Cụ bà 80 và những đứa con bất hạnh

Ít ai có thể nghĩ rằng, chừng đó tuổi đời, lưng còng, mắt mờ mà bà vẫn phải làm vườn, chắt chiu từng đồng tiền để nuôi ba đứa con bị bệnh tâm thần trong căn nhà không  còn một tài sản nào có giá trị vì đã bán hết để chữa  bệnh cho con

Đã từ  lâu cụ phải một mình chống chọi với thời gian, khi bệnh già của tuổi cứ luôn hành hạ và ba đứa con quậy phá hàng ngày. Một cuộc đời bất hạnh, một thân già buồn tủi, đang phải đối mặt với những đêm thức trắng, lo âu, vật lộn với  những đứa con đứt ruột đẻ ra đang lên cơn, đập phá, la hét...

Cụ Nguyễn Thị Chới sinh năm 1930, hiện đang sống tại xóm Kim Tân xã Nghi Ân (thành phố Vinh - Nghệ An) đang nuôi 3 đứa con bị bệnh tâm thần. Khi vừa tới nơi, chúng tôi đã thấy một người phụ nữ nằm bất động trên nền sân, cười chúm chím, mắt lấm lét khi thấy tôi chụp ảnh rồi lại cười hô hố sau đó đi thẳng lại phía tôi. Anh Phạm Văn Phong, cán bộ địa chính của xã Nghi Tân - người dẫn chúng tôi đến gia đình cụ Chới nói: "Đó là Nguyễn Thị Thanh, con thứ 5 của cụ Chới". Khi anh Phong đến gần, chị bỏ đi, hình như chị vẫn nhận ra anh Phong là người quen. Cụ Chới nghẹn ngào, tay cầm gậy, đu đưa giọng nói như không thể thoát ra: "Cuộc đời tôi ăn ở phúc đức, sao trời nỡ hành hạ tôi mãi đến già thế này! Con tôi 3 đứa bị tâm thần đã hàng chục năm nay, năm ngoái tôi cũng phải vào nằm viện mất hai tháng".

Những giọt nước mắt của người mẹ già gần 80 này rơi trên mái tóc xù lên, cáu bẩn của đứa con sinh năm 1973 tên là Nguyễn Thị Thanh, "Đây là đứa con thứ năm của tôi anh ạ, nó bị bệnh từ khi đang còn nhỏ". Bà đưa tay chỉ vào đứa con gái kế tiếp đó chới với "Đây là đứa con út của tôi tên là Nguyễn Thị Hương, nó sinh năm 1979, mới phát bệnh được 4 - 5 năm nay...".

Cụ Chới không nhớ nổi năm mình lập gia đình, cụ chỉ nhớ là cưới chồng được 2 năm thì đẻ con. Chị Xuân - cũng là một người bị bệnh tâm thần từ nhỏ là con đầu của cụ, sinh năm 1960. Chồng của cụ là cụ Nguyễn Văn Cần, những tháng ngày chung sống, hai cụ đã có với nhau bảy mặt con thì có ba người đã bị bệnh tâm thần: Nguyễn Thị Xuân sinh 1960 (con đầu), Nguyễn Thị Thanh 1973 (con thứ 5), Nguyễn Thị Hương sinh 1979 (con thứ 7).

Năm 1989, cụ Cần qua đời bệnh não (bình thường căn bệnh tim mãn tính cũng hành hạ ông suốt ngày đêm), để lại cho cụ Chới ba đứa con bệnh tật. Cũng từ đây, gánh nặng đè lên đôi vai già nua, gầy yếu, mà cụ bà cũng thường xuyên đau ốm. Ba cô con gái may mắn hơn số phận của chị Xuân, chị Thanh, chị Hương lớn lên lấy chồng tận miền Nam nên cũng không đỡ đần được gì cho mẹ, cho các chị em bị bệnh của mình.

Cuộc đời là vậy, số phận là vậy nhưng cụ Chới vẫn miệt mài làm vườn để nuôi những đứa con bệnh tật của mình. Nhiều lúc, cụ cũng cảm thấy tủi thân vì thấy hàng xóm con đàn, cháu đống khoẻ mạnh, giúp đỡ, nuôi dưỡng mẹ tuổi già, con của mình thì bệnh tật. Cố nén những giọt nước mắt khô khốc chực trào ra từ đôi mắt hoen mờ, già nua của mình, cụ Chới nói tiếp: "Khi ông nhà tôi mất, tôi thấy buồn và thương. Khi còn trẻ, ông ấy tham gia thanh niên xung phong, về lấy vợ thì đẻ ra những đứa con không được may mắn như người khác. Không biết ông nhà tôi có bị nhiễm chất độc gì không, gia đình tôi không biết vì ông mất hết giấy tờ rồi”.

Cụ Chới cho biết, trong ba đứa bị bệnh thì chị Hương (đứa con thứ 7) là nặng nhất, tiếp đến là chị Thanh. Chị Xuân là con đầu bị bệnh đã lâu, gia đình chạy chữa nhiều và mức độ bị bệnh cũng nhẹ hơn nên vẫn làm được đôi công việc giúp mẹ, nhưng khi lên cơn cũng chạy điên loạn ngoài đường, cụ lại phải chống gậy đi tìm mãi mới bắt được về. “Có lẽ đời tôi khổ đến chết", cụ Chới than thở.

Xã Nghi Tân trước đây thuộc huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An mới được sáp nhập vào thành phố Vinh khi Vinh lên đô thị loại I năm 2008. Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Nghi Ân cho biết: "Những năm chiến tranh xã là nơi bị địch bắn phá nhiều, nhằm cắt đứt con đường xuống cảng Bến Thuỷ để chi viện cho chiến trường miền Nam, sau chiến tranh là một xã rất nghèo, điểm xuất phát rất thấp, dân ở đây cũng rất nghèo".  Nói về trường hợp của gia đình cụ Chới, ông Thanh cho rằng: "Có thể do ông Cần ngày xưa đi thanh niên xung phong đã bị nhiễm chất độc hồi còn chiến tranh". Chính quyền địa phương, bà con làng xóm đã quan tâm giúp đỡ, nhưng trong hoàn cảnh như vậy thì gia đình cụ Chới vẫn nghèo nhất xã, theo chế độ hộ nghèo thì mỗi tháng cụ Chới được hưởng hỗ trợ của Nhà nước 360.000 vì có 3 đứa con bị bệnh tâm thần, thuộc hộ nghèo. Mới đây có một doanh nhân Sài Gòn qua các kênh thông tin đã giúp đỡ 1.000.000đ cho gia đình cụ Chới.

Nén những giọt nước mắt buồn tủi, chị Phùng Thị Vân, cô con dâu duy nhất của  cụ Chới nói với chúng tôi: "Vợ chồng em dù lấy nhau đã được hai năm nhưng chưa có con, năm ngoái em có thai được 6 tháng thì bị hỏng, gia đình khổ đủ đường, giờ chỉ mong các chị và em được khoẻ mạnh để mẹ có được giấc ngủ ngon..."./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên