Đa dạng hình thức truyền thông để ứng phó thiên tai
VOV.VN - Đa dạng hình thức truyền thông; nâng cao nhận thức, năng lực cộng đồng; sẵn sàng các phương án ứng phó,… Đây là những việc làm của tỉnh Thừa Thiên Huế trong hành động sớm và chủ động ứng phó với thiên tai.
Gần đây, người dân Thừa Thiên Huế đã dần làm quen với ứng dụng Hue-S-Dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là ứng dụng trên nền tảng di động được xây dựng theo hướng super App (siêu ứng dụng) với định hướng một ứng dụng duy nhất tích hợp.
Hue-S vừa triển khai các dịch vụ đô thị thông minh phục vụ người dân, doanh nghiệp vừa ứng dụng chính quyền số phục vụ công tác chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước tỉnh.
Đến năm 2025, Hue-S trở thành nền tảng phổ biến trong kết nối hệ sinh thái xã hội số tỉnh Thừa Thiên Huế. Khi truy cập vào mục “Thông báo, cảnh báo”, người dùng dễ dàng nắm bắt được thông tin về thời tiết, thiên tai, bão lụt, cảnh báo những vùng nguy hiểm và hướng dẫn cách phòng tránh, đảm bảo an toàn…
Ông Lê Trọng Nhân, người dân ở thành phố Huế cho rằng: Trong trận mưa vừa qua, tôi xem những thông tin về tình hình mưa bão, những chỗ ngập nước,… qua những trang Fanpage và đặc biệt là ứng dụng Hue-S.
"Thời gian gần đây, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã cập nhật rất là nhiều chức năng về phòng tránh mưa bão trong ứng dụng này. Nhưng việc lan truyền để cho nhiều người dân biết thì còn rất là ít. Mong rằng, tỉnh sẽ có những giải pháp để lan truyền ứng dụng này đến với đông đảo người dân hơn, để người dân có thể cập nhật một cách nhanh chóng khi mưa bão đến”, ông Nhân nói.
Tại các trường đại học, phổ thông, ngành giáo dục và đào tạo phối hợp chính quyền địa phương và các tổ chức đa dạng các hình thức tuyên truyền phòng chống thiên tai cho học sinh, sinh viên. Thông qua hoạt động ngoại khóa, nhà trường lồng ghép kiến thức phòng chống thiên tai, dạy bơi, tổ chức các giải bơi truyền thống…
Nhiều sự kiện, cuộc thi kiến thức về phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, biến đổi khí hậu, tập huấn về trường học an toàn;… nhận được sự tham gia hưởng ứng tích cực của học sinh, sinh viên.
Em Phan Đức Nhật Huy, học sinh lớp 10 A1 cùng các bạn học sinh trường THPT Quốc học Huế rất hào hứng tham gia sự kiện Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai và Ngày ASEAN Quản lý thiên tai năm 2024 với chủ đề “Trao quyền cho thế hệ trẻ vì một tương lai an toàn trước thiên tai” vừa được tổ chức tại khuôn viên nhà trường.
“Là một người con của xứ Huế, sống ở một nơi mà thiên tai, bão lụt hàng năm rất dễ gặp. Em hy vọng là sẽ có nhiều hoạt động như này hơn nữa trong tương lai. Các bạn trẻ sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm để phòng chống thiên tai. Và đặc biệt là có thể bảo vệ không chỉ mình, mà còn bảo vệ cả cộng đồng, cả đất nước trước những hiểm họa của thiên nhiên”, em Huy bày tỏ.
Ông Đặng Văn Hòa, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, đơn vị thường xuyên cập nhật thông tin, cảnh báo về tình hình thời tiết, mưa, bão, lũ lụt cùng công điện chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh và các biện pháp ứng phó thiên tai trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.
“Chúng tôi cũng phối hợp với Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh để triển khai app về mực nước của các hồ chứa thủy lượi, thủy điện, cũng như mực nước các sông trên địa bàn của tỉnh để làm sao đó một cách nhanh nhất thông tin đến với cộng đồng cũng như trong phối hợp điều hành, theo dõi thông tin chỉ đạo của UBND tỉnh”, ông Hòa cho hay.
Theo dự báo năm 2024 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, thiên tai diễn biến phức tạp, tương tự với tình huống mưa lũ, bão xảy ra tháng 10/2020. Ngay từ đầu mùa mưa bão, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hồ đập.
Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các địa phương rà soát, xây dựng phương án, chủ động huy động lực lượng, phương tiện để triển khai công tác ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Với phương châm “bốn tại chỗ”, các đơn vị, địa phương rà soát, cập nhật chi tiết từng phương án ứng phó, chủ động lên phương án sơ tán, di dời dân, bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của nhân dân và nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định: “Công tác phòng, chống thiên tai phải lấy phòng ngừa là chính, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” gắn với xây dựng cộng đồng an toàn; kết hợp giải pháp công trình và phi công trình, theo hướng đa mục tiêu; khôi phục, tái thiết sau thiên tai đảm bảo tính bền vững và yêu cầu xây dựng lại tốt hơn”.