Cử tri kiến nghị điều gì ở Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII?

VOV.VN -Nhiều vấn đề về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh được cử tri cả nước hết sức quan tâm.

Những kết quả đạt được trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đã và đang dẫn dắt nước ta trên tiến trình xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Sự ổn định và phát triển về kinh tế, xã hội cùng với chất lượng cuộc sống người dân từng bước được cải thiện là “hàn thử biểu” để nhân dân, cử tri cả nước đánh giá sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước và điều hành của Chính phủ. Ba mũi đột phá là hoàn thiện thể chế, xây dựng hạ tầng cơ sở và phát triển nguồn nhân lực đang được cụ thể hóa hiện hữu trong đời sống xã hội hàng ngày. Tuy nhiên ở kỳ họp thứ 7 của Quốc hội đang diễn ra, cử tri và nhân dân cả nước kỳ vọng và kiến nghị điều gì?

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII 

Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn và nông dân: Nông dân mong muốn đẩy nhanh các giải pháp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sự tác động trực tiếp của các chính sách đối với nông nghiệp và nông dân; đặc biệt là tìm kiếm thị trường, giải quyết ổn định, lâu dài trong việc bình ổn và nâng cao giá nông sản, thực phẩm. Định hướng phát triển nông nghiệp ổn định theo quy hoạch, kế hoạch, tạo thành vùng hàng hóa nông hải sản, thực phẩm có giá trị. Giải quyết tình trạng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng bán phổ biến, thiếu kiểm soát gây thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân. Vệ sinh an toàn thực phẩm không rõ nguồn gốc tiềm ẩn nhiều nguy cơ về dịch bệnh, đe dọa an toàn, sức khỏe con người.

Cử tri nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và chăn nuôi đều mong muốn cải tiến thủ tục vay vốn, giảm lãi suất tạo điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh; tăng cường đầu tư trồng rừng và khai thác rừng hợp lý. Hiện nay thu nhập và đời sống của nông dân tuy được cải thiện nhưng vẫn còn thấp, do đó cần có nhiều giải pháp tích cực trong đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển văn hóa, đổi mới phương thức sản xuất, ngành nghề sản xuất, kinh doanh... nhằm ngày càng nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của nông dân.

Trong lĩnh vực Y tế, cử tri đề nghị ngành Y tế tăng cường kiểm tra công tác y tế dự phòng để phòng ngừa dịch bệnh, đồng thời làm rõ trách nhiệm quản lý, chỉ đạo, điều hành của Bộ Y tế trong việc giải quyết dịch sởi thời gian qua. Tăng cường quản lý trong vấn đề sản xuất thuốc, chất lượng và đơn giá thuốc chữa bệnh. Cần quan tâm đặc biệt tới việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh ở các tuyến huyện, xã; đồng thời sớm giải quyết tình trạng quá tải diễn ra rất đáng lo ngại ở các bệnh viện tuyến trên; nâng cao y đức và chuyên môn của đội ngũ y, bác sỹ.

Về giáo dục và đào tạo, cử tri băn khoăn về thông tin 72.000 người tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học chưa có việc làm và đề nghị Chính phủ chỉ đạo các giải pháp để tránh lãng phí nguồn lực đã được gia đình và xã hội đầu tư. Cần có cơ chế, chính sách phù hợp, thiết thực để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn; khắc phục tình trạng chênh lệch chất lượng chuyên môn giữa các trường ở cấp tiểu học, trung học ở các địa phương nhằm hạn chế tình trạng “chạy trường, chạy lớp”; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo với bậc đại học; quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và cơ chế chính sách cho các cơ sở giáo dục đặc biệt là cơ sở vật chất và giáo viên mầm non. Đề nghị có phương án khoa học, thực tế trong việc đổi mới sách giáo khoa để có sự đồng bộ, thống nhất đảm bảo chất lượng, không lãng phí nguồn lực của Nhà nước và xã hội.

