Cứu trợ vùng lũ: Đừng để chỗ thừa thãi, chỗ không có gì
VOV.VN - Hiện nay, hàng trăm đoàn từ thiện từ khắp miền Tổ quốc tìm về các tỉnh miền Trung vừa bị bão lũ để cứu trợ, tuy nhiên, tại nhiều nơi đã xảy ra tình trạng "quà cứu trợ chỗ thừa, chỗ thiếu”.
Những ngày này, hàng trăm đoàn từ thiện từ khắp miền Tổ quốc tìm về các tỉnh miền Trung vừa bị bão lũ để cứu trợ, giúp đỡ bà con vùng lũ vượt qua khó khăn. Tất cả đều mong muốn hỗ trợ bà con vùng lũ nhanh chóng ổn định cuộc sống, vượt qua mọi thiếu thốn trước mắt. Việc cứu trợ khẩn cấp đã giúp bà con vùng lũ ấm lòng.
Tuy nhiên, chuyện một số nhóm thiện nguyện tự tổ chức thành đoàn cứu trợ đi đến những vùng xung yếu, nguy hiểm, gây ra những phản ứng trái chiều. Thực tế cho thấy, hàng cứu trợ đến tay người dân vùng lũ có nơi nhiều, nơi ít; thậm chí cái người dân vùng lũ đang cần thì không có, cái đưa xuống đó thì dân chưa cần. Làm thế nào để hàng cứu trợ vừa đúng, vừa kịp thời đến tay người cần cứu trợ và đảm bảo an toàn cho những người đi cứu trợ đang là vấn đề được dư luận quan tâm.
Những ngày này, dọc Quốc lộ 1A hay các con đường vào vùng lũ 2 huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, hàng trăm đoàn từ thiện nối đuôi nhau mang hàng tấn hàng hóa đến giúp bà con vùng lũ. Hàng cứu trợ đa phần là mì tôm, nước uống, gạo, bánh kẹo, sữa, bánh chưng… Có những nhà hảo tâm giúp người dân bị ngập lụt bằng tiền mặt để bà con tự mua sắm vật dùng cần thiết.
Trước đó, vào những ngày nước lũ chưa rút hết, ca sĩ Thủy Tiên và nhiều nhóm từ thiện từ TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Phú Yên vượt đường sá xa xôi, thuê xe tải chở hàng cứu trợ đến bà con vùng lũ tỉnh Thừa Thiên Huế; mang theo tấm lòng yêu thương về với bà con vùng lũ miền Trung.
Tại tỉnh Quảng Trị, ngay sau khi đường thông tạm, 10 chiếc xe bán tải chở theo hàng hóa, nhu yếu phẩm đã men theo đường mòn đi ra tỉnh Quảng Bình, rồi theo đường Hồ Chí Minh tiếp cận xã Hướng Lập và Hướng Việt. Trong khi đó, ở các xã vùng trũng thuộc các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, các đoàn cứu trợ tiếp tục đến với người dân ngập lũ lâu ngày.
Ông Ngô Ngọc Vũ, cán bộ UBND xã Hải Định huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị suốt mấy tuần qua vất vả ngược xuôi đưa các đoàn cứu trợ đến vùng lũ trao quà tận tay bà con đã nói lời cảm ơn từ vùng lũ.
"Có rất nhiều nhà tài trợ, rất nhiều đoàn từ thiện đã đến kịp thời động viên chia sẻ, trao tặng món quà, giúp bà con dân vùng lũ ở quê chúng tôi sớm vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Người dân trong vùng lũ được hỗ trợ một cách kịp thời" - ông Vũ chia sẻ.
Nhiều ngày qua, đã có nhiều đoàn từ thiện mang theo cả thiết bị lọc nước, bếp nấu ăn, quần áo cũ, sách vở… đến giúp bà con vùng lũ. Tất cả những thứ này đều rất cần với người dân vùng ngập lụt. Hiện nay, tại nhiều nơi đã xảy ra tình trạng "quà cứu trợ chỗ thừa, chỗ thiếu”. Có nhà nhận hàng chục thùng mì ăn liền nhưng có hộ thì nhiều ngày vẫn không có gì để ăn.
Ông Lê Thành Nam, ở thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình cho rằng, người dân gặp nạn rất cảm động, trân quý những tình cảm tốt đẹp, sự đùm bọc của đồng bào cả nước. Tuy nhiên để quà cứu trợ đến đúng nơi và trúng đối tượng đang thiếu đói thì cần phải có sự phối hợp giữa chính quyền địa phương với các tổ chức, cá nhân hảo tâm.
"Chính quyền địa phương sẽ biết rằng chỗ nào thì cần, các nhà hảo tâm thông qua đó để chính quyền địa phương tạo điều kiện đến trực tiếp phát hàng cho dân. Chính quyền địa phương họ biết được đối tượng nào cần giúp đỡ bao nhiêu là phù hợp" - ông Nam bày tỏ.
Bà Vương Thị Hiên, ở xã Hải Định, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị cho biết, chỉ trong vòng 10 ngày, người dân ở đây phải hứng chịu 4 cơn lũ nặng nề, tài sản bị cuốn trôi, lúa gạo, củi bếp đều ướt cả. Mấy ngày nay nhờ chính quyền địa phương và các đoàn từ thiện đến hỗ trợ nhu yếu phẩm thì gia đình bà mới có thức ăn, nước uống. Bà Hiên tâm sự, mình đã qua cơn khốn đốn vì được cứu trợ kịp thời nhưng người dân ở các xã vùng trũng khó khăn hơn vẫn chưa được nhận quà cứu trợ.
