Cựu chiến binh tâm huyết xây dựng Khu tưởng niệm Bác Hồ
VOV.VN - Những ngày này, rất đông người dân về Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa dâng hương, tưởng nhớ Bác Hồ. Đây là Khu tưởng niệm do cựu chiến binh Bùi Xuân Phước, 88 tuổi dành nhiều công sức xây dựng.
Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh rộng khoảng 2.000 mét vuông ở xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang có điện thờ, hội trường, hồ sen, tượng đài Bác Hồ, hàng cây râm bụt… Đặc biệt, trong nhà tưởng niệm có các mẫu vật phục dựng như bộ áo, quần kaki, nhà sàn, các hình ảnh của Bác Hồ.
Toàn bộ công trình khu tưởng niệm là tâm huyết, công sức của ông Bùi Xuân Phước. Ông Phước năm nay 88 tuổi, từng là cựu chiến binh tham gia kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ. Năm 1998, sau khi nghỉ hưu, thôi đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Bảo tàng tỉnh Phú Yên, ông Phước đã dành phần còn lại của cuộc đời để xây dựng Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Số tiền dành dụm, ông mua đất tại xã Phước Đồng, lúc này vẫn là khu vực hẻo lánh, đò giang cách trở. Không đủ tiền để xây dựng, ông bán luôn căn nhà gần 300 mét vuông tại trung tâm thành phố, “xin lại” lô đất đã cho con gái, rồi tiếp tục rao bán để lấy tiền xây dựng Khu tưởng niệm.
12 năm ròng rã xây dựng, ông đến các Chi nhánh Bảo tàng Hồ Chí Minh sao chụp tư liệu, phục chế hiện vật. Đến năm 2010, khi cảm thấy đã cơ bản khái quát những điểm son trong cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ, ông Phước mới chính thức khánh thành khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nhà mình trong sự mến phục của bạn bè, đồng đội.
Ông Vũ Khắc Đài, ở đường Dương Hiến Quyền, thành phố Nha Trang cảm phục trước việc làm của ông Bùi Xuân Phước: “Trước đây, khu này kiểu như là đồi, không có nhà cửa, rừng rú hoang vu. Bao nhiêu năm nay, ông tâm huyết làm. Qúa trình làm, đồng lương ông cũng eo hẹp nay cũng chỉ hơn 3 triệu thôi, chúng tôi cũng ủng hộ xây dựng dần dần. Mỗi một ngày khang trang lên. Hội trường kia mới làm được 3 năm nay chứ mấy. Từ ngày đầu đến bây giờ đẹp hơn như những cái tủ này ngày xưa không có, treo trên tường. Trân trọng hơn, đáp ứng những đoàn đến thăm.”
Hằng ngày, ông Bùi Xuân Phước đón khách, hướng dẫn tham quan, thuyết minh hiện vật. Bước vào Khu tưởng niệm, sau khi thắp hương tại đền thờ, du khách sẽ được tham quan không gian trưng bày trên 100 hiện vật, hình ảnh, tư liệu về Bác Hồ. Nhiều người gọi Khu tưởng niệm là “Bảo tàng Hồ Chí Minh thu nhỏ”. Không chỉ là điểm tham quan, dâng hương, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu tưởng niệm này đã trở thành địa chỉ sinh hoạt, giáo dục truyền thống của nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương tại tỉnh Khánh Hòa. Sau khi dâng hương, nhiều đơn vị tổ chức quán triệt Nghị quyết, sinh hoạt chính trị, lễ kết nạp Đảng.
Ông Bùi Văn Đa, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho biết, địa phương đã tổ chức nhiều đợt sinh hoạt chính trị tại Khu tưởng niệm này:“Bây giờ, tâm trạng của tôi đang trào dâng, cảm thấy chương trình rất ý nghĩa trong việc giáo dục truyền thống cho các thế hệ, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn phường. Có khu này rất thuận lợi, từ địa phương di chuyển vào đây chỉ 15km, các dịp đều tổ chức các đoàn đến đây để dâng hương Bác, tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ, nói chuyện chuyên đề về Bác. Mỗi năm một chuyên đề, năm nay tập trung chuyên đề về văn hóa, nâng cao trình độ văn hóa cho người dân, văn minh đô thị.”
Những ngày tháng 5 này, rất nhiều đoàn khách đến tham quan Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bất kể giờ nào, dù một người hay đoàn khách đông cả trăm người, đều được ông Phước chào đón niềm nở, thuyết minh nhiệt tình. Ông Bùi Xuân Phước tâm sự, quê ông ở thành phố Đà Nẵng, mồ côi cha từ năm 3 tuổi, tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi, đi qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, nay trở về, ông chỉ có tâm nguyện truyền lửa cách mạng cho lớp trẻ. 3 năm vừa qua, sức khỏe ông giảm sút vì tuổi cao, bệnh nan y có lúc đã khiến ông phải đi xe lăn, nhưng mỗi lần thấy người dân, khách phương xa đến thăm khu tưởng niệm ông quên đi mệt mỏi.
Ông Bùi Xuân Phước dự định, sang tháng 6, ông sẽ đi các Chi nhánh Bảo tàng Hồ Chí Minh, về Nam Đàn để sao chụp, thu thập thêm tư liệu về Bác đưa về đây trưng bày. Ông Bùi Xuân Phước cho biết: đầu năm đến nay đã đón được hơn 40 đoàn cựu chiến binh, hội đoàn thể, thanh niên, học sinh đến thăm, dâng hương tưởng niệm Bác Hồ.
“Đây là một công trình gần như của xã hội, của chung. Bởi vì, của cá nhân nhưng con không được bán, không sang nhượng, không mua, không thế chấp, không tặng cho chỉ được giữ lại để làm nhiệm vụ kế tục giáo dục truyền thống. Anh em đến đây tạo cho tôi niềm vui. Tôi K tiền liệt tuyến di căn qua xương, cũng chuẩn bị chết từ dưới lên trên rồi nhưng bây giờ lại phục hồi được như này. Cho nên thời gian này cố gắng, thấy sức khỏe đi được là đi tham quan một số chi nhánh của Bảo tàng Hồ Chí Minh để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm”./.