Cứu người Chứt khỏi bị suy thoái giống nòi từ hôn nhân cận huyết
VOV.VN -Điều khó khăn nhất nhưng bộ đội biên phòng làm được đó là đã thuyết phục người Chứt thay đổi tập tục kết hôn quanh quẩn trong tộc.
Được phát hiện từ những năm 1963 ở trong rừng sâu với đời sống hoang dã và đưa về định cư tại bản Rào Tre, thuộc xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, đến nay, người Chứt – một dân tộc hết sức đặc biệt của Việt Nam đang dần thay đổi những tập tục lạc hậu, nhất là hôn nhân cận huyết thống.
Con chú con bác lấy nhau là do “ý Trời”
Trước đây, người Chứt ở Rào Tre không có tập tục cưới hỏi, nếu chàng trai “ưng” cô gái nào trong bản chỉ cần lên rừng chặt một bó củi vác về đặt trước cổng nhà gái. Đồng ý, gia đình nhà gái vác bó củi vào đốt lửa, rồi ngay tối đó, chàng trai khăn gói quần áo sang nhà cô gái ở. Ở nhà cô gái cho hết thời hạn quy định thì cả hai dắt nhau về nhà chồng, dựng nhà cửa rồi sống với nhau.
Những đứa trẻ người Chứt được sinh ra hầu hết từ những cuộc hôn nhân cận huyết |
Vì vậy, những đứa trẻ được sinh ra trong cái vòng luẩn quẩn của hôn nhân cận huyết ấy đều chậm lớn và mang trong mình những mầm mống bệnh tật. Cả bản Rào Tre có 146 người, trong đó có vài chục thanh niên trong độ tuổi 16 – 35 thì hầu như đều có quan hệ huyết thống với nhau.
Hơn nữa, việc giao lưu, tiếp xúc với đồng bào các dân tộc khác bên ngoài còn hạn chế nên hầu như các cặp vợ chồng ở đây đều có quan hệ con chú bác, cô dì… Dù biết rằng “trai lớn dựng vợ, gái lớn gả chồng” nhưng người Chứt cũng chỉ biết nhìn qua nóc nhà sàn của anh em họ hàng dưới chân núi. Vì thế, nhiều cuộc hôn nhân gần gũi cứ diễn ra, cả bản đâu đâu cũng anh em chằng chịt…
Bà Hồ Linh ở bản Chứt hồn nhiên nói: “Con chị lấy con em, con dì lấy con cậu bình thường rồi, quen rồi nên bình thường”. Với cái lý đó, nhiều thế hệ người Chứt được sinh ra nhưng bị dị tật, trí tuệ chậm phát triển, nhiều trẻ đã tử vong sau sinh. Trường hợp Hồ Thị Sanh kết hôn với “chồng” là em con bà cô đã 3 năm, sinh được cậu con trai thì cháu bé bị dị tật, chỉ biết khóc ngằn ngặt là một minh họa không vui của tập tục lạc hậu này.
Ấy thế nhưng, nếu người Chứt nào tân tiến hơn, lên tiếng thì bị bà con tẩy chay cho rằng đi ngược lại “ý Trời”. Bà Hồ Sông là một người như vậy. Bà cho biết: “Tôi nói nhưng làng giận, làng nói không sao, không việc gì cả”.
Một đám cưới giữa cô gái Chứt và chàng rể Kinh |
Quyết thay đổi tập tục lạc hậu
Có thể nói, chính những chiến sĩ biên phòng “cắm bản” cùng nỗ lực của chính quyền địa phương đã dần thay đổi tập tục hôn nhân cận huyết của người Chứt. Thượng tá Nguyễn Văn Sâm, Đồn trưởng Đồn biên phòng Bản Rằng cho biết: “Điều khó khăn nhất nhưng bộ đội đã làm được đó là đã thuyết phục để bà con người Chứt thay đổi tập tục kết hôn quanh quẩn trong tộc.
Bộ đội biên phòng và đoàn thanh niên đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm kết nối, giao lưu giữa thanh niên dân tộc Chứt và thanh niên người Kinh, thanh niên dân tộc Chứt ở Quảng Bình để người họ không kết hôn cận huyết. Đến nay, đã có 3 nữ thanh niên dân tộc Chứt kết hôn với nam thanh niên người Kinh tại địa bàn huyện Hương Khê”.
“Đã có nhiều chính sách được ra đưa để khuyến khích người dân tộc khác kết hôn cùng người Chứt như hỗ trợ 30 triệu đồng, được cấp đất làm nhà, được tổ chức đám cưới và quà tặng… Rất vui mừng là đã đã có nhiều cặp đôi được bén duyên, có cuộc sống hạnh phúc, sinh con khỏe mạnh” – Thượng tá Nguyễn Văn Sâm chia sẻ.
Hồ Thị Đình Mai, một cô gái dân tộc Chứt kết hôn với anh Lê Xuân Công và có cuộc sống hạnh phúc. |
Đó là các cặp đôi Hồ Thị Đình Mai và Lê Xuân Công, Hồ Thị Duyên và Nguyễn Đình Nhân, Hồ Thị Đình Xuân và Võ Quốc Anh. Những chàng trai người Kinh này đã vượt qua định kiến về làm rể người Chứt. Đám cưới của họ chính quyền và bộ đội biên phòng bản Rào Tre tổ chức vui tươi, đầm ấm, được quay phim phát trên TV khiến bà con rất hứng khởi.
Tuy nhiên, dòng dõi của người Chứt ở Rào Tre vẫn đứng trước nhiều thách thức, bởi chênh lệch về giới tính ở đây quá lớn. Nếu tính trong độ tuổi kết hôn thì cứ 14 nam mới có 1 nữ, trong khi đó nỗ lực kiếm vợ người Kinh cũng không phải là dễ dàng.
Trung tá Nguyễn Quốc Phú, phụ trách Biên phòng bản Rào Tre cho biết: “Chúng tôi phải tính đến chuyện đi kiếm vợ cho nam thanh niên người Chứt. Điều rất vui mừng là vừa qua, Hồ Nghĩa – một thanh niên ở đây là được tác thành với Hồ Quỳnh Kham (cũng là người Chứt ở Tuyên Hóa Quảng Bình). Đây là điểm khởi đầu tốt đẹp góp phần thay đổi tập tục hôn nhân cận huyết thống”./.