Theo bà Hiên: “Có đoàn họ về cho trực tiếp, nhưng mà về dưới sâu kia sóng gió nhiều khiến các đoàn về không được. Có những người ở lân cận thì hưởng được nhiều, còn tôi ở bên kia xa nên nhiều khi nghe được thì qua nhận còn không thì trong nhà có chừng nào ăn chừng nấy".
Ngay sau khi nước lũ rút, đã có nhiều đoàn cứu trợ tìm đến giúp người dân vùng lũ miền Trung. Nghĩa cử và tấm lòng này rất đáng trân trọng. Nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm thông qua chính quyền địa phương, Mặt trận các cấp để đưa quà cứu trợ đến tay người dân.
Bên cạnh đó, nhiều đoàn tự tổ chức thuê ghe, xuồng đi thẳng về các vùng ngập lụt. Việc các đoàn từ thiện khi đến đây, chưa thông thạo địa hình đã tự đi vào các vùng xung yếu, ngập lụt là rất nguy hiểm, không bảo đảm an toàn tính mạng cho những người đi cứu trợ.
Vừa qua, đã xảy ra các vụ lật thuyền của một số đoàn từ thiện khi đang đi tiếp tế nhu yếu phẩm, rất may được lực lượng chức năng ứng cứu kịp thời.
Bà Nguyễn Thị Phương Thùy, nhóm thiện nguyện ở huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận đang cứu trợ ở tỉnh Quảng Trị cho rằng, cần tìm hiểu xem người dân vùng lũ cần gì để từ đó có kế hoạch hỗ trợ những đồ dùng thiết yếu, thực sự cần thiết. Vì thế, các đoàn cứu trợ khi đến địa phương nên liên hệ với chính quyền nơi đó để có sự phối hợp chặt chẽ, tránh tình trạng cái người dân cần thì không có, cái dân chưa cần thì cho quá nhiều.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Thùy, nhóm thiện nguyện của bà đã về huyện Hải Lăng, nhờ cán bộ địa phương đưa đoàn đến nơi tâm lũ, tổ chức phương tiện đảm bảo an toàn để hỗ trợ trực tiếp cho người dân.
“Khi những đoàn thiện nguyện đến đây theo tôi, nên liên hệ với chính quyền ở tại địa phương để dẫn mình đi. Các cán bộ địa phương sẽ lập danh sách để tôi và địa phương chịu trách nhiệm gọi từng người đến phát quá. Các cán bộ ở đây cũng hỗ trợ cho tôi phương tiện, áo phao để đi qua vùng lũ đưa quà đến nơi cần thiết nhất" - bà Phương Thúy chia sẻ.
Anh Nguyễn Ngọc Trọng ở quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh cho biết, nhóm của anh gồm những người có kinh nghiệm bơi lội, khi đi cứu trợ mang cả xuồng phao để dễ tiếp cận những vùng còn bị cách trở, sớm hỗ trợ, không để bà con thiếu đói. Anh Nguyễn Ngọc Trọng nêu kinh nghiệm, tốt nhất là nhờ tổ chức Mặt trận và người dân địa phương hướng dẫn để việc cứu trợ đến được nơi cần đến.
Theo anh Trọng: "Thông tin trên mạng rất nhiễu loạn nên chúng tôi không biết nơi nào thực sự cần. Nhờ người dân địa phương chỉ cho chúng tôi biết để đi đến những vùng sâu thật sự cần nhất. Bởi vì phía ngoài có rất nhiều đoàn đã cứu trợ rồi nhưng phía trong vẫn còn bị cô lập, không có thuyền để đi đến nơi".
Bà Phạm Thị Ngọc Hân, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình cho biết, chính quyền và người dân tỉnh Quảng Bình rất cảm kích trước những tình cảm, tấm lòng cao quý của đồng bào cả nước hướng về người dân vùng lũ. Thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã nhận được sự động viên, giúp đỡ rất lớn cả về vật chất và tinh thần của các bộ, ban, ngành Trung ương; các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm.
Những tình cảm, tấm lòng yêu thương, đùm bọc, nhường cơm, sẻ áo, nghĩa đồng bào cao cả đã góp phần giúp nhân dân Quảng Bình sớm vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, hiện có một thực tế đáng lo là có nơi thì đón tiếp quá nhiều đoàn cứu trợ, có nơi lại chẳng có đoàn cứu trợ nào đến giúp bà con.
2 huyện vùng trũng phía nam tỉnh Quảng Bình là Quảng Ninh và Lệ Thủy do mưa lũ lớn, ngập lụt dài ngày nên nhận được sự ưu tiên cứu trợ khẩn cấp. Nơi đó cũng là điểm đến của rất nhiều nhóm thiện nguyện, cứu trợ. Trong khi đó, ở các địa phương khác, đợt mưa lũ vừa rồi cũng bị tàn phá cũng khốc liệt nhưng chưa thấy bóng dáng các đoàn cứu trợ đến giúp bà con.
Bà Phạm Thị Ngọc Hân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình kêu gọi các đoàn cứu trợ khi đến Quảng Bình giúp bà con vùng lũ, hãy cùng phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam hoặc các tổ chức đoàn thể trong tỉnh để kịp thời đưa hàng cứu trợ đến đúng nơi, đúng chỗ.
Giữa những ngày mưa lũ, việc cứu trợ lương thực như mì ăn liền, hộp cơm nóng hay chiếc bánh chưng là món quà rất đúng lúc, nhanh chóng giúp người dân đối phó trong mưa gió bão bùng. Sau lũ, nhiều hộ dân đã trôi hết đồ đạc trong nhà, cần mua sắm nhiều vật dụng cần thiết, từ việc mua sách vở, quần áo cho con trẻ cho đến sắm lại nông cụ, mua cây, con giống, tái thiết lại nhà cửa… là những thứ rất cần cho đồng bào vùng lũ khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, khắc phục hậu quả thiên tai./.