Cử tri kiến nghị giải quyết việc làm cho sinh viên ra trường
VOV.VN -Cử tri cho rằng, việc tư vấn nghề nghiệp, định hướng chọn nghề cho học sinh hiện nay chưa hiệu quả.
Theo lịch làm việc của Quốc hội, đầu tuần tới, sẽ có 4 Bộ trưởng trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền dự kiến trả lời về một số nhóm vấn đề như quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tình trạng thất nghiệp hiện nay, nhất là sinh viên ra trường không có việc làm. Đây cũng là nội dung được nhiều cử tri quan tâm.
Sinh viên học xong không có việc làm, hoặc phải làm trái ngành, trái nghề, thu nhập không đảm bảo, gây lãng phí nguồn nhân lực, trong khi năng suất lao động của Việt Nam đang ở mức thấp của khu vực. Thực tế này đã xảy ra nhiều năm nay và ngày càng có xu hướng gia tăng mà chưa có giải pháp khắc phục.
Theo cử tri Trần Anh Tuấn ở thành phố Hồ Chí Minh, người đã nhiều năm làm công tác dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thất nghiệp của sinh viên hiện nay là do số lượng đào tạo nhiều hơn nhu cầu nhân lực nên bị dư thừa, đặc biệt là việc sinh viên học đại học ra trường vẫn thiếu các kỹ năng nghề, trình độ ngoại ngữ nên chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Cử tri Trần Anh Tuấn kiến nghị: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chỉ đạo hiệu quả việc thống kê tình trạng lao động thất nghiệp, cập nhật thông tin về lao động có trình độ đại học, cao đẳng không tìm được việc làm, điều tra, khảo sát các doanh nghiệp về nhu cầu tuyển dụng nhân lực; đồng thời nâng cao hiệu quả tổ chức các hoạt động tư vấn việc làm, học nghề.
“Mong Bộ trưởng tiếp tục có những chỉ đạo để nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách, thúc đẩy các hình thức tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần thúc đẩy cơ cấu kinh tế và phân công về lực lượng lao động, đồng thời mở rộng các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế để tăng trưởng việc làm tại chỗ, góp phần hội nhập. Các hình thức cho vay của Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, các hình thức hỗ trợ lao động diện hộ nghèo, hộ khó khăn, sinh viên trong quá trình tìm việc làm cũng rất cần thiết” – cử tri Tuấn kiến nghị.
Băn khoăn với thực trạng nhiều sinh viên học đại học chỉ để lấy tấm bằng, trong khi các doanh nghiệp lại cần nhiều lao động có tay nghề kỹ thuật, cử tri Vũ Thị Thanh Liễu, Trưởng phòng Thông tin Lao động, Trung tâm giới thiệu Việc làm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội cho rằng, việc tư vấn nghề nghiệp, định hướng chọn nghề cho học sinh hiện nay chưa hiệu quả.
Cử tri Vũ Thị Thanh Liễu kiến nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cần phân luồng tốt hơn giữa giáo dục đại học với giáo dục dạy nghề; phân tầng chất lượng cơ sở dạy nghề; xây dựng một số trường dạy nghề trọng điểm, chất lượng cao phù hợp với tiêu chuẩn hội nhập:
Theo cử tri Vũ Thị Thanh Liễu: “Có thể định hướng, tư vấn ngay từ khi các em còn đang ngồi trên ghế nhà trường, tư vấn cho các em thật kỹ là bây giờ xã hội đang cần những ngành nghề nào. Theo tôi, các cơ quan Nhà nước nên có một chính sách hạn định như là năm nay thì cao đẳng, đại học nên đặt bao nhiêu; trung cấp, công nhân kỹ thuật nên đặt bao nhiêu chỉ tiêu cho phù hợp với nhu cầu tuyển dụng. Như vậy thì chỉ tiêu tuyển dụng và chỉ tiêu đào tạo sẽ đáp ứng được cân đối nguồn cung và nguồn cầu”./.