Đà Nẵng tăng cường phòng, chống bệnh tay chân miệng
VOV.VN - Trong 2 tuần qua, tại thành phố Đà Nẵng, số ca bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng. Ngành y tế thành phố khuyến cáo các địa phương, cơ sở giáo dục, các bậc phụ huynh cần chủ động chăm sóc, bảo vệ con mình.
Hai tuần qua, cứ mỗi ngày, Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân tay chân miệng điều trị nội trú. Chị Phan Thị Nguyệt, ở tỉnh Thừa Thiên - Huế có con mắc bệnh tay chân miệng đang điều trị tại đây cho biết, con trai gần 6 tháng tuổi của chị nhập viện trong tình trạng sốt cao, mụn nước mọc quanh bàn tay và chân, người mệt li bì, hơn một tuần vẫn chưa khỏi.
“Tình trạng của bé đầu tiên là sốt cao, ngủ giật mình và nhiễu nước miếng, cổ họng bị lở loét, gia đình đưa bé đến bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán bị bị tay chân miệng. Đến hôm nay hơn 1 tuần, tình trạng này vẫn chưa đỡ hẳn”, chị Nguyệt nói.
Bệnh tay chân miệng có dấu hiệu gia tăng trong 2 tuần nay. Những tháng đầu năm, mỗi ngày, khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng tiếp nhận từ 10- 20 bệnh nhân điều trị nội trú tại khoa, hiện nay, tăng lên 100 bệnh nhân. Bệnh tay chân miệng ở trẻ xuất hiện và có nguy cơ bùng phát 2 thời điểm trong năm, từ tháng 4 đến tháng 5 và tháng 10 đến tháng 11. Lứa tuổi mắc tay chân miệng phổ biến trẻ từ 1 đến 5 tuổi, trong đó trẻ 1 - 3 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.
Bác sĩ Nguyễn Hải Thịnh, Trưởng khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho biết, đối với những trẻ mắc bệnh này thường sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi, đau họng, ho, nổi ban đỏ trên da…
“Hiện nay, đang trong mùa cao điểm của bệnh tay chân miệng. Bệnh lý tay chân miệng là bệnh lý lây qua đường miệng ăn uống, tiếp xúc với đồ chơi. Khuyến cáo các bậc phụ huynh nên thường xuyên rửa tay cho em bé, khi bé có những triệu chứng nghi ngờ bệnh tay chân miệng nên đưa đến cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám. Bệnh tay châm miệng hiện tại đang tăng đột biến so với từ đầu năm đến nay”, bác sĩ Nguyễn Hải Thịnh cho biết.
Từ đầu năm đến nay, thành phố Đà Nẵng ghi nhận 300 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Trong tuần qua, số ca bệnh tay chân miệng tăng lên hơn 100 ca, tập trung ở các quận Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Cẩm Lệ và huyện Hoà Vang. Chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng, không để lây lan và bùng phát thành dịch, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng yêu cầu Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố hướng dẫn về mặt chuyên môn trong công tác giám sát, điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch; tăng cường xử lý ca bệnh đơn lẻ, ổ dịch tại các địa phương.
Ông Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng cho hay, Trung tâm thành lập các đội cơ động phòng, chống dịch, chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị và đặc biệt là hoá chất để cấp cho các đơn vị, bệnh viện có thu dung điều trị.
“Biện pháp phòng bệnh tay chân miệng là luôn giữ gìn vệ sinh sạch sẽ. Bên cạnh đó, giữ gìn vệ sinh ăn uống, nhà cửa thông thoáng. Để phòng, chống dịch bệnh mùa hè, chúng tôi có 2 đội cơ động phòng, chống dịch. Các Trung tâm, có tổ để chuyên xử lý bệnh tay chân miệng, xử lý kịp thời hạn chế sự lây lan. Trong tuần qua, ghi nhận trung bình 100 ca, những giai đoạn đầu số lượng phát hiện thấp hơn, tháng 4 và tháng 5 bắt đầu bệnh tay chân miệng vượt lên, ghi nhận số ca nhiều hơn", ông Nguyễn Hóa nói./.