Cung cấp điện căng thẳng đến hết tháng 6/2011

EVN phải chuẩn bị báo cáo cho Chính phủ giải pháp căn cơ về điện trong năm tới và những năm tiếp theo, đảm bảo điện cho sản xuất và đời sống nhân dân.

Tình hình thiên tai diễn biến phức tạp khiến các nhà máy thủy điện không thể hoạt động hết công suất. Từ năm 2009 đến nay, lượng nước về các hồ thủy điện luon thiếu hụt so với trung bình nhiều năm.

Tháng 9, mực nước các hồ thủy điện lớn (Hòa Bình, Tuyên Quang, Trị An, Ialy, Đại Ninh...) thấp hơn từ 11 - 24 m so cùng kỳ 2009, các hồ miền Trung và miền Nam dao động ở mực nước chết. Trong 9 tháng năm 2010, tổng lượng nước về các hồ thuỷ điện của cả nước hụt 33,3 tỷ m3 so với trung bình nhiều năm, tương ứng với sản lượng thuỷ điện thiếu hụt khoảng 5,94 tỷ kWh.

Chín tháng, tốc độ tăng trưởng phụ tải điện đã tăng từ 14-15%, gấp hơn hai lần tốc độ tăng của GDP tương ứng với 97,43 tỷ kWh điện, tăng hơn 4 tỷ kWh theo chỉ tiêu được giao.

Bên cạnh đó, một số tổ máy nhiệt điện than mới, được trưng dụng vận hành như Sơn Động, Cẩm Phả 1, Quảng Ninh 1, Hải Phòng 1 hoạt động chưa ổn định, phải khắc phục sự cố, khiếm khuyết nên không huy động được hoặc sản lượng phát điện không cao.

Trong tháng 9, khí Cửu Long ngừng cấp từ 7-17/9 để sửa chữa, chỉ cấp được 0,55 triệu m3/ngày, khí Nam Côn Sơn cấp 15,5 triệu m3/ngày, khí PM3 cấp 4,4 triệu m3/ngày. Các nhà máy nhiệt điện than, TBK và mua điện Trung Quốc đều khai thác tối đa. Riêng TM1 NĐ Hải Phòng và TM1, TM2 NĐ Quảng Ninh vẫn xử lý sự cố nên không huy động được.

Ba tháng cuối năm và đặc biệt là 6 tháng mùa khô năm 2011 tình hình cung cấp điện sẽ tiếp tục căng thẳng. Ông Đặng Hoàng An, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết.

Trong tháng 10/2010 tình hình cung cấp điện vẫn tiếp tục căng thẳng, hệ thống điện sẽ thiếu công suất đỉnh do các nhà máy nhiệt điện than mới đang tiếp tục phải xử lý sự cố và các khiếm khuyết chưa vào vận hành trở lại, một số tổ máy nhiệt điện khác phải ngừng sửa chữa do quá thời hạn, đồng thời từ ngày 15 - 23/10 sẽ cắt khí PM3 cấp cho cụm NMĐ Cà Mau  (1.500MW) để bảo dưỡng hệ thống khí theo kế hoạch.

Dự kiến trong tháng 10/2010, sản lượng điện trung bình ngày toàn hệ thống ở mức 287,7 tr.kWh/ngày, công suất lớn nhất dao động từ 15.500 -16.000 MW.

Mặc dù, theo tính toán của EVN, trong ba tháng cuối năm nay sẽ cần một lượng điện khoảng 25 tỷ kWh về cơ bản sẽ đáp ứng đủ nhưng Hệ thống điện Quốc gia tiếp tục không có dự phòng.

Trước thực tế này, ngày 4/10, trong cuộc họp giao ban ngành công thương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, ngành điện phải chủ động triển khai khắc phụ khó khăn, đưa ra  giải pháp những tháng cuối năm đảm bảo nhu cầu phục vụ đời sống và các phương án cụ thể cấp điện cho năm 2011.

Tổng công ty Điện lực Việt Nam cũng phải chuẩn bị báo cáo cho Chính phủ giải pháp căn cơ về điện trong năm tới và những năm tiếp theo, đảm bảo điện cho sản xuất và đời sống nhân dân.

Nhu cầu tiêu thụ điện những tháng cuối năm rất lớn,  ngành điện cần cân đối, nếu nguồn cung từ dự án điện dùng khí phải tạm dừng để bảo dưỡng thì huy động dầu để đảm bảo đủ điện cho hệ thống. Tập đoàn Than và Khoáng sản cố gắng khắc phục khiếm khuyết kỹ thuật giai đoạn đầu ở nhà máy điện Sơn Động, Cẩm Phả... để sớm đưa các nhà mày này vào hoạt động phục vụ nền kinh tế.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, tình hình hạn hán sẽ vẫn tiếp diễn nhiều năm tới và thiếu nước sẽ còn căng thẳng, nhưng nguyên nhân thiếu điện thì không thể đổ lỗi hết cho thời tiết được. “Tiến độ thực hiện trong tổng sơ đồ VI vẫn chậm so với kế hoạch rất nhiều, nếu không đẩy nhanh thì bài toán thiếu điện sẽ chưa giải quyết được” - Bộ trưởng nhấn mạnh

Ngoài ra, EVN cần phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất việc nghiên cứu điều chỉnh lại cơ cấu cây trồng cho phù hợp và liên tục cập nhật thủy văn để dự báo kịp thời mọi diễn biến của tình hình thời tiết phục vụ tưới tiêu và phát điện./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên