Đà Nẵng mở lớp dạy kỹ năng sống miễn phí cho trẻ
VOV.VN -Tại thành phố Đà Nẵng, hơn một năm nay có một lớp dạy kỹ năng sống miễn phí thu hút đông đảo học sinh tham gia.
Lớp học này do cô Phạm Thị Thúy Loan, Phó hiệu trường THCS Nguyễn Huệ giảng dạy, không giới hạn độ tuổi, không phân biệt học sinh trong hay ngoài trường và không thu học phí.
Lớp dạy kỹ năng sống cho trẻ còn có sự tợ giúp của cán bộ công an phường. |
Sáng chủ nhật hàng tuần, tại trường THCS Nguyễn Huệ, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng không khí lớp học kỹ năng sống của cô Loan thật náo nhiệt. Lớp học có nhiều học sinh từ nhiều trường trên địa bàn quận, độ tuổi từ 12 đến 18. Những chủ đề như: “Bạo lực học đường là gì?”, “Những kỹ năng ứng xử trước bạo lực học đường”, “Thế nào là xâm hại tình dục?” hay “Kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục”,… là những nội dung được giảng dạy trong lớp. Các em bàn luận sôi nổi, mọi vấn đề được chia sẻ, góp ý thẳng thắn. Nhiều em tự nhận mình là nạn nhân của bạo lực học đường, bạo lực gia đình. Nhưng đa phần các em không nhận biết được thế nào là xâm hại tình dục. Nếu bị rơi trong hoàn cảnh đó các em phải làm gì?.
Em Đoan Thi, học sinh lớp 8/6, trường THCS Nguyễn Huệ cho biết, có những điều tưởng chừng rất khó chia sẻ với ba mẹ thì ở lớp, em dễ dàng chia sẻ với cô. Khi tham gia lớp học này, em biết được nhiều cách để bảo vệ bản thân mình: “Ví dụ khi con ra ngoài lúc trời tối, con thấy một người có khả năng xâm hại con thì con sẽ đến chỗ sáng, hoặc đến nhà dân gần đó gọi về cho ba mẹ, hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ của người ven đường”
Ngoài trang bị cho các em kỹ năng giải quyết vấn đề, cô Loan còn mời cán bộ công an phường tham gia giúp các em có thêm hiểu biết về pháp luật. Mỗi buổi học kỹ năng sống do cô Loan giảng dạy thu hút từ 20 đến 30 em, có lúc lên tới gần 60 em.
Cô Loan cùng các học trò trao đổi về nội dung tiết học. |
Hiệu quả thiết thực nên lớp học này nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các bậc phụ huynh.
Ông Lê Văn Thành, phụ huynh một học sinh cho biết: “Như tuần trước lớp có dạy về nội dung phòng chống bạo hành trẻ em, ấu dâm, tự vệ cho bản thân thì tôi thấy cũng hay lắm”.
Nội dung bài giảng của cô Loan thay đổi linh hoạt theo các vấn đề thời sự và nhu cầu của học sinh. Cô Loan chia sẻ: Từ khi còn là Tổng phụ trách Đội, cô đã thường xuyên đồng hành với học trò trong các hoạt động ngoại khóa. Thời gian ấy, cô nhận thấy học trò của mình còn thiếu rất nhiều kỹ năng sống. Điều đó thôi thúc cô mở lớp và duy trì lớp học này. Trong mỗi bài giảng, ngoài việc chọn cách trình bày hấp dẫn, thu hút, cô luôn tìm tòi và sử dụng những từ ngữ, hình ảnh phù hợp. Cô Loan cho biết, “Trẻ cần cái gì, cô dạy cái đó”.
“Rõ ràng, hoạt động kỹ năng phải là hoạt động trải nghiệm, chứ không thể là lý thuyết không thôi. Nếu như chỉ dừng lại ở lý thuyết thì các em sẽ dừng lại ở mức độ nhận thức, chứ không thành hành vi được. Mà kỹ năng sống phải chuyển biến thành hành vi để các em ứng xử với biến đổi, những cái các em gặp trong đời sống hàng ngày. Tức là các em ứng xử với nó như thế nào để các em có cuộc sống an toàn”
Bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng cho biết: Lớp học này rất cần thiết vì hiện nay hầu hết các học sinh đều tiếp cận sớm với mạng xã hội. Các em cần người hướng dẫn để có nhận thức và hành động đúng.
Bà Trần Thị Thúy Hà cho biết thêm, dịp hè này ngành sẽ nhân rộng mô hình lớp kỹ năng sống đến các trường học ở quận Hải Châu: “Ưu điểm thứ nhất về lớp học này chính là việc các con đến lớp là hoàn toàn tự nguyện. Thứ 2 là nội dung gắn với tâm, sinh, lý của học sinh THCS. Thứ 3 là xuất phát từ cái tâm, nhiệt huyết của người đứng giảng, là truyền lửa, truyền nhiệt huyết đến cho học sinh”./. Trường học cần nâng cao rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh