Đại biểu Quốc hội đề xuất cấm ép buộc người học tham gia học thêm để vụ lợi

VOV.VN - Góp ý thảo luận ở tổ về dự án Luật Nhà giáo hôm nay (9/11), đại biểu Quốc hội đề nghị sửa quy định thành “Cấm ép buộc người học tham gia học thêm để vụ lợi dưới mọi hình thức”.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội bày tỏ sự đồng tình với 6 điểm nhà giáo không được làm vì nhà giáo là nghề nghiệp đặc biệt và 3 điểm không được làm đối với nhà giáo quy định tại điều 11 dự án Luật Nhà giáo.

Đề xuất cấm ép buộc người học tham gia học thêm để vụ lợi

Đại biểu đề nghị bổ sung thêm quy định nhà giáo không được trực tiếp kinh doanh một số hoạt động theo quy định của địa phương và nhà trường nơi công tác.

“Có thể những hoạt động kinh doanh đó không xấu nhưng nếu nhà giáo kinh doanh thì sẽ không còn chuẩn mực nữa. Một số việc phải hạn chế, không để nhà giáo tham gia vào. Những việc cụ thể không được làm không cần quy định trong luật mà để từng địa phương, từng cơ sở giáo dục quy định cho phù hợp với điều kiện đặc thù”, đại biểu đoàn Hà Nội nêu ý kiến.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, có một số hoạt động kinh doanh rất phổ biến nhưng với nhà giáo thì không phù hợp. Ví dụ như bán bảo hiểm cho cha mẹ người học; bán hàng giải khát (nước ngọt, cà phê) ở cổng trường phục vụ người học; mở quán game cho học sinh chơi...

Đại biểu cũng chỉ rõ, quy định cấm ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức là chưa phù hợp. Vì thực hiện phương châm không để học sinh lưu ban, nhiều giáo viên có tinh thần trách nhiệm thường phải yêu cầu các học sinh có học lực yếu ở lại cuối giờ để kèm thêm, thậm chí đến nhà để chỉ dạy thêm.

“Giáo viên chỉ có động cơ duy nhất là giúp học sinh nắm được kiến thức để theo kịp bạn bè. Những việc làm này không hề có động cơ kiếm tiền, không có gì là xấu. Đề nghị sửa quy định thành: Cấm ép buộc người học tham gia học thêm để vụ lợi dưới mọi hình thức”, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất.

Về quy định cấm ép buộc người học nộp các khoản tiền hoặc hiện vật ngoài quy định, đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng đã là thầy thì phải cấm nhận tiền của người học. Cần phải quy định mạnh mẽ hơn là cấm nhận trực tiếp hoặc gián tiếp tiền, hiện vật ngoài quy định của người học khi đang trong quá trình học tập tại trường.

“Cần phải quy định chặt chẽ như thế để tránh tình trạng không ép buộc trực tiếp nhưng có các hình thức ép buộc trá hình để người học vô tình để quên tiền, hiện vật quý chỗ người dạy. Còn nếu người ta học xong, ra trường rồi thì khi đó có biếu tiền hay đồ vật quý cũng là tình cảm thật sự, chẳng có ai cấm”, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu rõ.

Ngành giáo dục quản lý tuyển dụng, tránh nơi thừa - nơi thiếu

Cũng góp ý về dự án Luật Nhà giáo, đại biểu Thái Văn Thành, đoàn Nghệ An quan tâm đến việc giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo.

Theo đại biểu Thái Văn Thành, quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương và cơ sở giáo dục chủ động xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo, từ tuyển dụng, đánh giá, đến đào tạo nguồn nhân lực.

Đại biểu đoàn Nghệ An cho rằng cơ quan quản lý giáo dục khi được chủ trì tuyển dụng, quản lý biên chế cũng có thể chủ động trong điều động, luân chuyển, biệt phái nhân lực, hạn chế tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ ở các địa phương.

Thực tế, ông Thành cho biết đang có tình trạng huyện này thừa rất nhiều giáo viên nhưng không thể điều sang những huyện thiếu, bởi ngành không được giao thẩm quyền về quản lý biên chế.

“Lâu nay chúng ta nói đội ngũ nhà giáo thiếu khoảng 120.000 người, trong đó 72.000 người chưa tuyển dụng được. Nguyên nhân chậm tuyển dụng là do nhiều tầng lớp, như qua phòng nội vụ rồi quay ngược lại phòng giáo dục, rồi lại quay trở về phòng nội vụ, 3-4 vòng làm chậm tuyển dụng, dẫn đến khai giảng năm học mới rồi nhưng giáo viên vẫn chưa có”, đại biểu Thái Văn Thành nêu bất cập.

Cần chính sách lương đủ sức hấp dẫn thu hút nhân tài vào ngành giáo dục

Cũng đề cập đến những khó khăn của ngành giáo dục trong thời gian qua, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đoàn TP.HCM nhấn mạnh tinh thần tôn sư trọng đạo là nền tảng lâu đời trong xã hội chúng ta. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, ngành giáo dục cũng gặp những khó khăn và tinh thần này đã vơi đi phần nào.

Với Luật Nhà giáo này, đại biểu băn khoăn liệu có giải quyết những khó khăn của nhà giáo hay không trước cơn lốc xã hội hóa trong ngành giáo dục, nhất là những mặt trái đang diễn ra.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng mong muốn, phải đưa nghề giáo trở lại vị thế là nghề cao quý, thầy cô giáo được xã hội tôn trọng hơn. Về chính sách lương, nữ đại biểu cũng cho rằng, vẫn còn nhiều giáo viên chưa thể sống được bằng đồng lương nhà giáo, nhất là giáo viên trẻ, sinh viên sư phạm mới ra trường.

“Cần có thêm những chính sách thu hút sinh viên ngành sư phạm, cũng như các chính sách hỗ trợ, đãi ngộ giáo viên gắn bó với nghề, nhất là giáo viên vùng sâu, vùng xa. Đồng thời có thêm chính sách lương đủ sức hấp dẫn thu hút nhân tài vào ngành giáo dục”, nữ đại biểu kiến nghị.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tổng Bí thư: Phải quán triệt rất sâu sắc chiến lược, vị trí người thầy
Tổng Bí thư: Phải quán triệt rất sâu sắc chiến lược, vị trí người thầy

VOV.VN - Tổng Bí thư Tô Lâm: Trong đào tạo người thầy rất quan trọng, muốn giáo dục phát triển được đầu tiên phải có thầy, có trường. Với định hướng chung này của Đảng, tôi cho rằng phải quán triệt rất sâu sắc chiến lược, vị trí người thầy

Tổng Bí thư: Phải quán triệt rất sâu sắc chiến lược, vị trí người thầy

Tổng Bí thư: Phải quán triệt rất sâu sắc chiến lược, vị trí người thầy

VOV.VN - Tổng Bí thư Tô Lâm: Trong đào tạo người thầy rất quan trọng, muốn giáo dục phát triển được đầu tiên phải có thầy, có trường. Với định hướng chung này của Đảng, tôi cho rằng phải quán triệt rất sâu sắc chiến lược, vị trí người thầy

Giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng
Giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng

VOV.VN - Sáng 9/11, trình bày tờ trình về dự án Luật Nhà giáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong dự luật, chính sách tiền lương của nhà giáo được bố trí ưu tiên, bên cạnh đó tuổi nghỉ hưu của nhà giáo có quy định riêng phù hợp với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp...

Giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng

Giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng

VOV.VN - Sáng 9/11, trình bày tờ trình về dự án Luật Nhà giáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong dự luật, chính sách tiền lương của nhà giáo được bố trí ưu tiên, bên cạnh đó tuổi nghỉ hưu của nhà giáo có quy định riêng phù hợp với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp...

Việc điều tiết đội ngũ nhà giáo nên giao cho ngành giáo dục
Việc điều tiết đội ngũ nhà giáo nên giao cho ngành giáo dục

VOV.VN - Cho rằng việc quản lý biên chế có điểm bất cập, còn chồng chéo giữa cơ quan nội vụ và giáo dục, ông Vừ A Bằng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đề nghị giao thẩm quyền cho sở giáo dục và đào tạo (GDĐT) chủ trì quản lý nhà giáo trên địa bàn cấp tỉnh; trường hợp cần thiết phải điều tiết nhà giáo trên phạm vị toàn quốc thuộc thẩm quyền của Bộ GD-ĐT.

Việc điều tiết đội ngũ nhà giáo nên giao cho ngành giáo dục

Việc điều tiết đội ngũ nhà giáo nên giao cho ngành giáo dục

VOV.VN - Cho rằng việc quản lý biên chế có điểm bất cập, còn chồng chéo giữa cơ quan nội vụ và giáo dục, ông Vừ A Bằng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đề nghị giao thẩm quyền cho sở giáo dục và đào tạo (GDĐT) chủ trì quản lý nhà giáo trên địa bàn cấp tỉnh; trường hợp cần thiết phải điều tiết nhà giáo trên phạm vị toàn quốc thuộc thẩm quyền của Bộ GD-ĐT.