Cửa biển Cà Mau bị bồi lắng: Người dân khốn đốn
VOV.VN - Tình trạng bồi lắng cửa biển ngày càng nghiêm trọng, hoạt động kinh doanh của người dân trở nên bấp bênh.
Hiện nay, tình trạng bồi lắng tại các tuyến kênh nội địa thông ra biển rất nghiêm trọng, đặc biệt tại hai cửa biển lớn của tỉnh Cà Mau là Sông Đốc và Khánh Hội đã gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào, ảnh hưởng lớn đến khai thác, đánh bắt thủy hải sản.
Cửa biển (ảnh minh họa). |
Cà Mau là một trong những tỉnh trọng điểm của cả nước về đánh bắt thủy hải sản với gần 5.000 phương tiện khai thác hoạt động thường xuyên. Những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiều cửa biển trên địa bàn tỉnh đã và đang bị phù sa bồi lắng nhanh, gây cản trở tàu bè khai thác thủy sản ra vào.
Theo ông Bùi Tấn Thành ở xã Khánh Hội, huyện U Minh, người có gần 40 năm gắn bó với nghề biển chia sẻ, hiện gia đình có 3 tàu khai thác thủy sản có công suất từ 200 đến 400CV. Tuy nhiên, thời gian gần đây cửa biển Khánh Hội bị bồi lắng nhanh chóng khiến tàu khai thác thủy sản của ông thường xuyên bị mắc cạn. Chính vì vậy, để đảm bảo sản lượng khai thác ông Thành buộc phải dời hai trong ba chiếc tàu về hoạt động tại cửa biển Sông Đốc.
Ông Bùi Tấn Thành nói trong sự xót xa: “Cửa biển Khánh Hội bây giờ gây thiệt hại nhiều, nếu mà vô mà lở ngay chuyến cạn thì đồ đạc trên ghe mấy chục tấn sẽ thiệt hại, hư hao rồi chậm chuyến hàng. Còn nếu ra thì phải đợi con nước lớn, còn muốn ra sớm thì phải thuê tàu dẫn mũi với chí phí từ 500.000 – 1.000.000 đồng, vì cạn quá mình lái không được”.
Cửa biển Khánh Hội hiện có hơn 360 phương tiện khai thác biển, trong đó trên 220 phương tiện có công suất từ 200CV trở lên với sản lượng khai thác hàng năm hơn 20.000 tấn. Cùng với cửa biển Khánh Hội, cửa biển Sông Đốc cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm nhằm hình thành các trung tâm khai thác, đánh bắt thủy sản lớn với mục tiêu đến năm 2020, đưa Sông Đốc trở thành đô thị loại 3 và cửa biển Khánh Hội trở thành thị trấn biển.
Tuy nhiên, trước tình trạng bồi lắng cửa biển ngày càng nghiêm trọng đã gây khó khăn trong hoạt động khai thác. Từ đó, hoạt động kinh doanh của người dân cũng trở nên bấp bênh, làm cản trở sự phát triển kinh tế của địa phương.
Ông Hồ Văn Vũ, chủ vựa thu mua thủy sản ở Cà Mau cho biết, do cửa biển bị bồi lắng, nước cạn nên tàu công suất lớn không thể vào cập bến tại cửa này mà phải trực tiếp bán trên biển hoặc đến cửa lớn khác để lên hàng. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến việc mua bán hàng thủy sản: “Nếu cửa biển sâu, thông thường tàu ghe vô đây nhiều thì mình mua được với số lượng nhiều, chi phí cũng như nhau và có lãi nhiều. Lúc trước mua ngày 1- 2 tấn còn bây giờ chỉ từ 100 - 200 kg thì lãi suất thấp hơn và buộc lòng ghe không vô đây nữa, cạn quá”.
Theo chính quyền địa phương, tình trạng bồi lắng diễn ra khoảng ba năm trở lại đây đã làm cho số lượng tàu thuyền giảm đáng kể, nhất là số lượng tàu có công suất lớn giảm đến hơn 80%. Mặc dù trong năm qua, Cà Mau đã đầu tư nâng cấp các cửa biển lớn trong tỉnh, nhất là hai cửa biển Khánh Hội và Sông Đốc với vốn đầu tư cấp cho hai cửa biển này là trên 20 tỷ đồng.
Ông Phạm Công Luận, Phó cChủ tịch UBND xã Khánh Hội, huyện U Minh, cho biết, chính quyền địa phương đã có những kiến nghị với các cấp để thời gian tới, tiến hành nạo vét, cải tạo bên trong và bên ngoài các cửa biển; đồng thời xây dựng các bến neo đậu tàu thuyền và bờ kè chống sạt lở để khai thông các cửa biển này tạo điều kiện thuận lợi cho tàu đánh bắt hải sản ra vào, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
“Xã cũng kiến nghị đến các ngành chức năng sớm nạo vét cửa biển Khánh Hội để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con ra vào đánh bắt thủy sản. Đồng thời cũng thu hút số lượng tàu thuyền tại các tỉnh đến giao lưu hàng hóa tại cửa biển Khánh Hội”.
Trước tình trạng bồi lắng ngày càng gia tăng, nguyên nhân được xác định là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu mà chủ yếu là gió mùa Tây Nam và sự biến động vùng cửa biển. Chính vì vậy, ngoài những giải pháp công trình cần phải triển khai trong thời gian tới, thì các giải pháp mềm, mà cụ thể là việc trồng rừng ngập mặn cần phải quan tâm thực hiện nhằm ngăn chặn sự bồi lắng tại các cửa biển. Đây chính là một trong những giải pháp căn cơ, phù hợp trong giai đoạn hiện nay./.