Cùng ra đồng lấy nước gieo cấy
Vụ mùa Đông xuân, vụ sản xuất chính trong năm đang cận kề. Yếu tố quan trọng hàng đầu trong gieo cấy là nguồn nước lại đang khô cạn.
Việc thiếu nước trong vụ mùa Đông xuân khiến bà con nông dân và ngành Nông nghiệp hết sức lo ngại.
Tổng Công ty Điện lực Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính toán thống nhất xả nước phục vụ cho gieo cấy làm 2 đợt, trước và sau Tết. Đến nay, nước xả từ các hồ thuỷ điện đã về hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình để ngành Thuỷ lợi và bà con nông dân đưa nước về ruộng. Nguồn nước mùa khô hạn quý giá ấy cần được sử dụng một cách hiệu quả, tiết kiệm để đảm bảo cho sản xuất thắng lợi.
“Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Câu đúc kết ấy của ông cha ta trong nền nông nghiệp lúa nước cho thấy, yếu tố quan trọng bậc nhất quyết định đến thành bại trong gieo cấy là nước. Vậy mà, thời vụ Đông xuân năm 2011 đã đến gần mà nguồn nước ở các sông ngòi, kênh mương thuỷ lợi đều khô kiệt. So với trung bình nhiều năm, tổng lượng nước về các hồ thuỷ điện trên cả nước năm nay hụt 38,6 tỷ m3. Riêng Hoà Bình, hồ thuỷ điện có chức năng cung cấp nước chính cho toàn miền Bắc thiếu hụt gần 23 tỷ m3.
Theo dự báo mùa khô năm 2011, dòng chảy toàn mùa của hạ lưu sông Hồng và sông Thái Bình có khả năng thấp hơn mức trung bình nhiều năm từ 30% - 40%. Nhiều chuyên gia thuỷ điện, thuỷ lợi nhận định, năm 2010 là năm xảy ra tình trạng khô hạn kéo dài và khốc liệt nhất trong vòng 100 năm qua.
Để kịp thời cung cấp nước cho sản xuất, đồng thời tiết kiệm được tối đa nguồn nước khan hiếm trong mùa khô hạn, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phải tính đi tính lại nhiều lần lịch xả nước. Phải tận dụng con triều lên cao nhất để xả nước nhằm tiết kiệm nước. Với lượng nước hạn chế như hiện nay, nếu không tính chuẩn sẽ lãng phí nước và không còn nước để xả bổ sung tưới dưỡng cho lúa, đồng thời sẽ gây thiếu điện nghiêm trọng trong sản xuất và sinh hoạt ở mùa khô năm nay.
Đây cũng là bài học kinh nghiệm khi năm 2010, sau khi xả 3 đợt trên toàn miền Bắc, huyện này chưa lấy được nước. Và bài toán đánh đổi đắt giá là để có nước tưới cho 40.000 ha đất sản xuất của huyện này, các ngành chức năng đã phải xả 400 triệu m3 nước. Nước mùa khô là nguồn phát điện quý, có thể coi nước như xăng dầu, vì vậy không thể để nước lãng phí.
Thay vì xả làm 3, 4 đợt như những năm trước, vụ Đông xuân năm nay, bà con sẽ chỉ lấy nước 2 đợt: đợt trước Tết, từ ngày 27/1-2/2/2011, tức là từ ngày 24 đến 30 Tết và đợt sau Tết, từ ngày 13-20/2/2011. Khoảng 2,7 tỷ m3 nước, tương đương với trên 500 triệu kwh điện, được lấy từ các hồ thuỷ điện Hoà Bình, Thác Bà, Tuyên Quang để đổ về tưới cho tổng diện tích 650.000 ha toàn miền Bắc. Đến ngày 29/1, mực nước về trên sông Hồng đã ở khoảng 2,5m, đủ cho các trạm bơm lấy nước.
Để sản xuất hiệu quả và tiết kiệm nguồn nước quý, trong các đợt xả nước, các địa phương cần huy động tối đa sức dân, dùng nhiều phương tiện khác nhau bằng mọi cách để lấy nước về ruộng. Ngoài hàng ngàn trạm bơm dã chiến đã được các địa phương chuẩn bị sẵn sàng để bơm nước, bà con nông dân cần ra đồng nạo vét kênh tưới, dùng gầu tát nước vào những ruộng cao, đồng sâu. Cán bộ nông nghiệp, thuỷ lợi và chính quyền địa phương cần thông tin, hướng dẫn thời gian, địa điểm, phương tiện lấy nước cho bà con sao cho đạt hiệu quả nhất. Ngành Điện đảm bảo đủ điện để các trạm bơm hoạt động hết công suất phục vụ cho việc bơm tưới.
Một khi chính quyền, ngành chức năng và người dân cùng quyết tâm phối hợp lấy nước tiết kiệm và hiệu quả thì việc cung cấp đủ nước cho làm đất và gieo cấy kịp khung thời vụ chắc chắn sẽ đạt kết quả cao. Nước về đồng, ruộng đất được cày nhuyễn san phẳng sẵn sàng cho gieo cấy, như thế bà con ăn Tết càng yên tâm, phấn khởi. Để ra Giêng, thời tiết ấm dần lên, bà con dập dìu xuống đồng, những cánh đồng phủ màu xanh no ấm của lúa xuân./.