Công tác phổ biến giáo dục pháp luật kịp thời giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp
VOV.VN - Trong 10 năm thực hiện Luật phổ biến, giáo dục pháp luật đã góp phần giảm bớt tình trạng khiếu nại, tố cáo, nâng cao trách nhiệm cho cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
Chiều 22/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.
Báo cáo tóm tắt tổng kết thực hiện Luật, Phó Vụ trưởng Vụ phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Phan Hồng Nguyên cho biết, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013.
Qua 10 năm triển khai thi hành, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đã được các bộ, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương tổ chức quán triệt, phổ biến một cách nghiêm túc, rộng rãi, có sự chuyển biến tích cực về nội dung theo hướng ngày càng đa dạng, phong phú hơn.
Trong 10 năm, toàn quốc đã tổ chức hơn 9,4 triệu cuộc phổ biến giáo dục pháp luật trực tiếp; biên soạn và cấp phát miễn phí gần 512 triệu tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu phổ thông được dịch ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài. Nhiều chuyên trang, chuyên mục pháp luật trên các loại hình báo chí ở trung ương và địa phương được cải tiến, tăng về số lượng, nâng cao chất lượng. Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật cho các nhóm đối tượng đặc thù khá đa dạng để phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng...
“Thông qua phổ biến giáo dục pháp luật, người dân đã dần chủ động, tích cực trong việc tự học tập, tìm hiểu pháp luật, sử dụng pháp luật như công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân. Đồng thời, nhờ vậy đã góp phần giảm bớt tình trạng khiếu nại, tố cáo, nâng cao trách nhiệm cho cán bộ, công chức trong thực thi công vụ”- ông Phan Hồng Nguyên cho biết, đồng thời khẳng định, kết quả thực hiện Luật cũng đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước và tăng cường quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật; góp phần ngăn chặn, giảm thiểu những hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, kịp thời giải quyết, các mâu thuẫn, tranh chấp trong nhiều lĩnh vực.
Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, hội nghị thống nhất việc tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng và ý nghĩa của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới là nhiệm vụ xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền con người và quyền công dân.
Bên cạnh đó, triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trên cơ sở kết quả tổng kết thi hành Luật và các văn bản liên quan, kịp thời nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật để đáp ứng yêu cầu công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong tình hình mới.
Tiếp tục đổi mới nội dung phổ biến giáo dục pháp luật, đa dạng hóa các hình thức, cách thức triển khai thực hiện bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực, chú trọng đối tượng đặc thù; bám sát các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội, các vấn đề nổi cộm. Tăng cường các hoạt động đối thoại, giải đáp vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành pháp luật..../.