Công việc của bác sĩ thú y cũng áp lực như chữa bệnh cho người
VOV.VN - TS Trịnh Đình Thâu: “Nếu bác sĩ thú y làm không tốt các công việc phòng, chống dịch bệnh của vật nuôi có thể giết chết cả loài người".
Cách đây đúng 62 năm, ngày 27/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã viết thư gửi Hội nghị cán bộ ngành y tế với những lời dạy quý báu. Từ đó, ngày này được xem là ngày tôn vinh các y, bác sĩ và những người đang làm việc trong ngành y tế và là “Ngày Thầy thuốc Việt Nam”.
Nhân dịp này, phóng viên VOV.VN đã phỏng vấn TS Trịnh Đình Thâu, Trưởng khoa Thú y (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), người đã có hơn 30 năm làm công tác đào tạo bác sĩ chuyên ngành thú y.
PV: Thưa ông, có người cho rằng, bác sĩ chữa bệnh cho người (nhân y) quan trọng hơn bác sĩ thú y?
TS Trịnh Đình Thâu: Tôi cho là không đúng, điều quan trọng là anh làm ở vị trí nào và cống hiến được những gì cho xã hội. Nếu bác sĩ thú y làm không tốt, ví dụ để bệnh cúm gia cầm xảy ra thì có thể phát triển thành đại dịch, có thể giết chết cả loài người. Vì thế, tôi nói bác sĩ thú y là bác sĩ của nhân loại.
Chúng ta biết rằng, trong thập kỉ vừa qua có nhiều bệnh nguy hiểm của vật nuôi truyền sang người. Điều đó làm cho Quốc tế chú ý đến khái niệm “Một sức khoẻ” và Việt Nam đã thành lập ban chỉ đạo “Một sức khoẻ” cấp quốc gia để phòng trị bênh chung, hướng đến sức khoẻ con người.
TS Trịnh Đình Thâu, Trưởng khoa Thú y (Học viện Nông nghiệp Việt Nam). |
PV: Thưa ông, hiện nay, an ninh lương thực và an toàn thực phẩm đang là vấn đề được xã hội rất quan tâm. Vậy, vai trò của bác sĩ thú y trong vấn đề này như thế nào?
TS Trịnh Đình Thâu: Hiện nay, chúng tôi đang rất tích cực để làm tốt chuẩn đầu ra của bác sĩ thú y.
Hiện nay, chúng ta đang có chiến dịch làm rất mạnh về an toàn thực phẩm, bác sĩ thú y là lực lượng làm trực tiếp nhất. Bởi vì chúng ta biết rằng, ô nhiễm vi khuẩn, virus, mầm bệnh vào thực phẩm phần lớn là từ vật nuôi và các quá trình chế biến, vận chuyển. Và hiểu sâu xa hơn, những bệnh của vật nuôi cũng như con người là bắt nguồn từ động vật hoang dã. Bác sĩ thú y là lực lượng trực tiếp can thiệp, tư vấn và có những chiến dịch cho công tác phòng trị bệnh cho vật nuôi đối với người dân và các cơ sở trực tiếp chăn nuôi, chế biến, vận chuyển sản phẩm.
Việc đề phòng trị bệnh ở đây không chỉ ở Việt Nam mà phải mở rộng ra phòng trị bệnh cho cả khu vực, thậm chí những bệnh mang tính toàn cầu thì các em cũng phải biết được nguyên lý, nhìn xa, nhìn rộng, biết được cách phòng trị bệnh một cách tổng hợp và đa dạng hơn. Đồng thời phải biết được chiến lược trong phòng chống dịch bệnh của vật nuôi. Ngoài ra, Bác sỹ Thú y cũng có nhiệm vụ rất quan trọng, đó là thực hiện công tác kiểm dịch động vật. Làm tốt công tác kiểm dịch động vật cũng ảnh hưởng rất tốt đến công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chính vì vậy, vai trò của bác sĩ thú y rất quan trọng trong xã hội hiện nay. Ngành thú y các nước được đào tạo rất bài bản, rất dài và đầu tư lớn. Bác sỹ thú y đào tạo ở Việt Nam chỉ có 5 năm, cơ sở hạ tầng phục vụ đào tạo tay nghề còn nhiều hạn chế. Trong khi đó hầu hết các nước khác đào tạo trong 6 năm, một số nước đào tạo rất dài như Mỹ tới 8 năm và các nước đều có cở sở vật chất, trang thiết bị đào tạo bác sỹ thú y rất tốt. Họ rất quan tâm, họ cho rằng bác sĩ thú y có vai trò rất quan trọng trong việc phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi cũng là biện pháp khá quan trọng trong bảo vệ sức khỏe con người.
PV: Thưa ông, xin ông cho biết nguồn nhân lực hiện nay của Việt Nam như thế nào, đặc biệt là chuyên ngành thú y?
TS Trịnh Đình Thâu: Tôi thấy nguồn nhân lực hiện nay rất đa dạng và phong phú theo các ngành nghề. Hiện nay, các trường đã quan tâm đến việc điều tra về ngành nghề của các em sau khi ra trường. Các trường cũng đã nắm bắt được ngành nghề đang cần nhất để tập trung đào tạo cho phù hợp với nhu cầu xã hội.
Để đáp ứng được nhu cầu xã hội thì rất nhiều thứ cần phải trang bị, trong đó có cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, kinh phí trong đào tạo. Đặc biệt, hiện nay ở các trường đại học cũng đã được Chính phủ đầu tư nhà xưởng, phòng thí nghiệm, phòng thực hành, ký túc xá sinh viên… Tuy vậy, để đáp ứng được đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng cho xã hội thì còn hạn chế.
Đối với đội ngũ giảng dạy, các trường đại học hiện nay khá chủ động vì tất cả những thầy cô hiện nay có trình độ từ tiến sĩ trở lên tương đối nhiều, nguồn nhân lực dồi dào, phong phú vì được hưởng khá nhiều dự án đào tạo tiến sĩ của Chính phủ ở nước ngoài.
Chẳng hạn như ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các giảng viên là tiến sĩ độ tuổi 40-45 phấn lớn được đào tạo ở các nước tiên tiến như: Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Bỉ hay một số nước Đông Âu. Tuy vậy, để làm việc hiệu quả, chúng tôi cần những phòng thí nghiệm như ở các nước phát triển – vấn đề này ở Việt Nam hiện đang thiếu.
Tôi hi vọng trong thời gian tới, chúng ta tham quan học hỏi các trường đại học ở các nước khác để xây dựng thêm những phòng thí nghiệm cho các nhà khoa học, giúp họ vừa phát huy được vai trò giảng dạy, vừa phát huy được vai trò nghiên cứu để chúng ta có được chất lượng đội ngũ giảng dạy tốt.
Hiện nay, các trường đại học cũng làm rất tốt việc kiểm định chất lượng đầu ra của mình, đó là chuẩn đầu ra, cơ hội việc làm, đánh giá năng lực của người học,… dựa trên các thang đánh giá của các trường ở châu Á, gọi là kiểm định AUN.
PV: Thưa ông, dư luận cho rằng, rất nhiều sinh viên ra trường không có việc làm, chính xác là gần 200.000 sinh viên không có việc làm. Liệu đây có phải là khâu đào tạo của chúng ta rất yếu và chưa đúng…?
TS Trịnh Đình Thâu: Theo tôi nghĩ, điều đó cũng rất khó đánh giá, cũng tuỳ theo ngành. Như ngành thú y hiện nay là đang thiếu vì ở ngoài xã hội đang rất cần bác sĩ thú y. Các công ty nghiên cứu, chế biến, bán các sản phẩm về thuốc thú y cũng như các sản phẩm sinh học. Các công ty thức ăn chăn nuôi, các chất bổ sung cho chăn nuôi... rất cần kỹ sư chăn nuôi, bác sĩ thú y.
Năm ngoái, chúng tôi đã tuyển 700-800 sinh viên, có năm 900 sinh viên, lượng thí sinh đến nộp hồ sơ rất đông, có năm lên tới 3.000 ứng viên thi ngành thú y nhưng chúng tôi chỉ tuyển được 700-800 chỉ tiêu.
Các ngành khác thì có lẽ các doanh nghiệp, công ty không nhiều hoặc không cần nhiều nguồn nhân lực nên dư nhiều hơn, dẫn đến không có việc làm. Mặt khác, có những sinh viên ra trường họ đang tìm những công việc thực sự phù hợp nên họ chưa đi làm, cũng có các em sinh viên đi làm trái nghề vì họ thấy công việc đó phù hợp với năng lực, lương và điều kiện sống của họ.
Rất nhiều em làm trong các siêu thị, không có chuyên môn nhưng lương 5-7 triệu, họ sẵn sàng làm, họ bảo họ làm tạm trong một thời gian rồi họ tìm được cơ sở nào đúng chuyên môn của họ sẽ chuyển sang sau.
Nguyên nhân dẫn đến nhiều sinh viên không có việc làm đó là một số ngành sản xuất không phát triển được nên nhu cầu nhân lực không nhiều. Và một số trường đào tạo quá nhiều so với nhu cầu của xã hội dẫn đến tình trạng dư thừa nhân lực.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Thủ tướng khen các thầy thuốc thực hiện ca ghép phổi đầu tiên
Giáo sư Nguyễn Tài Thu: “Tôi chỉ là người thầy thuốc thương người“