Cứ 3 giây có 1 người tử vong vì kháng thuốc
VOV.VN -Kháng thuốc kháng sinh là một hiện tượng tự nhiên của vi sinh vật như vi khuẩn, vi-rút, ký sinh trùng và nấm không còn nhạy cảm với thuốc kháng khuẩn.
“Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa” là khẩu hiệu mà Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi các nước chung tay phòng chống kháng thuốc, trong đó có Việt Nam, nhân Tuần lễ nâng cao nhận thức về sử dụng thuốc kháng sinh thứ 2 tại Việt Nam.
Hơn 500 đại biểu tham dự mít tinh bày tỏ mong muốn có biện pháp hạn chế sử dụng kháng sinh. (Ảnh: L.H).
Cứ 3 giây có 1 người tử vong vì kháng thuốc
Đây là con số cảnh báo mà đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra trong buổi họp báo ngày 29/11 nhân Tuần lễ nâng cao nhận thức về sử dụng thuốc kháng sinh thứ 2 tại Việt Nam với chủ đề “Chung sức chống tình trạng kháng thuốc kháng vi sinh vật mạnh mẽ hơn nữa”.
Chiến dịch này do WHO và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc tại Việt Nam (FAO) phối hợp của các bộ ngành: Y tế, NN&PTNT Công thương, Tài nguyên Môi trường, các học viện, chính quyền địa phương và cộng đồng... nhằm nêu bật cam kết liên tục ở cấp lãnh đạo của Chính phủ chống tình trạng kháng thuốc vi sinh vật (AMR).
Kháng thuốc kháng sinh là một hiện tượng tự nhiên của vi sinh vật như vi khuẩn, vi-rút, ký sinh trùng và nấm không còn nhạy cảm với những tác động của các loại thuốc kháng khuẩn, kháng sinh mà trước đây có hiệu quả trong điều trị bệnh nhiễm trùng.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến một mối hiểm họa ngày càng nghiêm trọng của hiện tượng kháng thuốc kháng vi sinh vật, do hậu quả của tình trạng sử dụng quá mức và không hợp lý thuốc kháng sinh ở tất cả các cấp trong hệ thống chăm sóc y tế và trong công chúng nói chung.
“Khó có thể xác định được mức độ của vấn đề này vì hiện chưa có các hệ thống giám sát đầy đủ, nhưng một số chuyên gia ước tính đến năm 2050 tình trạng kháng thuốc kháng vi sinh vật có thể là nguyên nhân gây tử vong cho 10 triệu người trên toàn cầu mỗi năm, tương đương với tỷ lệ cứ 3 giây có 1 trường hợp tử vong - lớn hơn so với nguyên nhân tử vong do bệnh ung thư hiện nay”, bà Socorro Escalante, Trưởng nhóm Phát triển Hệ thống y tế Văn phòng WHO tại Việt Nam cho hay.
Bác sĩ Lokky Wai, đại diện của WHO tại Việt Nam, cảnh báo: “Hiện tượng kháng thuốc kháng sinh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, ở bất kỳ nhóm tuổi nào, tại bất kỳ quốc gia nào. Có thể tưởng tượng được trong một vài thập kỷ nữa, các phương pháp điều trị như hóa trị bệnh ung thư và phẫu thuật đơn giản sẽ không thể thực hiện được do phụ thuộc vào kháng sinh để bảo vệ bệnh nhân chống nhiễm trùng. Chúng ta đang đối mặt với một tương lai khi mà triệu chứng ho hay một vết cắt cũng có thể gây tử vong”.
Hành động giảm thiểu kháng thuốc ở Việt Nam
Ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay tình trạng kháng kháng sinh ở Việt Nam hết sức trầm trọng, hầu hết các chủng vi khuẩn đã kháng với kháng sinh. Có những chủng vi khuẩn đã xuất hiện biến đổi gene và kháng với tất cả các loại kháng sinh. Tỷ lệ sử dụng thuốc kháng sinh ở Việt Nam hiện nay rất cao, trong các cơ sở khám bệnh, 1/2 chi phí khám chữa bệnh dành cho tiền thuốc điều trị, trong đó thuốc kháng sinh chiếm tới 1/3.
Ông Cao Hưng Thái cho biết thêm, đến thời điểm này, Bộ Y tế đã ban hành gần 700 hướng dẫn chẩn đoán điều trị các loại bệnh, thầy thuốc sẽ căn cứ vào đó để kê đơn. Trong tương lai, nếu bác sĩ kê thuốc không đúng như hướng dẫn chẩn đoán thì sẽ… phạt mạnh.
Lễ mít tinh truyền thông về phòng chống kháng thuốc tại Việt Nam đã diễn ra sáng qua (30/11) tại Vườn hoa Lý Thái Tổ nhằm kêu gọi các cấp ban, ngành và cộng đồng cùng chung tay cam kết sử dụng thuốc kháng sinh có trách nhiệm với khẩu hiệu “Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa”.
Tại đây, cán bộ các ban, ngành chức năng nhấn mạnh, mỗi người dân chỉ mua và sử dụng thuốc kháng sinh khi được bác sĩ khám bệnh, kê đơn và sử dụng theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Cần tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý chất thải, nước thải và lây chéo trong bệnh viện, bởi có những trường hợp bệnh không có nguy cơ tử vong nhưng khi vào BV có thể lây chủng vi khuẩn đã kháng thuốc, dẫn đến tử vong.
Người nông dân sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Bên cạnh đó, cán bộ y tế tuân thủ đúng các hướng dẫn chuyên môn và sử dụng kháng sinh trong điều trị hợp lý và an toàn./.