Công nhân “chạy luật”, muốn nghỉ việc sớm để rút BHXH một lần
VOV.VN - Ngày 10/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM phối hợp Liên đoàn Lao động TP tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến đối với dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) (BHXH) và Luật Công đoàn (sửa đổi).
Nhiều đại biểu trăn trở trước thực trạng nhiều người lao động lo lắng khi Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội được thông qua sẽ ảnh hưởng quyền lợi, nên đã chủ động xin nghỉ việc sớm để rút BHXH một lần.
Chờ hưởng lương hưu quá dài
Theo bà Phạm Thị Hồng Yến, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Intel Việt Nam (thành phố Thủ Đức), nếu người lao động tham gia lao động từ năm 18 tuổi, làm việc đến tuổi nghỉ hưu thì thời gian đóng BHXH của họ là hơn 40 năm, rất dài để được hưởng lương hưu.
Do vậy bà Yến đề xuất, nếu người lao động đã đóng đủ số năm (30 năm với nữ, 35 năm với nam) để hưởng mức lương hưu tối đa (75%) và lựa chọn nghỉ trước tuổi hưu, thì nên xem xét cho họ hưởng lương hưu ở mức hưởng tối đa ngay khi nghỉ, không cần phải chờ đợi thêm. Như vậy sẽ khuyến khích người lao động trung thành với quỹ.
Bà Phạm Thị Hồng Yến cho rằng, “bài toán” giữ chân người lao động ở lại với quỹ BHXH để họ có thể nhận lương hưu, nhằm đảo bảo an sinh xã hội về già, vẫn loay hoay chưa có lời giải.
“Thế hệ trẻ gần đây rất nhiều người tham gia lao động ở độ tuổi 18, nếu như họ cảm thấy khi làm việc liên tục 30 năm mà vẫn phải chờ đợi lâu mới được nhận lương hưu thì họ sẽ ngấp nghé để rút BHXH một lần”, bà Yến nêu ý kiến.
Đồng tình với quan điểm đó, ông Kim Vĩnh Cường - Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH PouYuen cho rằng, hiện nay công nhân ở độ tuổi lao động trên 50 tuổi rất ít, nếu có thì họ cũng không đủ sức khỏe để tiếp tục công việc kéo dài. Sau độ tuổi này, người lao động chuyển đi làm việc khác hay về quê sinh sống. Do vậy, họ có nhu cầu muốn rút BHXH một lần.
Ông Cường cho hay, qua khảo sát, công nhân phần lớn là từ các tỉnh thành lên thành phố làm việc, đa số đều coi BHXH là một số vốn tích lũy để dành, đến một lúc nào đó cần rút ra chuẩn bị cho dự định khác, về quê hoặc có kế hoạch làm ăn nhỏ….
Do vậy, đối với chế độ hưởng trợ cấp BHXH 1 lần, người lao động muốn chọn phương án 1. Có nghĩa là người lao động tham gia BHXH trước khi Luật BHXH mới có hiệu lực (tháng 7/2025), sau khi mất việc không tìm được việc mới hoặc không tiếp tục tham gia thị trường lao động thì được lựa chọn hưởng chế độ BHXH 1 lần.
“Đau một lần rồi thôi”
Còn ông Phạm Quốc Tiến - Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty Nệm Liên Á chia sẻ, tại đơn vị, khi dự thảo Luật BHXH được đưa ra lấy ý kiến thì nhiều người lao động tìm đến công đoàn nhờ tư vấn để được rút BHXH 1 lần. Công đoàn cơ sở cũng đã giải thích những bất lợi, phân tích, vận động nhưng người lao động không mặn mòi về Luật BHXH sửa đổi, họ vẫn lựa chọn được rút 1 lần.
“Với những người lao động đã làm việc lâu rồi thì họ tính toán nếu bây giờ nghỉ để nhận BHXH một lần, rồi đi làm lại tiếp tục lần 2 thì vẫn đủ điều kiện hưởng lương hưu. Mặc dù giờ nghỉ làm thì phải mất một năm chờ đợi mới rút được một lần, nhưng họ vẫn chấp nhận nghỉ còn hơn là đóng BHXH liên tục cho đến khi nghỉ hưu”, ông Tiến cho hay.
Ông Trần Thanh Sơn, Chủ tịch công đoàn Công ty May mặc Song Ngọc cho biết, tại đơn vị, tình trạng công nhân thâm niên dưới 15 năm đóng BHXH xin nghỉ việc rất nhiều vì lo ngại sự thay đổi của luật sẽ ảnh hưởng quyền lợi. Ông Sơn kiến nghị cần phải tăng cường việc tuyên truyền Luật BHXH để người lao động thấy tham gia BHXH không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi cho cá nhân và xã hội.
Luật sư Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Liên đoàn Lao động TP.HCM) cho biết, ông đồng tình phương án 1, tức là để người lao động tham gia BHXH trước ngày 1/7/2025 được rút BHXH một lần.
“Cho rút BHXH là “chịu đau một lần rồi thôi”. Bắt đầu từ 1/7/2025, chúng ta sẽ khống chế không cho người lao động rút BHXH một lần nữa, để hưởng chính sách hưu trí, nhằm đảm bảo chính sách an sinh xã hội sau này. Tuy nhiên đúng là trong khi đi vận động tuyên truyền về BHXH một lần thì có rất nhiều hoàn cảnh người lao động khó khăn, cần một số tiền để giải quyết trước mắt. Do vậy chính sách nhà nước cũng cần phải có giải pháp như vấn đề cho vay vốn”, luật sư Trần Văn Triều nêu ý kiến.