Đại án Việt Á cũng tác động đến tự chủ bệnh viện?
VOV.VN - “Vì sao hai bệnh viện đang thí điểm cơ chế tự chủ xin thôi?” - Câu hỏi này cần phải có tổng kết và đặt trong bối cảnh vừa qua có những vi phạm rất nghiêm trọng trong ngành y tế liên quan đến kit xét nghiệm Việt Á.
ĐBQH Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, nếu dừng chủ trương thí điểm tự chủ trong khi chưa đánh giá kỹ càng lý do thì đó là việc làm chưa nên, như vậy là thụ động, tùy tiện trong ban hành chính sách.
Đại biểu Thanh Vân đặt vấn đề “Vì sao hai bệnh viện đang thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ xin thôi?” trong bối cảnh vừa qua có những vi phạm rất nghiêm trọng trong ngành y tế liên quan đến kit xét nghiệm Việt Á. Ông nhận định, vụ Việt Á đã làm rung chuyển cả hệ thống y tế, trong đó liên quan đến tự chủ. Vì vậy, phải đặt trong bối cảnh này để có tổng kết, đánh giá cặn kẽ vì sao cơ chế tự chủ vốn dĩ đang được thực hiện khá tốt mà bây giờ lại xin thôi.
Dưới góc nhìn cá nhân, ĐBQH đoàn Càu Mau cũng nêu một số nguyên nhân dẫn đến việc hai bệnh viện xin thôi tự chủ: “Thứ nhất, tác động mạnh nhất đó là đại án Việt Á. Bởi lẽ dù ít hay nhiều thì cũng liên quan đến vi phạm ở các đơn vị đang thực hiện cơ chế tự chủ, điển hình nhất là Bệnh viện Bạch Mai. Điều này phần nào cũng tác động đến quyền tự chủ.
Thứ hai, cơ chế tự chủ có toàn diện hay không? Hay chỉ trao cho họ quyền này nhưng quyền này lại bị kiểm soát bởi quyền kia? Vì thế, phải có tự chủ toàn diện, Nhà nước phải kiểm soát bằng thể chế là chính thay vì kiểm soát bằng những hành vi cụ thể”.
Với những nguyên nhân nêu trên, đại biểu Thanh Vân cho rằng, cần phải xem xét cơ chế tự chủ trên bốn phương diện. Thứ nhất, tự chủ về tổ chức và nhân sự đây là quyết định số một, tự chủ về tổ chức và nhân sự không có nghĩa là bệnh viện toàn quyền quyết định mà quyết định trong khuôn khổ tự chủ và luật pháp cho phép.
“Với mô hình tổ chức tự chủ, Nhà nước đưa ra khuôn khổ, còn các cơ sở khám, chữa bệnh lựa chọn linh hoạt, phù hợp với nhu cầu khám, chữa bệnh ở khu vực nhằm thu hút được bệnh nhân. Điều này góp phần giảm tải cho các cơ sở khám, chữa bệnh nhất là khu vực nội thành, ở tuyến trên”, ông Thanh Vân phân tích.
Với tự chủ nhân sự, ĐBQH này cho rằng, cấp trên chỉ quản lý cán bộ chủ chốt như Giám đốc bệnh viện. Còn Giám đốc bệnh viện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và tổ chức Đảng cùng cấp về việc tiến cử, đề bạt cấp phó, người đứng đầu phòng, ban chuyên môn và nhân viên của bệnh viện.
Hai là tự chủ về tài chính, theo ông Thanh Vân, khi nguồn thu nhập của bệnh viện đủ sức để tự tái đầu tư thì cho bệnh viện quyền tự chủ về đầu tư. Bên cạnh đó, với vốn bệnh viện tự có từ nguồn thu tự chủ tài chính thì bệnh viện có quyền tự chủ về mua sắm thiết bị căn vào các định mức chi phí.
Ba là vấn đề tự chủ về đầu tư, ông Vân nói: “Tại sao cùng một mặt hàng như lưỡi dao mổ mà cơ sở khám chữa bệnh công lập rất khó khăn mới mua được? Bởi, mua theo tiêu chí giá rẻ, chọn nhà thầu rẻ nhất thì đương nhiên như phàn nàn của bác sĩ sẽ chỉ mua được lưỡi dao cùn. Nhưng, cũng cơ chế đó mà các bệnh viện tư lại mua được dao tốt mà giá không đắt. Vì thế, tự chủ cần nghiên cứu tham khảo, học hỏi cách quản lý từ các cơ sở y tế tư nhân làm sao có phương pháp tốt nhất, giao cho bệnh viện quyền tự chủ về đầu tư. Trừ khi bệnh viện lạm dụng quyền này để trục lợi thì mới xử lý”.
Bốn là, bệnh viện cần được tự chủ về kế hoạch chương trình hoạt động của họ.
Với những gì nêu trên, ông Vân cho rằng: “Nếu quay về cơ chế ban đầu là cơ chế Nhà nước bao cấp, quản lý hành chính thì sẽ không phát huy được tính năng động, sáng tạo và huy động được nguồn lực sẵn có cũng như tiềm năng của đội ngũ cán bộ công chức, đội ngũ y bác sĩ… Cho nên, tự chủ là để phát huy được các nguồn lực đó, bảo đảm khai thác sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Nhà nước”./.