Đà Nẵng: Một số tạp chí, tờ báo hạn chế truyền thông nhưng đậm nét câu view
VOV.VN - Để nâng cao năng lực tham mưu quản lý nhà nước trên lĩnh vực thông tin báo chí, Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng sẽ xây dựng mối liên hệ mật thiết, gần gũi với các cơ quan báo chí trên tinh thần “xây” là cơ bản nhưng “chống” phải quyết liệt.
Sáng 10/12, tại Hội nghị Sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về việc “phối hợp trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí trên địa bàn TP. Đà Nẵng”, Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông thành phố cho biết, công tác quản lý nhà nước về báo chí gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các tạp chí của các Hội, Hiệp hội.
Hiện nay, trên địa bàn TP. Đà Nẵng có 4 cơ quan báo chí địa phương, 107 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương khác đặt văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú hoạt động. Tổng số nhân sự của các cơ quan báo chí đóng trên địa bàn thành phố khoảng 800 người. Trong đó, đội ngũ làm báo thuộc các cơ quan báo chí có văn phòng đại diện, phóng viên thường trú gần 520 người với khoảng 250 người được cấp Thẻ nhà báo.
Thông tin tại Hội nghị khẳng định, thời gian qua, công tác quản lý báo chí trên địa bàn TP. Đà Nẵng được triển khai thực hiện cơ bản đảm bảo. Tuy vậy, nhiều hội đoàn thể xã hội nghề nghiệp được hoạt động báo chí đã cho ra đời nhiều cơ quan báo chí hoạt động, chưa được kiểm soát tốt. Nội dung truyền thông hạn chế, đậm nét câu view, biến cơ quan báo chí thành tổ chức kinh tế. Nhiều cơ quan chủ quản thiếu quan tâm, buông lỏng vai trò quản lý làm cho tờ báo xa rời tôn chỉ, mục đích.
Việc bổ nhiệm các trưởng văn phòng đại diện, tuyển dụng phóng viên thường trú khá dễ dãi. Việc cấp giấy giới thiệu cho phóng viên không đúng quy định, gây trở ngại trong công tác phối hợp, quản lý. Hiện nay, đã và đang phát sinh hiện tượng thiếu lành mạnh trên không gian mạng nhưng các giải pháp về hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn thông tin tiêu cực không kịp thời.
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng cho biết, trên địa bàn thành phố có hiện tượng phóng viên “hai mặt” dùng mạng xã hội để xâm phạm lợi ích của các tổ chức cá nhân. Tỷ lệ các cơ quan báo chí đăng tải, đính chính các thông tin được phản hồi còn thấp so với luật định. Để nâng cao năng lực tham mưu quản lý nhà nước trên lĩnh vực thông tin báo chí, Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng sẽ xây dựng mối liên hệ mật thiết, gần gũi với các cơ quan báo chí trên tinh thần “xây” là cơ bản nhưng “chống” phải quyết liệt.
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng cho biết: “Tăng cường công tác phối hợp giữa Sở Thông tin và Truyền thông, ban Tuyên giáo Thành ủy, Hội Nhà báo, Công an thành phố, Cục Báo chí, Cục An toàn thông tin, Cục PTTH và Trang Thông tin điện tử... tạo nên sự đồng bộ, mạnh mẽ quyết tâm chính trị cao trong công tác định hướng, quản lý hướng dẫn báo chí hoạt động đúng pháp luật, dưới sự lãnh đạo của Đảng, vì lợi ích quốc gia dân tộc; Tham mưu xây dựng Quy chế hoạt động báo chí trên địa bàn thành phố theo đúng luật pháp và có những cam kết với cơ quan chủ quản, người đứng đầu các cơ quan báo chí về thực hiện đúng tô chỉ, mục đích, lựa chọn nhân sự đại diện có phẩm chất tốt về chính trị, đạo đức...”./.