Kỳ thi tuyển sinh vào 10 ở Hà Nội ngày càng "nóng", thầy giáo hiến kế "hạ nhiệt"
VOV.VN - Càng ở các quận nội thành Hà Nội, kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập lại càng căng thẳng. Sức nóng của kỳ thi không chỉ khiến học sinh áp lực mà còn là nỗi lo của nhiều bậc phụ huynh.
Nhiều năm nay, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội được giáo viên, phụ huynh và học sinh cho là “khó hơn cả vào đại học”. Hàng năm, trung bình chỉ có khoảng hơn 60% học sinh có “vé” vào các trường THPT công lập, số còn lại sẽ buộc phải học tại các trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên, hoặc học nghề. Càng ở các quận nội thành, kỳ thi vào lớp 10 lại càng căng thẳng. Sức nóng của kỳ thi không chỉ khiến học sinh áp lực mà còn là nỗi lo của nhiều bậc phụ huynh.
Chị Bùi Bích Diệp (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, con gái chị có học lực khá, điểm trung bình các môn đều trên 8.0, nhưng cũng không dám chắc “suất” vào trường công lập. Sắp đến kỳ thi, không chỉ con gái, mà cả gia đình chị đều hồi hộp lo lắng: “Ngày nào con cũng học đến khuya, tập trung vừa học nốt chương trình trên lớp, vừa tự ôn tập những gì đã học. Ngoài thời gian học ở trường, con học thêm kín tuần từ thứ 2 đến thứ 7, buổi tối cũng học đến 11, 12h đêm mới nghỉ. Riêng ngày chủ nhật tôi khuyên con nên để trống lịch để nghỉ ngơi. Nhưng nếu không đi học thêm, con vẫn tự học cả ngày cuối tuần”.
Chị Diệp chia sẻ, ưu tiên số 1 của con và gia đình là trường THPT công lập, tuy nhiên để giảm áp lực cho con, chị nộp hồ sơ xét tuyển cho con vào 1 trường THPT ngoài công lập gần nhà. Với phương án này, chị Diệp chấp nhận có thể mất 15 triệu tiền “giữ chỗ" nếu con chị không theo học.
“Việc nộp phí ghi danh, nhập học hoàn toàn theo thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh. Trường hợp con theo học, số tiền này sẽ được khấu trừ vào các khoản đóng góp đầu năm học. Trường hợp con không theo học sẽ phải chấp nhận mất khoản tiền này. Theo quan sát và theo dõi của tôi qua nhiều năm, nếu không có phương án chuẩn bị từ sớm, trường hợp đợi con trượt trường công rồi mới nộp hồ sơ vào trường tư thục cũng rất khó khăn. Bởi hầu hết các trường ngoài công lập có chất lượng tốt số lượng hồ sơ nộp vào đã rất đông. Nếu chậm chân thì vào trường nào cũng khó”, chị Diệp nói.
Chị Nguyễn Thu Hiền (Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, thực tế ngành giáo dục vẫn định hướng nếu không vào được các trường THPT công lập, học sinh còn có nhiều cơ hội khác, trong đó có cả cơ hội học thẳng các trường nghề theo mô hình 9+. Song ở độ tuổi 14, 15, việc định hướng nghề nghiệp tương lai chưa thực sự rõ ràng, việc chọn học nghề khó cả cho học sinh và phụ huynh. Bởi vậy học tiếp lên THPT vẫn là ưu tiên số 1. Nhà nhà mong con vào trường công, người người muốn con được học công lập, cũng bởi vậy mà cuộc đua vào lớp 10 tại các thành phố lớn như Hà Nội ngày càng căng thẳng.
Thầy Nguyễn Duy Khánh, giáo viên môn Sinh học tại Hà Nội cho rằng, sức “nóng” của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội có nguyên nhân chính bắt nguồn từ sự chênh lệch cung – cầu. Nhu cầu của học sinh lớp 9 vào lớp 10 THPT công lập quá lớn, trong khi hệ thống trường công không đáp ứng được. Thậm chí hàng năm chỉ giải quyết được khoảng trên dưới 60% nhu cầu đó, số học sinh còn lại buộc phải theo học tại các trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên hay theo học nghề.
Tuy nhiên, giữa các trường ngoài công lập cũng có sự phân luồng khá rõ. Một số trường được đánh giá có chất lượng tốt, cơ hội trúng tuyển cũng không hề dễ. Trong khi đó vẫn có những trường gắn mác “quốc tế”, nhưng chất lượng chưa thực sự tương xứng, khiến nhiều phụ huynh chưa thực sự tin tưởng khi cho con theo học.
Số lượng các trường công lập có hạn, trong khi thực tế nhu cầu xã hội quá nhiều, để giảm bớt áp lực này, thầy Nguyễn Duy Khánh đề xuất cần nhanh chóng xem xét mở thêm trường học trong bối cảnh tốc độ gia tăng dân số cơ học tại Hà Nội theo cấp số nhân như hiện nay.
“Cùng trên địa bàn thành phố, nhưng những trường ở khu vực ngoại thành tỷ lệ chọi không cao, trong khi đó các trường nội thành điểm chuẩn có thể cao hơn đến cả chục điểm. Giữa các trường ở khu vực nội thành cũng lại có sự chênh lệch về tỷ lệ chọi. Ngoài vấn đề về chất lượng đào tạo, thì còn có nhiều nguyên nhân từ vị trí địa lý, giao thông, sự thuận tiện khi di chuyển…Phụ huynh nào cũng mong muốn con được học trường công lập, gần nhà, bởi vậy càng trong các khu vực nội thành, áp lực thi cử càng lớn do tỷ lệ chọi cao.
Việc sắp xếp các trường làm sao cho đáp ứng nhu cầu của học sinh là bài toán rất lớn, cần giải quyết trong thời gian tương đối dài, không phải chuyện ngày 1 ngày 2, song cần sự quyết liệt của toàn thành phố”, thầy Khánh nói.
Theo thầy Nguyễn Duy Khánh, trong khi học sinh Hà Nội thiếu trường học, thì trên địa bàn thành phố vẫn có nhiều dự án bỏ hoang, không gian bỏ trống. Trong quá trình quy hoạch đô thị cần ưu tiên sử dụng những không gian đó cho việc xây dựng hệ thống trường lớp. Quy hoạch các khu đô thị, nhà chung cư cũng cần gắn liền với các thiết chế trường học, bệnh viện, đảm bảo vấn đề an sinh xã hội.
Thậm chí, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay, thầy Khánh cho rằng, các trường hoàn toàn có thể tính đến phương án dạy online với một số môn học, giảm số lớp học vật lý, từ đó giảm nhẹ áp lực về trường lớp.