“Cuộc chiến tiền lẻ” khiến trạm thu phí Quốc lộ 5 hai lần “thất thủ”
VOV.VN - Hai ngày nay, trạm thu phí số 1 QL5 ở Hưng Yên, “thất thủ” vì lái xe dùng tiền mệnh giá nhỏ trả phí để bày tỏ sự bức xúc khi qua đây.
Trong các ngày 4 và 5/9, lái xe dùng tiền lẻ trả phí để phản đối trạm thu phí QL5 (tỉnh Hưng Yên) khiến giao thông ách tắc nghiêm trọng. |
Nhiều tài xế cho rằng họ trả tiền lẻ khi qua trạm thu phí là để “xả” và là biện pháp phản ứng những bức xúc lâu nay.
Họ cho rằng, từ 1/1/2013 chủ phương tiện đã đóng phí bảo trì đường bộ mấy triệu, Bộ GTVT cam kết sẽ xóa bớt các trạm thu phí không phải BOT đi. Thế nhưng không những xóa bớt mà các trạm thu phí lại mọc dày thêm, khiến bây giờ cứ ra đường là bị chặn lại tại các trạm để thu phí. Và “cuộc chiến tiền lẻ” tại các trạm thu phí cả BOT và không BOT đang là vấn đề “nóng”, tiếp tục là bài toán chưa có đáp án cụ thể, dù cơ quan chức năng cũng như nhà đầu tư ít nhiều đã có phương thức đối phó.
Giao thông ùn tắc nghiêm trọng và trạm thu phi sQL5 đã 2 lần phải "xả trạm". |
Trả tiền lẻ để “xả” bức xúc
Hai ngày nay, vào khoảng 16 giờ chiều, có khoảng gần 100 xe tải, xe ô tô con khi đi qua trạm Thu phí số 1, Quốc lộ 5 (địa phận tỉnh Hưng Yên) đã dùng tiền lẻ với các mệnh giá từ 200 – 500, 1000 đồng để trả phí khi đi qua trạm này khiến giao thông ách tắc nhiều giờ đồng hồ.
Anh Hải, (nhà ở Yên Mỹ, Hưng Yên) thường xuyên đi làm qua trạm thu phí này cho biết: một ngày đi làm qua trạm mất 80.000 đồng. Có hôm con ốm, nhà có việc thì số tiền phí này có thể mất gấp đôi, gấp 3 lần. “Nếu ngày nào cũng đi, cũng phải nộp tiền 80.000 đồng thôi thì một tháng đã mất gần 3 triệu đồng tiền phí qua trạm. Trong khi xe tôi 1 năm đã phải đóng 2.700.000 đồng tiền phí bảo trì đường bộ, thử hỏi tôi chỉ đi ở trong khu vực này thì có phải là đang bị phí chồng phí hay không?”, anh Hải bức xúc đặt lại câu hỏi.
Nhiều tài xế cho rằng họ trả tiền lẻ khi qua trạm thu phí là để “xả” và là biện pháp phản ứng những bức xúc lâu nay. |
Không chỉ người dân ở khu vực, mà một số người ở các tỉnh xa cũng chuẩn bị tiền lẻ để trả qua các trạm thu phí. Anh Toàn (ở Phú Thọ) cho rằng “Tôi nghĩ là đây cũng là một giải pháp để giải tỏa bức xúc của cá nhân tôi khi đi qua các trạm thu phí “đặt nhầm chỗ”, trạm thu phí thu quá cao hiện nay”.
Là doanh nghiệp vận tải lớn trên địa bàn tỉnh Hải Dương, ngày hôm qua, hơn 40 lái xe của Công ty dịch vụ vận tải và Thương mại Đức Chính đã điều khiển phương tiện, dùng tiền có mệnh giá nhỏ để trả phí khi đi qua trạm thu phí số 1 Quốc lộ 5.
Cùng thời điểm, hàng trăm người dân các huyện Văn Giang và Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên) cũng kéo tới trạm BOT này để phản đối khiến giao thông hai đầu trạm thu phí ùn tắc nghiêm trọng.
Vào thời điểm các tài xế dùng tiền lẻ để thanh toán, trạm BOT số 1 đã huy động toàn bộ lực lượng khoảng hơn 20 người trong ca trực đứng ra kiểm đếm tiền và nhận tiền từ các lái xe. Tuy nhiên, do lượng xe dồn về 2 đầu trạm quá đông, khiến giao thông ùn tắc nghiêm trọng, công an tỉnh Hưng Yên, nhân viên trạm thu phí được huy động 100% để giải tỏa ùn tắc. Cao điểm, trạm này đã phải “xả trạm” trong một thời gian dài. Chiều qua (5/9), sự việc lại diễn ra tương tự và quy mô đoàn xe đi còn đông hơn khiến trạm này phải “xả trạm” dài hơn để tránh ùn tắc.
Ông Nguyễn Đức Chính, Giám đốc doanh nghiệp vận tải Đức Chính cho rằng: Chúng tôi làm vậy là để mong dư luận vào cuộc, nhìn nhận vấn đề và để các ngành chức năng nhìn ra vấn đề và giải quyết”. |
Ông Nguyễn Đức Chính, Giám đốc doanh nghiệp vận tải Đức Chính cho rằng: sở dĩ đến nay doanh nghiệp mới phản ứng vì không thể chịu đựng được nữa; Hiện chi phí cầu đường chiếm 30% cho phí vận tải rồi, còn lại chưa kể xăng dầu và chi phí nhân công, quản lý…
“Việc làm trên thực chất là phản ứng việc thu phí quá cao khi đi qua các trạm BOT trên Quốc lộ 5. Lái xe phải trả đến 40.000 đồng/lượt khi đi qua trạm thu phí, trong khi Quốc lộ 5 nhiều năm nay ít được tu sửa, nâng cấp, chất lượng đường xuống cấp trầm trọng. Chúng tôi làm vậy là để mong dư luận vào cuộc, nhìn nhận vấn đề và để các ngành chức năng nhìn ra vấn đề và giải quyết”, ông Chính nói.
Lối thoát nào cho “cuộc chiến tiền lẻ”?
Theo ông Nguyễn Văn Điều, trạm trưởng Trạm thu phí số 1 QL5, chiều tối 4/9 có hơn 40 phương tiện, chủ yếu là xe của một doanh nghiệp ở Hải Dương dùng tiền lẻ để qua trạm. Lập tức đơn vị phối hợp với lực lượng chức năng yêu cầu các xe trên di chuyển ra khỏi vị trí trạm thu phí để nhân viên đếm tiền. “Việc xả trạm thu phí QL5 tối cùng ngày không phải do tài xế dùng tiền lẻ, nguyên nhân do có va chạm giao thông ở trước cổng trạm nên xe bị ùn ứ cục bộ. Vì vậy, chúng tôi đã xả trạm để giảm ùn tắc và sau đó vài phút thì tiến hành thu phí bình thường”, ông Điều nói.
Còn ông Đặng Văn Tâm - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi), đơn vị quản lý thu phí cho biết, đơn vị đã biết kế hoạch dùng tiền lẻ của một số lái xe, doanh nghiệp vận tải sẽ trả khi đi qua trạm thu phí và đã có sự chuẩn bị trước về nhân lực cũng như đề nghị cơ quan chức năng hỗ trợ.
"Cuộc chiến tiền lẻ" ở các trạm thu phí sẽ chưa có hồi kết nếu Bộ GTVT và các cơ quan chức năng không đưa ra được giải pháp hợp lý. |
Trao đổi với phóng viên về vụ việc tối 5/9, ông Tâm cho rằng, người dân có quyền dùng tiền lẻ hoặc tiền chẵn để trả phí và Vidifi đã bố trí người để sẵn sàng phục vụ “24/7”, đồng thời trong trường hợp xảy ra ùn tắc sẽ xả trạm. Tuy nhiên, ông này nhận định vụ việc chiều 4/9 có dấu hiệu của sự gây rối, cản trở giao thông vì khoảng 20-30 chiếc xe cả xe tải lẫn xe con đã dùng tiền lẻ khi qua trạm, sau đó lại quay đầu qua trạm một lần nữa. Ông Tâm cũng dự đoán hiện tượng này có thể sẽ tái diễn.
Được biết không chỉ Vidifi mà nhiều chủ đầu tư dự án BOT đã và đang điều người thăm dò tìm hiểu trên các diễn đàn để biết trước các kế hoạch xài tiền lẻ qua trạm để ứng phó. Không chỉ dò la thông tin, hầu hết các trạm thu phí hiện đang thu xếp một khoảng đất trước trạm chỉ để dành chỗ cho xe xài tiền lẻ.
Liên quan tới việc xử lý bất cập của các dự án BOT giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ các tồn tại của những dự án BOT giao thông và đề xuất một số giải pháp xử lý như quyết toán các dự án, rà soát phương án tài chính các dự án phù hợp với điều kiện thực tế, rà soát phương án thu giá dịch vụ, nghiên cứu giải pháp giảm giá đối với các phương tiện xung quanh trạm thu phí để giảm bớt sự mất công bằng của hình thức thu phí lượt, thúc đẩy triển khai hệ thống thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ tự động không dừng, đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát doanh thu thu phí tại các trạm BOT.
Bộ GTVT cũng đang đẩy nhanh công tác quyết toán dự án, thực hiện việc đàm phán, tính toán lại phương án tài chính tuân thủ đúng Hợp đồng BOT khi có sự biến động về lưu lượng xe, lãi suất ngân hàng... để điều chỉnh kịp thời phương án tài chính của dự án theo hướng ưu tiên giảm giá hơn giảm thời gian thu phí theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng. Ngoài ra, lãnh đạo bộ khẳng định sẽ tăng cường công tác tuyên truyền đảm bảo công khai minh bạch để người dân dễ dàng giám sát, kiểm tra; tạo được sự đồng thuận của người dân./.
Dự án BOT Phước Tượng - Phú Gia có nhiều sai phạm
Những trạm thu phí BOT “ăn chặn” tiền dân
Cận cảnh tuyến BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ được chỉ ra có nhiều sai phạm
BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ sai phạm như thế nào?