Công nghiệp văn hóa: Loay hoay tìm lối

Xây dựng các ngành công nghiệp văn hóa là một trong những chiến lược phát triển văn hóa mũi nhọn của các nước phát triển. Thế nhưng, ở Việt Nam, ngành công nghiệp này mới chỉ đang ở những bước chập chững ban đầu.

Mới mẻ từ khái niệm

Mặc dù ngành công nghiệp văn hoá đã hình thành ở các nước lâu rồi, nhưng ở Việt Nam đây vẫn là một vấn đề lạ lẫm. Tiến sĩ Trương Quốc Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học-Công nghệ và Môi trường cho biết, vào những thập kỷ cuối của thế kỷ 20, khái niệm công nghiệp văn hoá đã xuất hiện. Đặc biệt là trong Hội nghị Thượng đỉnh về hoạt động văn hoá tổ chức tại Stockholm (Thuỵ Điển), tháng 4/1998, khái niệm về Công nghiệp văn hoá đã được các nhà văn hoá của gần 200 quốc gia và những chuyên gia Khoa học công nghệ thông qua.

Tiến sĩ Phạm Việt Long - Tổng biên tập Tạp chí Văn hiến cho rằng: "Nói đến công nghiệp văn hoá thì người ta sợ rằng nó trở thành kỹ nghệ, công nghệ đơn thuần. Nhưng thực sự thì nó không phải vậy. Điều cốt lõi của công nghiệp văn hoá là hình thành một hệ thống giúp cho sự sáng tạo và những người chuyển tải sự sáng tạo đó đến với công chúng mang tính chuyên nghiệp, chứ không manh mún như hiện nay".

Còn theo PGS.TS Lương Hồng Quang - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa - Nghệ thuật, công nghiệp văn hóa là “các ngành công nghiệp sử dụng các sáng tạo cá nhân”.

Theo quan điểm hiện đại, công nghiệp văn hóa được xác định bao gồm các lĩnh vực chủ chốt: truyền thông, thiết kế, thời trang, sản phẩm tương tác, nghệ thuật biểu diễn, xuất bản, phim ảnh, nghệ thuật thị giác. Tất cả đều nhấn mạnh hai yếu tố “công nghiệp” và “sáng tạo”.

Công nghiệp văn hóa phải gắn liền với công nghiệp bản quyền

Phát triển công nghiệp đem lại một cách tiếp cận mới về các vấn đề phát triển văn hóa- nghệ thuật, dựa trên các tiềm năng trí tuệ, khoa học công nghệ để phát triển văn hóa- nghệ thuật có giá trị gia tăng lớn. Bằng cách này, cách tiếp cận tiềm năng văn hóa nghệ thuật không những được lưu giữ và phổ biến rộng hơn trong đời sống xã hội mà còn được lưu giữ, phổ biến rộng lớn hơn trong đời sống xã hội, mà còn mang lại những giá trị kinh tế lớn.

"Khi chúng ta nói đến Công nghiệp văn hoá, có nghĩa là công nghiệp này phải mang đến giá trị cho đông đảo quần chúng và nó sau khi sáng tạo ra và truyền bá để cho quần chúng nhân dân hưởng thụ trên phương diện rộng"- Ông Vũ Ngọc Hoan- Phó Cục trưởng Cục bản quyền tác giả phân tích.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Danh Ngà - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Tài chính (Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch), muốn xây dựng công nghiệp văn hóa trước hết phải đổi mới quan niệm về lĩnh vực mới mẻ này: “Phải thay đổi tư tưởng coi sự nghiệp văn hóa là ngành nghề phi sản xuất, không thể đem lại của cải cho xã hội. Tiếp theo là phải nhìn đúng các vấn đề xuất hiện trong thị trường văn hóa. Pháp luật, cơ chế, thể chế và ý thức quần chúng đang vào thời kỳ biến đổi nhanh chóng. Trong thị trường văn hóa khó tránh khỏi xuất hiện các vấn đề phức tạp nhưng không vì thế mà phủ định thị trường văn hóa”.

>> Thứ trưởng Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch Lê Tiến Thọ:

"Đối với Việt Nam, trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, vấn đề về ngành công nghiệp văn hoá còn rất mới mẻ: từ nhận thức, hệ thống cơ chế chính sách cho đến các vấn đề cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, xây dưng các doanh nghiệp, chuẩn bị nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế… Hơn nữa trong quá trình chuyển đổi cơ chế kinh tế, chúng ta cũng đang phải giải quyết nhiều vấn đề cho khối doanh nghiệp để thích ứng với cơ chế thị trường. Đây là những vấn đề đòi hỏi phải có những nghiên cứu thực trạng, đề xuất chính sách, triển khai những dự án thí điểm, nhằm đưa những quan niệm mới, những cách tiếp cận mới vào thực tiễn đời sống văn hoá- nghệ thuật"./.

Để phát triển mạnh công nghiệp văn hoá, cần phải nhận thức đúng đắn và thực thi nghiêm túc các vấn đề về bản quyền tác giả. Đó cũng là vấn đề ông Vũ Ngọc Hoan - Phó Cục trưởng Cục bản quyền tác giả quan tâm: "Thực ra trên thế giới, công nghiệp văn hoá người ta cũng dùng với khái niệm tương tự công nghiệp bản quyền. Tức là người ta sáng tạo thì liên quan đến bản quyền và khi ngành công nghiệp này muốn phát triển được thì phải đảm bảo quyền lợi cho cả 3 đối tượng từ người chủ sở hữu quyền tác giả, đến người sử dụng và công chúng sử dụng, làm sao đảm bảo hài hoà 3 lợi ích đó thì công nghiệp văn hoá mới phát triển".

Công nghiệp văn hóa là một ngành công nghiệp, vì thế nó cần một hệ thống chính sách phù hợp. Hơn thế nữa, theo Tiến sĩ Lương Hồng Quang "để có một nền công nghiệp văn hoá thì chúng ta phải hội đủ 3 yếu tố: thứ nhất là có một chiến lược phát triển, thứ hai là chúng ta phải có một đội ngũ doanh nhân đầy đủ và thứ ba là chúng ta phải có khối nghệ sĩ có sự sáng tạo lớn để kết hợp cùng với khối san xuất để tạo ra các sản phẩm trên thị trường".

Cũng theo Tiến sĩ Lương Hồng Quang, nói đến công nghiệp văn hoá là nói đến một qui trình sản xuất, nó không chỉ là ý tưởng văn hoá nghệ thuật mà từ ý tưởng, phải dựa trên qui trình để tạo ra các sản phẩm nghệ thuật, các sản phẩm văn hoá. Ví dụ Festival chẳng hạn, đó là một công nghệ tổ chức sự kiện văn hoá. "Sự phát triển của công nghiệp văn hoá không có nghĩa là phá hỏng nền văn hoá dân tộc. Nếu chúng ta có một chính sách tốt thì chúng ta sẽ tăng cường được phổ biến các giá trị văn hoá trong đời sống xã hội bằng một cách làm mới, một cách tiếp cận mới" - Tiến sĩ Lương Hồng Quang nhấn mạnh./.

>> Ngành công nghiệp văn hoá ở Anh đã tạo ra thu nhập hơn 112 tỷ bảng Anh và thuê hơn 1,3 triệu người làm việc, chiếm 5% nguồn lực lao động có việc làm, chiếm 5% GDP. Công nghiệp sáng tạo ở Anh đã đóng góp vào việc tiêu thụ khoảng 20% băng, đĩa toàn cầu và ngành công nghiệp này có thị phần từ 10 - 15% của thế giới. Trị giá của xuất khẩu âm nhạc của nước Anh đạt 1,3 tỷ bảng Anh (gấp đôi giá trị nhập khẩu). Riêng ngành tổ chức sự kiện, tại Festival quốc tế Edinburgh năm 2008 đã tạo ra giá trị 138 triệu bảng và 3.000 việc làm, trong khi đó, tài trợ của nhà nước và các khu vực khác chỉ gần 10 triệu bảng.

Ở Canada, công nghiệp văn hóa đóng góp 46 tỉ USD vào tổng sản phẩm quốc nội và thu hút 600.000 lao động chỉ riêng năm 2007. Ở Nhật Bản, chỉ riêng tổng doanh thu từ việc xào đi nấu lại bộ truyện tranh Đôrêmon - bản quyền truyền hình, xuất bản truyện tranh, làm quà lưu niệm... - đã lên đến 2 tỉ USD.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên