Cứ 20 phút có một người Việt Nam chết vì bệnh lao
Tổ chức Y tế Thế giới xếp Việt Nam đứng thứ 12/22 nước có số lượng bệnh nhân lao cao.
“Ở nước ta, cứ 20 phút trôi qua lại có một người chết vì bệnh lao” - đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị bàn về công tác chống lao, diễn ra tại Hà Nội ngày 24/3. Hội nghị do Bộ Y tế, Chương trình chống lao Quốc gia tổ chức. Phó Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Thiện Nhân đến dự và phát biểu ý kiến.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Hằng năm ở nước ta có 180.000 người mắc bệnh lao, 6.000 người mắc thể lao đa kháng thuốc. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp Việt Nam đứng thứ 12/22 nước có số lượng bệnh nhân lao cao. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền về bệnh lao chưa nhiều nên người dân và xã hội còn chủ quan phòng tránh bệnh.
Ở Việt Nam một ngày có 1 người chết vì HIV và có 1 người chết vì các bệnh truyền nhiễm; cứ 50 phút có 1 người chết vì tai nạn giao thông, và cứ 20 phút có 1 người chết vì lao.
Phó Thủ tướng đề nghị, Bộ Y tế dành ưu tiên hơn cho phòng chống lao. Đồng thời, sử dụng kinh phí có hiệu quả hơn và tập trung cho những vùng có tỷ lệ bị lao nhiều nhất cả nước, vì thống kê sơ bộ cho thấy 60% bệnh nhân lao cả nước tập trung tại 27 tỉnh.
Ngoài ra, chính quyền các địa phương kinh tế phát triển nhanh có thể chủ động tăng kinh phí cho phòng chống lao. Đặc biệt lưu ý đến công tác truyền thông để người dân và toàn xã hội nhận thức đúng về thực trạng, căn nguyên và mức độ nguy hiểm của bệnh lao, từ đó mỗi người tự ý thức phòng chống căn bệnh này và huy động được tốt hơn nguồn lực xã hội tham gia vào phòng chống lao. Mặt khác, cần chọn lọc, ứng dụng công nghệ cao làm cho việc chữa trị hiệu quả hơn, với tổng chi phí thấp hơn.
Phó Thủ tướng yêu cầu, từ nay đến tháng 6/2012, Bộ Y tế cùng các cơ quan liên quan rà soát lại Chiến lược phòng chống lao đến năm 2020, định hướng tới năm 2030 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Tại Hội nghị, Phó giáo sư, Tiến sỹ Đinh Ngọc Sỹ, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết: 5 năm qua, Chương trình chống lao đã bao phủ 100% vùng lãnh thổ, nhưng vẫn dựa trên việc phát hiện thụ động với người nghi lao có triệu chứng ho khạc đờm trên 2 tuần. Công tác phòng chống lao vẫn còn gặp nhiều khó khăn do chưa thống nhất được mô hình chống lao tuyến huyện.
Từ nay đến năm 2015, Chương trình Chống lao Quốc gia tiếp tục tăng cường phát hiện sớm và nhiều nhất tất cả các thể lao; đảm bảo cung cấp và áp dụng điều trị công thức 8 tháng có kiểm soát tại các tuyến của hệ thống y tế; giải quyết vấn đề lao/HIV, lao đa kháng thuốc, lao trong trại giam; duy trì tỷ lệ điều trị khỏi cao; phấn đấu đến năm 2015, Việt Nam giảm 50% số bệnh nhân hiện mắc, khống chế tỷ lệ bệnh nhân lao kháng đa thuốc và thanh toán bệnh lao ở Việt Nam vào năm 2030./.