Cuộc trường chinh của những người làm báo đối ngoại
VOV.VN - Ban Đối ngoại (VOV5) là 1 trong 3 đơn vị đầu tiên ra đời cùng Đài TNVN ngày 7/9/1945.
Từ đó đến nay, VOV5 có mặt trong mọi mặt trận nóng bỏng nhất, “âm thầm, lặng lẽ” đóng góp cho vị thế Tiếng nói Việt Nam và đất nước Việt Nam.
75 năm qua, VOV5 có những đóng góp không nhỏ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trở thành nhịp cầu kết nối Việt Nam với bạn bè quốc tế, mang đến cho thính giả và độc giả một hình ảnh chân thực và sống động về đất nước, con người, văn hoá Việt Nam, về một Việt Nam năng động, phát triển và yêu chuộng hoà bình. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, Đài TNVN và Ban Đối ngoại đã đồng hành tích cực với Bộ Ngoại giao nói riêng, Nhà nước Việt Nam nói chung, tuyên truyền hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước Việt Nam đến cộng đồng thế giới. VOV5 là một kênh tuyên truyền hữu hiệu đến hàng triệu người đồng bào Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập ở nước ngoài. Nhờ đó ngày càng nhiều bà con Việt Nam ở xa Tổ quốc hiểu, yêu mến quê hương, trở về đầu tư xây dựng đất nước Việt Nam.
Dấu ấn phát thanh viên
75 năm qua, mỗi chương trình phát thanh đối ngoại đều có những phát thanh viên để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng thính giả như ông Trần Sinh (tiếng Trung Quốc), bà Phạm Thị Thi (tiếng Pháp), bà Nguyễn Thị Tuyết (tiếng Nhật), bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (tiếng Nga), ông Phạm Đình Quế (tiếng Lào)…
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phát thanh viên Trịnh Thị Ngọ, tên trên sóng là Thu Hương, đã trở thành huyền thoại “Hanoi Hannah” của chương trình Mỹ vận. “Người đàn bà có giọng nói phù thủy” đã làm nhụt chí, gây hoảng sợ cho binh lính và sĩ quan Mỹ, giúp họ có cái nhìn đúng đắn về cuộc chiến tranh Mỹ gây ra ở Việt Nam.
Cách đây hơn nửa thế kỷ bà Nobuko Nakamura, vợ nhà nông học Lương Đình Của đã trở thành phát thanh viên đặc biệt của chương trình tiếng Nhật, Đài TNVN. Theo chồng về Việt Nam lúc 31 tuổi, bà đã sống gần như trọn đời tại quê chồng và dành quãng đời đẹp nhất cho Đài TNVN.
Ngày nay, trong công cuộc đổi mới phát triển đất nước, theo phương thức phát thanh hiện đại, mỗi biên tập viên đều làm nhiệm vụ dẫn chương trình và thể hiện các thể loại chương trình, góp phần xây dựng bản sắc cho mỗi chương trình. Biên tập viên Tú Thủy (chương trình Indonesia) thuộc thế hệ 6X, biên tập viên Lê Phương Khanh (tiếng Anh 24/7) thuộc thế hệ 9X là đại diện nhiều gương mặt trên sóng phát thanh đối ngoại thành công về phương diện này.
Hiện nay, VOV5 có 110 biên tập viên, phóng viên và gần 20 chuyên gia nước ngoài làm việc tại 12 phòng biên tập tiếng nước ngoài và phòng nội dung tiếng Việt. Lớn nhất là phòng tiếng Anh với 18 nhân sự làm các chương trình AM, kênh FM 24/7 và trang web vovworld.vn.
Dấu ấn thường trú và hợp tác quốc tế
VOV5 là đơn vị đầu tiên cử phóng viên, biên tập viên làm nhiệm vụ tại La Habana, Cuba (năm 1967-1976) phát chương trình tiếng Anh sang Mỹ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây có thể coi như cơ quan thường trú nước ngoài đầu tiên của Đài TNVN. Rất nhiều biên tập viên VOV5 đã sang Vân Nam (Trung Quốc) (1972-1973) để làm chương trình phát thanh đối ngoại trên đất bạn sau khi Mỹ ném bom Đài phát sóng Mễ Trì 19/12/1972. Nhiều biên tập viên kỳ cựu của VOV5 đã được lãnh đạo Đài cử đi làm chuyên gia hiệu đính, phát thanh viên tại đài phát thanh quốc tế Nga, đài phát thanh quốc tế Trung Quốc; đài phát thanh Campuchia; Đài NHK (Nhật Bản); KBS (Hàn Quốc). Trong vòng 20 năm trở lại đây, VOV5 là đơn vị đầu tiên cử nhân sự làm phóng viên và Trưởng đại diện các cơ quan thường trú nước ngoài: Pháp; Nhật; Thái Lan; Nga; Mỹ; Trung Quốc; Ai Cập; Lào; Campuchia; Indonesia.
Điều đáng mừng là một số năm trở lại đây, phóng viên được cử đi làm trưởng đại diện không chỉ là những lãnh đạo phòng giỏi tiếng, giỏi nghề mà còn là những gương mặt trẻ trên dưới 30 tuổi, vững vàng nghiệp vụ báo chí, sẵn sàng thử sức tác nghiệp trong môi trường mới vô vàn phức tạp và họ đã thành công.
Đóng góp của chuyên gia, cộng tác viên hiệu đính
Chuyên gia bản ngữ làm nhiệm vụ hiệu đính, phát thanh viên là một bộ phận không thể tách rời các chương trình phát thanh đối ngoại. Các phòng, chương trình đều có tối thiểu 1 cộng tác viên người nước ngoài giúp hiệu đính, thậm chí thể hiện trên sóng, đóng góp hiệu quả cho chất lượng dịch thuật của các chương trình phát thanh tiếng nước ngoài.
Dù chỉ nhận mức thù lao ít ỏi so với mặt bằng chung của các đơn vị làm truyền thông đối ngoại (VTV, TTXVN…), nhưng các chuyên gia, cộng tác viên hiệu đính các thứ tiếng đều gắn bó với công việc của mình tại VOV5 nhờ tình yêu lớn cho Việt Nam và họ sống gắn bó với cán bộ nhân viên các chương trình đối ngoại thân mật như một gia đình. Nhiều người trong số họ chia sẻ rằng, việc giúp VOV nói riêng và giúp Việt Nam nói chung như một nghĩa vụ cần làm. Trong số đó phải kể tới những chuyên gia góp phần quan trọng trong sự đổi mới, phát triển của chương trình tiếng Anh như Chris Ray, Terry Hartney, chuyên gia Trish Clark và Ian Finley…
Một trong số những chuyên gia hiệu đính gắn bó lâu nhất với VOV5 là ông Susanto, người Indonesia. Ông bắt đầu công việc tại chương trình tiếng Indonesia từ năm 1971 tới nay. Ông Susanto đã nhập quốc tịch Việt Nam, lấy tên là Lê Văn Thọ. Dù đã ngoài 80 tuổi, sức khỏe suy giảm, nhưng hằng ngày ông vẫn cần mẫn đến VOV5 làm công việc quen thuộc suốt gần 50 năm qua. Năm 2006, ông được nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát thanh do Tổng Giám đốc Đài TNVN trao tặng.
Bà Komatsu Miyuki, chuyên gia hiệu đính người Nhật Bản, 73 tuổi, cũng là một trong số những chuyên gia nước ngoài làm việc tại VOV5 trong suốt hơn 20 năm qua. Bà từng là người dạy tiếng Nhật cho các biên tập viên, phát thanh viên chương trình tiếng Nhật từ năm 1994. Sau công việc đào tạo, bà tiếp tục góp mặt tại VOV với tư cách chuyên gia hiệu đính vừa tiếp tục dạy tiếng Nhật nâng cao cho báo chí. Năm 2018, bà Komatsu được Bộ Ngoại giao Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc”.
Ngoài ra, VOV5 cũng luôn có những cộng tác viên người nước ngoài thân thiết ở các chương trình tiếng Thái, Khmer, Lào, Tiếng Nga, Pháp, Hàn Quốc…
Ngoài các chuyên gia, cộng tác viên nước ngoài, nhiều chương trình của VOV5 còn được sự trợ giúp đắc lực của các cộng tác viên Việt Nam là những biên tập viên kỳ cựu các thứ tiếng giúp hiệu đính chương trình, trang web hoặc thể hiện trên sóng. Có cộng tác viên đã gắn bó với chương trình ngay từ buổi phát sóng đầu tiên như ông Nguyễn Công Luận chương trình tiếng Đức (từ 2006).
75 năm qua, VOV5 đã đi qua một chặng đường đầy cam go, thử thách và cũng không ít vinh quang. Quá khứ luôn luôn gắn chặt với hiện tại và tương lai. Đoạn đường phía trước đòi hỏi “gia đình” VOV5 phải bứt phá, xông lên, làm cho uy tín của Tiếng nói Việt Nam ngày càng lớn mạnh và vang xa./.
VOV5 được biết đến qua các tên gọi như: Ban Biên tập Đối ngoại, Kênh Phát thanh Đối ngoại Quốc gia, nay là Ban Đối ngoại. Hiện VOV5 phát thanh bằng 12 thứ tiếng (Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Nhật, Tây Ban Nha, Lào, Thái, Khmer, Indonesia, Đức, Hàn Quốc) và tiếng Việt cho hơn 5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. VOV5 là đơn vị truyền thông đối ngoại nhiều tiếng nước ngoài nhất của Việt Nam. Các thứ tiếng phát sớm nhất: Anh, Pháp, Trung Quốc (7/9/1945); Chương trình trẻ nhất: Hàn Quốc (7/9/2018). Các chương trình phát sóng ngắn, sóng trung (AM) sang các châu lục và phát sóng FM trong nước trên 2 tần số 105.5 và 104 mHz của Ban Đối ngoại có tổng thời lượng 236 giờ, 35 phút/ngày.