định trên 700mm. Theo dự báo, mưa lớn còn tiếp tục trong những ngày tới, lũ trên các sông lên nhanh, nguy cơ cao xảy ra lũ lớn và đặc biệt lớn ở mức báo động 2, 3 và trên báo động 3, nhất là từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, gây lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi, ngập lụt sâu, trên diện rộng, chia cắt cục bộ tại các vùng thấp trũng, ven sông suối.
Tăng cường hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại bão số 12. |
Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn yêu cầu Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn các địa phương:
1. Tăng cường cập nhật nắm chắc tình hình mưa lũ và xả lũ các hồ chứa; tuyệt đối không chủ quan, duy trì nghiêm túc chế độ ứng trực; tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc Công điện số 1659 ngày 01/11 và 1680 ngày 05/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Chủ động phối hợp với các đơn vị Quân đội, Công an sẵn sàng phương án ứng phó khi xảy ra sự cố hồ đập, đê kè và tìm kiếm cứu nạn, không để bị động, bất ngờ. Tiếp tục sơ tán dân ra khỏi các vùng ngập sâu, vùng ảnh hưởng của xả lũ các hồ chứa, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn; vận chuyển cung cấp nước sạch, lương thực, chăn màn và hàng hóa thiết yếu cho nhân dân bị ngập lụt, cô lập, không để người dân bị thiếu nước uống, đói, rét. Chú ý bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện trong thực hiện nhiệm vụ.
2. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi phối hợp, hiệp đồng với các đơn vị Quân đội, Công an trên địa bàn tăng cường lực lượng, phương tiện hỗ trợ các vùng bị thiệt hại do bão số 12 và mưa lũ khắc phục hậu quả, tham gia tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, giúp nhân dân dựng lại nhà cửa, sửa chữa trường học, cơ sở y tế, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, ổn định đời sống, khôi phục sản xuất.
3. Khi có tình huống, chủ động đề xuất, phối hợp với các đơn vị Công binh để huy động lực lượng, phương tiện, trang bị chuyên dùng, xe lội nước, xuồng, ca nô, cầu phao tham gia giải tỏa giao thông, vận chuyển nhân dân các khu vực bị ngập lụt chia cắt, cô lập và ứng cứu sự cố hồ đập, đê kè, sập đổ công trình.
4. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định chỉ đạo Cảng vụ Quy Nhơn tiếp tục phối hợp với lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải và Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu miền Trung tổ chức tìm kiếm cứu nạn các thuyền viên bị mất tích do chìm tàu Vận tải trên vùng biển Quy Nhơn/Bình Định và sẵn sàng phương án ứng phó sự cố tràn dầu, không để ảnh hưởng đến môi trường theo sự chỉ đạo của Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn các địa phương tổ chức triển khai thực hiện và báo cáo kết quả về Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn./. Người dân Đà Nẵng, Quảng Nam vật lộn trong ngập lụt sâu hàng mét