Về bảo vệ tài nguyên, môi trường, nhân dân nhiều địa phương lo lắng về tình hình ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Hiện tượng xả chất thải độc hại chưa qua xử lý gây ô nhiễm môi trường, nhưng việc phát hiện, xử lý còn nhiều hạn chế. Việc xử lý chất thải rắn, chất thải công nghiệp còn chưa được quan tâm đúng mức đặc biệt ở các vùng đô thị, khu công nghiệp và vùng ven đô thị gây nguy hại lâu dài. Sự ô nhiễm nguồn nước, thiếu nước ở các địa bàn vùng cao, Tây Nguyên gây ra nhiều khó khăn cho sản xuất kinh doanh cũng như bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, phá rừng còn diễn ra ở nhiều nơi gây thất thoát lớn nguồn tài nguyên khoáng sản, nguồn thu ngân sách, đặc biệt khai thác cát trái phép ngang nhiên ở các dòng sông gây sạt lở hai bờ sông, cản trở giao thông, ô nhiễm nguồn nước. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân; việc đền bù, bồi thường, giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn, ách tắc dẫn đến khiếu kiện, bức xúc trong nhân dân.

Về giao thông vận tải, cử tri mong muốn Nhà nước tăng cường đầu tư xây dựng các công trình giao thông thiết yếu; tăng cường quản lý chất lượng công trình, các dự án chậm tiến độ, các phương tiện quá trọng tải gây xuống cấp nhanh các công trình giao thông. Sớm cải thiện cơ chế quản lý nâng cao chất lượng dịch vụ giao thông trên các tuyền đường hàng không, đường sắt, đường thủy và đường bộ nhằm đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt và hình ảnh thân thiện với khách hàng.

Nhiều cử tri cho rằng công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế so với yêu cầu và kỳ vọng của nhân dân. Việc hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng còn chậm; việc phát hiện tham nhũng còn yếu. Tình hình tham nhũng vẫn còn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực. Tình trạng “tham nhũng lớn” và “tham nhũng vặt”, hối lội, chạy chọt vẫn rất nhức nhối. Việc xử lý hành vi tham nhũng ở một số vụ việc còn chưa nghiêm. Cử tri mong muốn “xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; một cơ chế trừng trị, răn đe để không dám tham nhũng; và một cơ chế bảo đảm để không cần tham nhũng” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu.

Cử tri mong muốn Đảng, Nhà nước có sự quan tâm sâu sát, thích đáng tới việc cải tiến và đầu tư cho bộ máy và cán bộ ở cấp cơ sở, xã phường vì đây là bộ máy hàng ngày hàng giờ tiếp xúc và xử lý vấn đề của người dân. Cần đầu tư và điều chỉnh chế độ, chính sách và điều kiện làm việc thỏa đáng cho đội ngũ cán bộ xã, phường; đầu tư chiến lược cho việc đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp bộ máy, đội ngũ cán bộ xã, phường là rất quan trọng, cấp thiếp trong hệ thống chính trị cũng như bộ máy chính quyền bốn cấp ở nước ta hiện nay.

Về việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, huy động một lượng lớn tàu, thuyền, kể cả tàu quân sự và máy bay để bảo vệ cho việc làm trái luật pháp quốc tế này, đe dọa và làm tổn hại tàu, thuyền của Việt Nam hoạt động hợp pháp tại vùng đặc quyền kinh tế của mình, nhân dân trong nước, kiều bào ta sinh sống ở nước ngoài cực lực phản đối hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, gây tổn hại nghiêm trọng cho quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nhân dân hai nước, đồng thời bày tỏ sự đồng tình với lập trường, quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề này.

Nhân dân tin tưởng và mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục có biện pháp phát huy truyền thống đoàn kết, anh dũng, kiên cường, nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Có lẽ còn rất nhiều mong muốn, kiến nghị, đòi hỏi của nhân dân, của cử tri cả nước gửi gắm tới Quốc hội tại kỳ họp này. Nhưng điều mong mỏi hơn cả là các ý kiến đó, sự  mong muốn, đòi hỏi đó sẽ được các bộ, ngành và các cấp giải quyết một cách có trách nhiệm, hiệu quả để sau mỗi kỳ họp Quốc hội thì niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội ngày càng được tăng lên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên